50 năm văn học: Nhiều kỳ vọng mới

02/12/2024 - 07:23

PNO - Qua từng giai đoạn, văn đàn Việt đều có những người cầm bút với dấu ấn khác biệt, cùng nhiều tác phẩm giá trị. Sau nửa thế kỷ, văn chương Việt kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến cùng thời đại mới.

lMột dòng chaey đa chiều

Hội Nhà văn Việt Nam cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương vừa tổ chức hội thảo chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”. Hội thảo thu hút 43 tham luận với những góc nhìn tổng quát và chuyên sâu về những dấu ấn nổi bật cũng như những xu hướng mới trong đề tài, phong cách sáng tác của từng thế hệ cầm bút.

Dòng chảy các tác phẩm văn học viết về chiến tranh biên giới là một trong những dấu ấn đặc biệt của văn chương Việt 50 năm qua
Dòng chảy các tác phẩm văn học viết về chiến tranh biên giới là một trong những dấu ấn đặc biệt của văn chương Việt 50 năm qua

Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay gắn với từng giai đoạn của hiện thực và thời đại: sau chiến tranh, thời kỳ đổi mới và thời hội nhập. Từng giai đoạn khắc dấu ấn với những thế hệ nhà văn: Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái… Đề tài chiến tranh cách mạng, hiện thực thời hậu chiến/đổi mới xuất hiện trong nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian: Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Mùa lá rụng trong vườn, Sóng ở đáy sông, Tướng về hưu, Ăn mày dĩ vãng…

Văn chương thời hội nhập đã là một dòng chảy đa chiều với sự tiếp nhận những trường phái/giá trị mới từ phương Tây. Xuất hiện cùng với đó là những khái niệm “văn học hậu hiện đại”, “văn chương mạng”, “văn chương trẻ”… và những thế hệ cầm bút mới. Từ thế hệ 6X, 7X đến 8X, 9X và hiện nay là gen Z đều có những tên tuổi nổi bật trên văn đàn. Nội dung trong các sáng tác đa dạng, từ hiện thực xã hội và thân phận con người đến hành trình nội tâm, đi tìm bản ngã trong mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó còn có một dòng chảy đặc biệt với các tác phẩm viết về chiến tranh biên giới: Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy và Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (Đoàn Tuấn), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Tiếng vọng đèo Khau Chỉa (Nguyễn Thái Long)… Đó cũng là một trong những dấu ấn không thể phai mờ của văn học Việt trong suốt 50 năm qua. Nửa thế kỷ ở lại trên trang viết với tất cả vẻ đẹp lấp lánh của văn chương: chiến tranh và hòa bình, sự sống và cái chết, tình yêu và thân phận…

Dù vậy, vẫn “thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao” theo nhận định của các nhà phê bình khi nhìn về văn học Việt gần 5 thập niên vừa qua. Bởi so với lực lượng sáng tác đông đảo cũng như số lượng tác phẩm văn học được xuất bản hằng năm, những điểm sáng nổi bật của văn chương Việt hiện nay lại không nhiều. Tác phẩm đỉnh cao, có sức sống vượt thời gian gần như hội tụ ở thế hệ nhà văn viết từ sau năm 1975. Thế hệ cầm bút sau này vẫn chưa thể bứt phá, tạo dấu ấn sâu đậm cho văn chương Việt. Đây cũng là sự mong chờ và niềm kỳ vọng của thế hệ nhà văn đi trước dành cho những người cầm bút hôm nay.

Dấu ấn văn chương Việt ra thế giới

Ngày 25/11 vừa qua, nhà văn Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Một được trao giải thưởng văn học ASEAN, với 2 tác phẩm Một ví dụ xoàng Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Giải thưởng văn học này từng tôn vinh những tên tuổi nhà văn Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay: Tố Hữu, Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Lê Văn Thảo, Trần Đức Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…

Giải thưởng Văn học sông Mê Kông (khu vực 6 quốc gia) cũng từng vinh danh các tác giả Nguyễn Bắc Sơn (tiểu thuyết Lính tăng), Trình Quang Phú (Ký sự xứ người)… Các nhà văn được trao giải quốc tế trước đó còn có: Mai Văn Phấn (giải thưởng văn học Cikada, Thụy Điển), Nguyễn Quang Thiều (giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc), Nguyễn Ngọc Thuần (giải thưởng Peter Pan dành cho văn học thiếu nhi của Thụy Điển)…

Dấu ấn văn chương Việt ra thế giới không chỉ có các tác phẩm được tôn vinh tại các giải thưởng quốc tế mà ngày càng có thêm nhiều đầu sách được chuyển ngữ, phát hành tại nước ngoài. Nhà văn Việt Nam cũng có mặt ở các chương trình/diễn đàn/sự kiện giao lưu văn hóa - văn học tại nhiều quốc gia và khu vực. Tháng Mười một vừa qua, tác giả Vũ Thế Long và Đỗ Quang Tuấn Hoàng được mời đến giao lưu trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á, nhân dịp tựa sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời và Vắt qua những ngàn mây ra mắt bản tiếng Trung. Đây cũng là lần đầu sách văn hóa Việt được dịch và phát hành tại Trung Quốc.

Những người cầm bút đã và đang dấn bước trên một hành trình rộng mở hơn, để cùng cất tiếng với thế giới về lịch sử - văn hóa của một đất nước giàu bản sắc. Đây cũng là một trong những kỳ vọng của văn chương Việt sau 50 năm, với sự tiếp bước đầy tự tin và chủ động của thế hệ những người viết trẻ.

Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014)

Hội Nhà văn TPHCM sẽ tổ chức hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng vào sáng 6/12. Ông là Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đầu tiên và giữ vai trò xuyên suốt trong 3 nhiệm kỳ đầu. Bên cạnh những cống hiến cho văn chương trước năm 1975, với các tác phẩm: Đất lửa, Chiếc lược ngà, Câu chuyện bên trận địa pháo… Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có rất nhiều dấu ấn sau năm 1975, với các tác phẩm: Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Ông cũng là tác giả kịch bản phim: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Giữa dòng, Mùa nước nổi, Con gà trống

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI