50 năm ngày mất nhà văn Dương Thị Xuân Quý: Cuộc đời vẫn đẹp sao…

08/03/2019 - 10:00

PNO - Trường hợp của bà là bài học không bao giờ cũ với những ai khoác lên mình sứ mệnh cầm bút, rằng phải ở với dân để thấy hiện thực ra sao, để thấy lòng dân có gì, cần gì.

Hôm đó là ngày 3/8/2006, lúc 14g, chiếc kẹp tóc bằng inox có khắc hàng chữ “Tặng X.QUÝ. E1” lộ ra sau mấy chục phút đào đất trong khu vực hào tre. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm - Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, vốn từng lăn lộn ở chiến trường này, nói: “Có lẽ đây là quà tặng của lính trung đoàn 1, sư đoàn 2, quân khu 5”. Tôi nhớ, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã quỳ xuống, hai tay cố ghìm giữ chiếc kẹp như sợ nó tan đi, nói nhỏ: “Đúng đây rồi”.

Thế là từ đây chấm dứt chuỗi kiếm tìm vô vọng, đào nát cả khu vườn anh Võ Bắc ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ đây, kẻ âm người dương, như thử thách lòng nhau, đã chạm mặt trong run rẩy của đất. Từ đây, sau cái đêm 8/3/1969 định mệnh đã giữ người con gái Bắc - Dương Thị Xuân Quý “thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên” (Bài thơ về hạnh phúc, Bùi Minh Quốc), câu thơ đã bước ra từ trang thơ lên phiến đá Non Nước, được dựng bia tưởng niệm.

50 nam ngay mat nha van Duong Thi Xuan Quy: Cuoc doi van dep sao…
Anh Võ Bắc (chủ nhà) bên mộ của nhà văn Dương Thị Xuân Quý

50 năm, nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý nằm lại ở chiến trường. Tôi đứng ngó chỗ đào ngày trước, bây giờ cũng như bao năm rồi, mùa này, là thửa đậu phộng xanh um. Anh Võ Bắc từ đâu chạy về. Ngày 8/3, gia đình ông Bùi Minh Quốc sẽ vào thắp nhang và ra mắt cuốn sách Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, tái bản lần thứ 4. “Anh có nghe họ điện…”. “Người ta có hay thăm mộ không?”. “Có, mấy nhà thơ nhà văn hay tới…”. Hoa nở quanh mộ. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý có tập truyện ngắn Hoa rừng. Giới nghiên cứu cho rằng, nếu đem những “dụng cụ” phê bình văn học ra để mổ xẻ trong trường hợp nhà văn này thì sẽ khập khiễng.

Bà vào chiến trường với tư cách nhà báo. Viết văn như kẻ “ngoại tình”. Nếu soi những trang viết đó bằng thước đo trách nhiệm với đất nước, sự hy sinh tận tụy, vượt qua đói, đau, bom đạn, cách xa đứa con gái mới 16 tháng tuổi, xa Hà Nội để viết một cách chân thực nhất sự khốc liệt của chiến trường và lòng dân khu 5; ta sẽ thấy vai trò và trách nhiệm của người cầm bút.

Trường hợp của bà là bài học không bao giờ cũ với những ai khoác lên mình sứ mệnh cầm bút, rằng phải ở với dân để thấy hiện thực ra sao, để thấy lòng dân có gì, cần gì. Truyện ký cuối cùng của bà là Gương mặt thách thức, viết về thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - một vùng “đất trắng” vì bom đạn dữ dằn, nơi mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là cát cháy. Cháy vì khô cằn, chang chang nắng cát. Cháy đỏ vì đạn bom, vì lòng dân trung kiên. Truyện ký viết xong cuối tháng 12/1968, bà vượt sông Ly Ly, lên Xuyên Hòa, xuống Xuyên Tân (Duy Thành), rồi vĩnh viễn nằm lại.

Chỗ mộ và bia dựng là đất vườn nhà anh Bắc. Anh nói: “Khi tìm ra hài cốt cô Quý, chú Quốc quyết định lập mộ tại đây luôn. Anh nghe mấy ông nhà văn nói với nhau, đất này nếu bán thì tiền đâu mà mua. Anh hỏi chú Quốc, chú muốn chôn ở đây hả? Ổng gật. Thì con cho đất. Mấy ông nhà văn nói thế là khỏe rồi. Lúc đó, có người xen vô, hỏi răng mi không bán, mi nghèo rách chứ giàu chi. Anh nói, nghĩ chi lạ rứa. Nếu tư nhân người ta mua để làm này nọ, thì tôi bán, chứ mộ liệt sĩ thì ai lại đi bán đất. Nghĩ mà coi, họ là phụ nữ, ở ngoài Bắc vô đây, xa con, xa mẹ cha, rồi hy sinh ở quê mình, thì mình tiếc chi mấy thước đất. Nghèo thì đã nghèo, nhưng việc đúng thì phải làm thôi. Lúc đó, mấy ổng muốn gia đình viết giấy cam kết, sợ sau này mình bán đất. Trời ơi, mình có tệ đến mức rứa mô. Thôi được, ưng thì mình viết”.

50 nam ngay mat nha van Duong Thi Xuan Quy: Cuoc doi van dep sao…

Gương mặt người nông dân đen cháy giãn nụ cười. Cả một dải dài sông Thu Bồn, từ đầu nguồn đến cuối bể, là nơi nằm lại của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ như  Nguyễn Mỹ - Cuộc chia ly màu đỏ, Chu Cẩm Phong - Nhật ký chiến tranh, rồi Trần Tiến, Trần Văn Anh, Văn Cận, Xuân Quý… Thỉnh thoảng, tôi lại gặp những đồng đội cũ của họ - những “hạt gạo trên sàn” tìm về chiến trường xưa, nơi những bạn viết “tuổi hai mươi yêu dấu” đã “ra đi không tiếc đời xanh”.

Sau nỗi nhớ là những ngậm ngùi, những điều họ đã biết, muốn nói mà không nói được, khi hiện thực hôm qua và hôm nay ngổn ngang đến không tưởng nổi. Có lẽ, chỉ có những trùng phùng với đất, với tấc dạ lòng dân như anh Bắc là yên ủi tâm hồn họ. Dân như đất, biết hết, rõ ràng, chung thủy, quyết liệt. Đã quá đủ thời gian để đánh giá nghiêm túc giá trị của văn học chiến tranh, bỏ lại sau những lên gân, nâng tầm lố bịch, lãng mạn hóa một cách vô lý thì những trang nhật ký chiến tranh sẽ là bằng chứng trung thực nhất. Ở đó có đủ hết những gì gọi là hiện thực, cả bên này lẫn bên kia, từ sếp đến lính, từ dân đến lãnh đạo. Mổ xẻ đến tận cùng mọi điều, cốt cũng là làm một điều như bao lâu nay vẫn nói, rằng chiến tranh là thế đó, là thảm họa do chính con người gây ra để thử thách và hủy diệt chính mình, mà kẻ đưa đầu đưa lưng hứng chịu nặng nhất luôn là dân.

“21 tháng Giêng năm mô tôi cũng cúng cô Quý, vì ngày 8/3/1969 là 21 tháng Giêng. Mình nghèo, có dĩa bánh, cây nhang thôi, mong cô ở trong vườn phù hộ cho mình. Mà tôi nghe mấy ông nhà văn nói cô linh thiêng lắm, ông Quốc đi đâu là thấy bóng cô đi sau lưng…”. Bài thơ viết ngày 7/3/1969 của nhà thơ Bùi Minh Quốc tặng vợ là Bài thơ về tình yêu, nhà văn Dương Thị Xuân Quý không bao giờ đọc được. Sau này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc thành bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao. Với họ, chưa bao giờ họ sống đẹp hơn thế “dù đạn bom man rợ thét gào”, bởi tình yêu, sự tận hiến mạnh hơn cái chết.

Chuyện của một thời một đời, còn đó… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI