50 năm ngày trở lại: Cựu chiến binh tưởng nhớ đồng đội giữa vùng ký ức đạn bom

29/04/2025 - 17:02

PNO - Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức chiến tranh vẫn hằn sâu trong tâm trí. Trở lại chiến trường xưa, ông lặng lẽ thắp nén nhang, thành kính tưởng nhớ những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến hào năm ấy…

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Nghĩa, sinh năm 1952, quê ở Cao Bằng, từng là chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội C75 - đơn vị trinh sát đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị được đổi tên thành C1D2S1, trực thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM.

Năm nay dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng trong ký ức của ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh những cánh rừng, từng tấc đất của vùng "đất thép thành đồng" Củ Chi, nơi ông từng sống, chiến đấu và chứng kiến biết bao mất mát, hy sinh của đồng đội trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Nguyễn Hồng Nghĩa từng là chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội C75 – đơn vị trinh sát đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Sài Gòn – Gia Định - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Nguyễn Hồng Nghĩa từng là chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội C75 - đơn vị trinh sát đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định - Ảnh: Thanh Tâm

Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Nghĩa tình nguyện rời quê nhà, lên đường nhập ngũ. Sau 1 năm huấn luyện, ông được biên chế vào lực lượng đặc công, bắt đầu hành trình Nam tiến vào chiến trường miền Nam. Cuộc hành quân kéo dài hơn 6 tháng ròng rã trên đường Trường Sơn đã in đậm trong tâm trí người lính trẻ.

“Ngày ấy, Trường Sơn như vùng đất chết, đất đá tan hoang, cây cối trụi lá, bom đạn và hóa chất trút xuống không ngơi nghỉ” - ông hồi tưởng.

Không chỉ đối mặt với bom đạn, những người lính còn phải chiến đấu với bệnh tật và cái đói. Sốt rét rừng, thiếu thốn thuốc men khiến không ít đồng đội ông ngã xuống ngay trên đường hành quân, chưa kịp đặt chân đến chiến trường đã vĩnh viễn nằm lại ven đường mòn Hồ Chí Minh.

Những ngày tháng ở Củ Chi, ông Nghĩa gia nhập đơn vị đặc công, chuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, bám sát vùng địch, vẽ sơ đồ căn cứ quân sự của đối phương.

“Đi vào thì đầu đi trước, ra thì đầu đi sau, từng cọng cỏ bị đè rạp cũng phải vuốt lại như cũ. Tôi vẫn nhớ rõ từng giờ từng phút sống giữa rào thép gai, giữa lằn ranh sinh tử. Một sơ suất nhỏ cũng có thể mất mạng” - ông bồi hồi kể lại.

Thời điểm ấy, Củ Chi là “túi bom” với mật độ pháo kích dày đặc. Không quân Mỹ thường trút toàn bộ bom đạn xuống khu vực này trước khi hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa. Bộ đội đặc công sống ngay trong lòng địch, ngụy trang như dân thường, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc hoạt động bí mật.

Vùng đất Củ Chi từng là “túi bom” của giặc Mỹ, giờ đã thay đổi. Nhưng trong lòng người lính đặc công năm xưa, ký ức về những ngày hành quân Nam tiến, chiến đấu thầm lặng giữa lòng địch vẫn vẹn nguyên, đầy xúc động và tiếc nhớ - Ảnh: Thanh Tâm
Vùng đất Củ Chi từng là “túi bom” của giặc Mỹ, giờ đã thay đổi. Nhưng trong lòng người lính đặc công năm xưa, ký ức về những ngày hành quân Nam tiến, chiến đấu thầm lặng giữa lòng địch vẫn vẹn nguyên, đầy xúc động - Ảnh: Thanh Tâm

Ngày 26/4/1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ ém quân gần căn cứ Đồng Dù - Sư đoàn 25 Nguỵ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.

Đêm 28/4, lực lượng đặc công vượt kênh Xáng, tập kích đồn Nhà Tô, tạo bàn đạp cho các mũi tiến công hướng Đồng Dù. Sáng 29/4, đồn bị đánh chiếm, đến trưa 30/4, tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lan rộng, quân ta nhanh chóng tiếp quản địa bàn.

“Sau hơn nửa tháng hành quân, chiến đấu liên tục, chúng tôi ai cũng lên phèn, tóc dựng cứng như rễ tre. Người dân mở giếng, bơm nước cho tắm rửa, nấu cơm cho ăn. Cảnh tượng ấy xúc động lắm, đậm tình quân dân” - ông kể lại.

Chiều cùng ngày, đơn vị ông tiến thẳng vào nội đô, hòa vào dòng người hân hoan reo mừng ngày đất nước thống nhất. Với ông Nghĩa, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng không chỉ là dấu mốc lịch sử của dân tộc, mà còn là khoảnh khắc ông cảm nhận được sự sống sót diệu kỳ sau bao lần cận kề cái chết.

Ông Nguyễn Hồng Nghĩa (người đứng đầu tiên bên trái) cùng những đồng đội của mình ghi lại dấu ấn sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Bức ảnh quý giá này được phóng viên hãng thông tấn AFP ghi lại vào năm 1975 - Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Hồng Nghĩa (người đứng đầu tiên, bên trái) cùng những đồng đội của mình ghi lại dấu ấn sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Bức ảnh quý giá này được phóng viên hãng thông tấn AFP ghi lại vào năm 1975 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều năm sau ngày đất nước hòa bình, ông từng trở lại TPHCM và tìm về vùng đất Củ Chi năm xưa. Tuy nhiên, tên địa phương cũng đã thay đổi, chiến trường cũ không còn dấu vết, đồng đội năm xưa người còn, người mất, chẳng thể liên lạc. Ông trở về trong lặng lẽ, lòng trĩu nặng nỗi niềm.

Năm nay, dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, người lính già một lần nữa khăn gói trở lại chiến trường xưa. Vẫn là sự kiên trì của người lính năm nào, ông dò hỏi người dân, tìm lại địa danh cũ để thắp nén nhang cho những đồng đội đã nằm lại nơi đây.

“Trở lại nơi ấy, lòng tôi xúc động lắm. Mọi thứ giờ đã thay đổi quá nhiều. Nhưng ký ức thì vẫn còn nguyên. Những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng ấy, mãi là một phần máu thịt không thể nào quên” - ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Nghĩa cùng các cựu chiến binh đã thắp nén nhang tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh tại Đền Tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Nguyễn Hồng Nghĩa cùng các cựu chiến binh đã thắp nén nhang tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh tại Đền Tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - Ảnh: Thanh Tâm

Trong sâu thẳm của người cựu chiến binh là nỗi đau đáu về những đồng đội năm xưa đã ngã xuống. Nhưng ông cũng cảm thấy được an ủi khi chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày. “Mình còn sống đến hôm nay đã là điều đáng mừng. Nếu các đồng đội còn sống, chắc cũng thấy vui lòng” - ông nói.

Gửi gắm tới thế hệ trẻ, ông nhắn nhủ: “Hòa bình hôm nay quý giá lắm, được đánh đổi bởi biết bao hy sinh, xương máu của cha anh. Các cháu cần giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử, hun đúc tự hào, tiếp nối lý tưởng cao đẹp để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, trường tồn”.

Thanh Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nghiem Minh Thanh Cách đây 15 giờ

    Thật trân trọng sự hy sinh to lớn của thế hệ Cha Ông để đất nước được độc lập như ngày hôm nay. Kính chúc Bác luôn luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc ạ ❤️❤️❤️❤️

 
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI