50 lãnh đạo thế giới tụ họp ở Paris, Tổng thống Mỹ không được mời

12/12/2017 - 09:38

PNO - Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ dự đoán, quyết định rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến Washington bị cô lập về vấn đề này.

Bây giờ, tiên đoán của họ bắt đầu được chứng minh là đúng.

Chưa đầy một năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, 50 nhà lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đến Thủ tướng Anh Theresa May, sẽ tập trung về Paris trong tuần này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu – theo lời mời đích danh - do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.

Riêng Tổng thống Mỹ không được mời.

50 lanh dao the gioi tu hop o Paris, Tong thong My khong duoc moi
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ có mặt trong Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu ở Paris - Ảnh: Time

Tháng trước, Tổng thống nước chủ nhà, Emmanuel Macron, nói với tạp chí Time rằng ông Trump có thể nhận được một lời mời, nếu ông đưa ra một tuyên bố cho thấy Mỹ sẵn sàng "gia nhập câu lạc bộ" và giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính quyền của Trump đã không có động thái gì liên quan đến vấn đề này, ngoài việc chỉ trích Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP23) tháng 11/2017.

"Bạn không thể đàm phán lại với hơn 180 hoặc 190 quốc gia", Tổng thống Macron nói với Time hồi tháng 11 về việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. "Bạn không đồng ý với điều đó, nhưng kế hoạch B (dự phòng) của bạn là gì? Tôi không biết kế hoạch B của bạn”, ông Macron nói.

Hội nghị chống biến đổi khí hậu - có tên chính thức là Hội nghị thượng đỉnh Một Hành tinh (OPS) - diễn ra trong hai ngày của Tổng thống Macron sẽ tập trung vào việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi toàn cầu không dùng nhiên liệu hóa thạch, và các biện pháp cần thiết để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra do Trái đất nóng lên.

Trong khi các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới tái khẳng định cam kết của mình với Hiệp định Khí hậu Paris, kể từ khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này hồi tháng 6, việc đảm bảo tài chính đầy đủ cho các dự án liên quan đến khí hậu vẫn còn rất khó khăn.

Hiệp định Khí hậu Paris bao gồm một điều khoản kêu gọi các nước phát triển mỗi năm cung cấp 100 tỷ USD để tài trợ cho các sáng kiến ​​khí hậu bắt đầu vào năm 2020 - một con số vẫn còn xa vời, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

50 lanh dao the gioi tu hop o Paris, Tong thong My khong duoc moi
Tổng thống Trump đã rút lại cam kết 2 tỷ USD của chính phủ Mỹ dành cho Quỹ Khí hậu Xanh - Ảnh: Time

Tổng thống Trump đã rút lại cam kết 2 tỷ USD của chính phủ Mỹ dành cho Quỹ Khí hậu Xanh, một tổ chức do các nước phát triển quản lý để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Trump đã tuyên bố cam kết này gây phí tổn lớn đối với nước Mỹ.

"Theo Hiệp định Khí hậu Paris, hàng tỷ đô la đáng ra được đầu tư ngay tại Mỹ sẽ được gửi đến các nước đang ‘tước đoạt’ các nhà máy và công việc của chúng ta ở Mỹ. Vậy hãy suy nghĩ về điều này”, ông Trump nói hồi tháng 6/2017.

Tuy nhiên, các chuyên gia về chính sách khí hậu nói rằng các quốc gia tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thực sự có lợi về kinh tế: Các tấm pin mặt trời và tuabin gió được tài trợ bởi các nước phát triển sẽ được lắp đặt ở các nước đang phát triển.

Ông Macron lấy ví dụ về trường hợp Burkina Faso. Ông hy vọng các công ty của Pháp sẽ trở thành “đối tác đặc biệt của châu Phi trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu".

Trung Quốc cũng đã đầu tư để chứng tỏ nước này là một nhà lãnh đạo về biến đổi khí hậu khi xây dựng ngành năng lượng sạch.

Ngoài vấn đề  tài chính, hội nghị Paris lần này sẽ đưa ra một loạt các tuyên bố để giúp duy trì động lực tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khi hậu.

Hôm 11/12, Tổng thống Macron thông báo rằng một khoản tài trợ mang tên "Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại” được cấp cho các nhà khoa học Mỹ đến sống và nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Pháp.

Hiệp định Khí hậu Paris, đạt được vào cuối năm 2015, nhằm mục đích giữ cho nhiệt độ không tăng lên quá 2°C vào năm 2100, mức mà các nhà khoa học cho biết sẽ giúp ngăn chặn một số ảnh hưởng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Nhưng, nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chỉ ra rằng cam kết hiện nay của các nước trên thế giới sẽ chỉ giữ cho nhiệt độ không tăng quá ngưỡng 3,2°C.

Hội nghị Paris tuần này diễn ra bên ngoài quá trình đàm phán chính thức của LHQ được tổ chức hàng năm với sự tham gia của gần 200 quốc gia.

Các chuyên gia về chính sách khí hậu nói rằng, các thảo luận tại Paris sẽ giúp thúc đẩy đà phát triển của hội nghị chính của LHQ ở Ba Lan vào năm tới.

Thanh Vân (Theo Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI