|
Ông Bùi Quang Trường: “Quên lãng là có tội!” |
Không ghi nhận là thiếu sót
Len chân qua các dãy ki-ốt bán quần áo, giày dép cũ trong con hẻm 51 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được ngôi nhà số 51/80 với ba tầng lầu cao sừng sững. Theo lời của các nhân chứng lịch sử, 50 năm trước, đây là nhà bảo sanh lớn nhất khu Bàn Cờ, có tên Nhà bảo sanh Người Mẹ Hiền, là nơi che chở nhiều chiến sĩ cách mạng những năm 1960, nơi in truyền đơn, may cờ mặt trận, là một “địa chỉ đỏ”.
Chúng tôi rảo bước một vòng quanh ngôi nhà, bên tai vang vang lời thuyết trình của phó giáo sư - tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển: “Ngôi nhà có địa thế vô cùng đặc biệt, vừa nguy hiểm vừa cực kỳ an toàn, bí mật. Bốn lối đều có hướng quan sát; phía sau, bên hông đều có lối ra. Vì vậy, cánh quân Liên quận 3A Thành đoàn thời ấy đã chọn nơi này làm căn cứ”.
Ngôi nhà thuộc sở hữu của bà Võ Thị Ba - vợ của liệt sĩ Huỳnh Thiện Nghệ, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Biên Hòa thời kháng Pháp. Chồng vào cứ rồi biệt tích, bà Ba một nách mấy con từ Biên Hòa đến Sài Gòn gá nghĩa cùng một thương nhân yêu nước. Ông này không tham gia cách mạng, nhưng là “bệ đỡ” an toàn cho vợ, những người con của vợ là Huỳnh Thiện Kim Tuyến, Huỳnh Thiện Kỳ Duyên - những cán bộ Thành đoàn thời bấy giờ - hoạt động.
Phó giáo sư - tiến sĩ Quỳnh Trân nhớ lại: “Từ năm học lớp 12 ở Trường Gia Long, tôi đã theo chị Kim Tuyến hoạt động cách mạng. Những lần vào chiến dịch, nhà chị Kim Tuyến là nơi mà tôi cùng các bạn học thức suốt đêm in truyền đơn. Sau này, khi trở thành chiến sĩ biệt động, tôi được phân công về nhánh liên phường 1-3 của Thành đoàn. Những lúc phải chạy trốn, không có chỗ nào để ở, tôi lại chạy về với bác Ba”.
Với lợi thế là nhà bảo sanh ba tầng lầu, nhiều phòng hậu sản riêng lẻ, biệt lập, nam, nữ, trẻ, già đều có thể tự nhiên lui tới nên vợ chồng bà Ba cùng các con đã che giấu nhiều chiến sĩ trong suốt thời kỳ đấu tranh cho đến ngày đất nước thống nhất, dù con gái Kỳ Duyên, Kim Tuyến từng bị bắt nhưng cơ sở này không hề bị lộ.
“Khi tới nhà bảo sanh này, ngoài tôi, còn có nhiều cánh quân, đồng chí khác lui tới, được bác Ba bảo bọc, che chở, trong đó có cả em trai Nam Hải của tôi (liệt sĩ Nam Hải, hy sinh năm 1968), nhưng chúng tôi chưa bao giờ “đụng” nhau. Nói vậy cũng đủ biết, bác Ba đã sắp xếp tài tình thế nào” - bà Tôn Nữ Quỳnh Trân nhớ lại.
Theo cách mạng từ thời học ở Trường nữ sinh Gia Long, hai chị em bà Kim Tuyến, Kỳ Duyên tham gia văn nghệ, biểu tình, in, rải truyền đơn, nhưng đáng nhớ nhất với hai bà chính là năm Mậu Thân 1968. Nhắc chuyện xưa, bà Kim Tuyến bùi ngùi: “Ngôi nhà của chúng tôi, Nhà bảo sanh Người Mẹ Hiền, trong những ngày đó mới rộn rã làm sao. Dưới trệt, má cho chú Ba Triết, chú Chín Kế ngủ nhờ; trên lầu, má cho cánh quân Liên quận 3A do chị Nguyễn Thị Loan (Năm Nga) lãnh đạo làm nơi hội họp bí mật.
Ngay phòng ngủ, má cất trong tủ nào súng, truyền đơn. Có lần, lính đi bố ráp, lục soát, mấy mẹ con run bắn. Trên tầng áp mái, má bố trí máy may cho bà Vinh - mẹ của hai liệt sĩ Sáu Hải và Út Hải (Phan Xuân Hoàng và Phan Thanh Vân) - ngày ngày miệt mài may lá cờ Tổ quốc với bề rộng hơn 5m cho “giờ G” trong chiến dịch. Sau này, nhiều ngôi nhà được chính quyền thành phố vinh danh “địa chỉ đỏ”. Nghĩ về công lao của ba má, về ngôi nhà như chứng nhân lịch sử bị rơi vào quên lãng, tôi cứ nghèn nghẹn trong lòng”.
Ông Bùi Quang Trường - nguyên là cán bộ Thành đoàn cánh quân Liên quận 1-3, sau là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng phòng Hành chính Tổ chức của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp TP.HCM - cũng tâm tư về Nhà bảo sanh Người Mẹ Hiền: “Những năm 1967, 1968, theo mệnh lệnh, tôi từng đến nhà bảo sanh này nhiều lần để xem tài liệu, truyền đơn, vũ khí đã tới chưa. Thời đó, chúng tôi hoạt động đơn tuyến, bí mật. Tổ chức quy định rất rõ ràng, mình chỉ biết mình và người trực tiếp chỉ đạo mình.
Đến một nơi công tác, dù là cơ sở của mình, nhưng chức năng, tầm hoạt động thế nào thì mình không thể biết được. Việc Nhà bảo sanh Người Mẹ Hiền chưa được công nhận di tích lịch sử, theo tôi, là một thiếu sót”.
50 năm rồi, làm sao ai nhớ…
Nhà số 150F Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng), P.7, Q.3, TP.HCM) xưa là Nhà in Phương Quỳnh, do bà Trần Xuân Huệ Phương - vợ của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, làm chủ, đã che giấu không biết bao nhiêu đồng đội của chồng, của các con. Đây cũng là nơi in các tạp chí Đứng Dậy, Tự Quyết, Đối Diện và nhiều loại truyền đơn cho cách mạng.
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân bên những di vật từ Nhà in Phương Quỳnh |
Vốn là một nhà tư sản yêu nước, ủng hộ cách mạng ngay từ thời còn ở Huế, bà Huệ Phương - chủ Nhà in Khánh Quỳnh - đã giúp chồng và đồng đội của ông ra ấn phẩm Tập Văn Ngày Nay, truyền bá tư tưởng yêu nước. Khi giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ bị trục xuất khỏi Huế, vào Nam hoạt động, bà Huệ Phương theo chồng, tiếp tục làm nghề in, nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng.
Sau ngày hòa bình, bà Huệ Phương hiến toàn bộ máy móc ở xưởng in cho Trường đại học Khoa Học, nay là Trường đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngôi nhà 150F Lý Chính Thắng và xưởng in Phương Quỳnh với những lá truyền đơn đến nay dường như đã bị rơi vào quên lãng.
“Năm mươi năm rồi, làm sao ai nhớ…”, câu cửa miệng của những người một thời tận hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, khiến chúng tôi xót xa.
Nghi Anh