50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Pho tượng đài trong lòng dân

10/01/2018 - 16:53

PNO - Các cuộc xuống đường đấu tranh chính trị của sinh viên trên đất Huế và những cuộc binh vận đầy sáng tạo đã đóng góp hết sức hiệu quả cho tiếng súng mở đầu chiến dịch.

Trước khi nổ súng tấn công trong chiến dịch Mậu Thân, lãnh đạo quân khu Trị Thiên về gặp du kích xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền bàn với anh em:

- Để làm cho tư tưởng quân địch tan tác trước khi ta tấn công, cần có một cuộc binh vận bất ngờ, đó là việc phất cờ giải phóng giữa đất cố đô. Chúng ta chỉ cần hai người thôi, một người cầm cờ và một người cầm bích chương. Dĩ nhiên cuộc ra quân bất ngờ này đầy nguy hiểm, rất dễ hy sinh. Ai dám xung phong đi nào?

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Pho tuong dai trong long dan
Quân giải phóng trên đường tiến vào Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Hai mươi tư du kích ngồi đó thì có hai mươi tư cánh tay giơ lên, không một ai tỏ ra ngần ngại. Kết quả, hai người được lãnh đạo chọn cho cuộc ra quân quyết liệt này là anh Hà Lề và anh Nguyễn Xuân.

Ngày Lề và Xuân lên đường là ngày 25/12/1967, đó là ngày lễ Noel. Hai anh mặc quần áo giải phóng, lưng thắt dây da to bản, đầu đội mũ tai bèo. Đúng 7g ngày 25/12, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa tung bay ngay từ đất Quảng Lợi. Bên cạnh lá cờ là bức bích chương rộng màu xanh da trời, chữ trắng: “Xin hòa bình cho đất nước chúng tôi”. Xuân và Lề không hề mang theo một tấc sắt làm vũ khí. Trong tay các anh lúc này chỉ có lá thư của chính quyền cách mạng gửi tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên Phạm Văn Khoa. 

Lá cờ hiên ngang đi đến tận cổng quận Quảng Điền. Lính trong quận chạy ra, đề nghị Xuân và Lề hạ cờ xuống, gấp lại. Anh Xuân và anh Lề trả lời ngay:

- Băng cờ này là tiếng nói đòi hòa bình của đồng bào cả nước, cả của các anh nữa, các anh cũng mong được sống trong hòa bình chứ? Chúng tôi có thư của Mặt trận gửi ông tỉnh trưởng đây. Yêu cầu cho chúng tôi gặp ông quận trưởng.

Lính gác vào báo cáo với quận trưởng. Quận trưởng Quảng Điền đồng ý cho vào. Xuân trao thư của chính quyền cách mạng gửi ông tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa. Không phải thư cho mình, quận trưởng không dám bóc. Ông điện lên Huế gặp tỉnh trưởng, tỉnh trưởng đồng ý đưa hai chiến sĩ cách mạng lên Huế. Sau cuộc gặp, hai anh được đưa trở lại Quảng Điền. Trên đường đi, Xuân và Lề đã khôn khéo thoát khỏi âm mưu truy sát của kẻ thù, an toàn trở về với đồng đội.

***

Phát huy thắng lợi binh vận, Quảng Điền tính toán thời cơ để tấn công binh vận lần thứ hai. Thời cơ đã tới, đó là dịp tết Nguyên đán năm 1968. Lần này vùng hoạt động ngắn hơn. Hai mũi trung tâm muốn nhắm tới là Trung đoàn 3 của quân đội Sài Gòn ở cây số 17 và quận Quảng Điền. Một cuộc tuyển chọn nhân tố dũng cảm kiên cường ở các đơn vị xã được tiến hành khẩn trương.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Pho tuong dai trong long dan
Một nữ bộ đội Bắc Việt trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại miền Nam Việt Nam. Ảnh chụp 1/1/1968

Bốn người được chọn là: Hoàng Kim Thắng, một thanh niên học trên Huế về. Anh đẹp trai, hát hay và là người can trường. Dương Thị Thọ, một nữ du kích tháo vát, là Chủ tịch Hội Phụ nữ Phong Hiền. Hai người tiếp theo là Hoàng Kim Cuộc, hiện là trưởng công an thôn Cao Ban và anh Nguyễn Quốc Tròn, một du kích mẫu mực làng Niêm Phò. 

Cuộc và Tròn đi mũi Tứ Hạ. Đúng sáng mồng Một tết xuất phát. Các anh, chị đi không hề mang vũ khí. Chỉ có lá cờ nửa xanh nửa đỏ trong tay và bích chương đòi hòa bình. Cuộc và Tròn từ xã Quảng Phú ra bến đò Hạ Lang. Chị cơ sở chèo đò cho hai anh. Nhìn hai đứa em trẻ trung, chị nói: “Chị sợ các em hy sinh quá!”. Nguyễn Quốc Tròn trả lời: “Được hy sinh cho quê hương, đất nước là một điều quang vinh chị ạ!”. Chị nhìn hai người lên bờ, phăm phăm cầm cờ đi về phía cây số 17. Các anh đến trung đoàn 3 do trung tá Trương Như Thọ làm trung đoàn trưởng. Nguyễn Đình Cuộc nói với người lính gác: 

- Cho chúng tôi gặp trung tá Trương Như Thọ đưa lá thư này của Mặt trận.

Thấy cờ giải phóng, lính trong căn cứ chạy ra, chúng nói như ra lệnh:

- Hạ cờ xuống, quấn cờ, quấn băng-rôn lại.

Nguyễn Quốc Tròn trả lời:

- Lá cờ của chúng tôi là chính nghĩa, là hòa bình. Các anh có yêu chính nghĩa, yêu hòa bình không mà bắt chúng tôi cuốn lại?

Mấy tên lính chạy vào báo cáo cho trung tá Thọ. Lát sau họ chạy ra bảo:

- Hãy để cờ và băng qua một bên, trung tá mời các anh vào.

Tròn và Cuộc dựng cờ, băng-rôn vào ngay bên bót gác. Các anh vào được Thọ mời nước, tiếp chuyện đúng nửa giờ đồng hồ. Thọ nhận thư và hứa sẽ trả lời. Tròn và Cuộc ra về. Chị cơ sở vẫn đứng cắm sào đợi các anh ở bến. Nhưng lúc ấy trên bến đã có ba tên cảnh sát của quận Quảng Điền do tên Thành cầm đầu. Thành nhìn hai anh bằng con mắt thù hận. Tròn và Cuộc bước lên đò. Con đò vừa rời bến thì bọn Thành nổ súng. Tròn và Cuộc ngã ngay trên mặt đò. Chị lái đò òa khóc. 

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Pho tuong dai trong long dan
Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân giải phóng Trị Thiên Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án đánh địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hoàng Kim Thắng và Dương Thị Thọ từ Phong Điền, cầm cờ, băng-rôn và thư ra đồn Lai Xá. Đồn Lai Xá có một trung đội lính Sài Gòn. Đứng trước đồn, Hoàng Kim Thắng la to:

- Không được cản trở chúng tôi, hãy để chúng tôi lên quận đưa thư cho ông quận trưởng.

Lính Lai Xá gọi điện lên quận Quảng Điền, quận cho xe về đón hai người. Nhưng đến quận, thay vì quận trưởng tiếp anh chị, thì bọn cảnh sát đã chặn anh chị lại, chúng liền giơ roi quất vào hai người. Hoàng Kim Thắng nói:

- Chúng tôi không có vũ khí trong tay, chúng tôi đến đây để bàn hòa bình cho nhân dân Quảng Điền, các anh đánh chúng tôi là vô nhân đạo.

Bọn cảnh sát không ngừng tay. Chúng kéo Thắng và Thọ ra cồn mồ ngay trước cổng quận và bắn chết hai người ngay tại đó.

Chuyến ra đi của Cuộc, Tròn, Thắng, Thọ không mỹ mãn nhưng đã gây được tiếng vang. Chỉ hơn 10 giờ sau khi Cuộc, Tròn, Thắng, Thọ hy sinh thì tiếng súng mở màn cho chiến dịch Mậu Thân bùng nổ dữ dội. Sau loạt đại bác dội vào sân bay Phú Bài, ở tất cả 6 huyện và thành phố Huế của Thừa Thiên đều nổ súng nhất loạt tấn công vào tất cả các căn cứ của kẻ thù.

Các cuộc xuống đường đấu tranh chính trị của sinh viên trên đất Huế và những cuộc binh vận đầy sáng tạo đã đóng góp hết sức hiệu quả cho tiếng súng mở đầu chiến dịch. Chỉ sau một đêm, quân giải phóng đã làm chủ Huế và tất cả các căn cứ địch trong 6 huyện ngoại thành.

Hình ảnh những người chiến sĩ mặc quân phục giải phóng, đội mũ tai bèo, hiên ngang vác cờ nửa xanh nửa đỏ vào vùng địch chiếm, trong tay không hề có một tấc sắt, chỉ có tấm lòng đòi hòa bình, đòi thống nhất, dù chưa được một họa sĩ, một nhà điêu khắc nào tạo hình, song hình ảnh đó đã là, đang là và mãi mãi là pho tượng đài kiêu hãnh trong lòng nhân dân Quảng Điền. 

Nguyễn Quang Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI