5 tháng sau 'thảm họa Rạng Đông', có một cái tết đã mất

19/01/2020 - 07:00

PNO - Gần 5 tháng sau đám cháy kinh hoàng, nhịp sống của bà con quanh nhà máy Rạng Đông đã trở lại bình thường. Nhiều người bình thản nhắc lại chuyện cũ. Nhiều người khác, với họ, trận cháy hồi tháng Tám vẫn còn là nỗi ám ảnh.

“Cháy ở cuối nhà máy, chứ có cháy ở đầu này đâu”

Vỉa hè phía Tây Bắc nhấp nhô quán cóc xây lưng về phía nhà máy Rạng Đông (số 87-89 P. Hạ Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Trên tường, pano đầy màu sắc quảng cáo sản phẩm của nhà máy vừa làm không gian vui mắt hơn, vừa khiến hàng quán trên vỉa hè thêm nhiều phần… chợ cóc. Vỉa hè rộng, những hàng hoa, sạp trái cây, đồ ăn vặt như tách biệt với lòng phố nhỏ Hạ Đình. Tháng Chạp năm nay nhuộm nắng nóng của thời tiết đầu hè, chị C.H chạy đi chạy lại như con thoi phục vụ khách. Gạt mồ hôi lấm tấm trên mặt, chị vừa nói vừa thở: “Nắng nôi khó chịu thật, nhưng lại được cái đông khách hơn”.

5 tháng sau trận cháy được gọi là thảm họa trong năm, nhịp sống của người dân đã trở lại, nhưng cảm xúc thì ngổn ngang
5 tháng sau trận cháy được gọi là thảm họa trong năm, nhịp sống của người dân đã trở lại, nhưng cảm xúc thì ngổn ngang

Tôi đùa: “Vậy mới kéo lại được những ngày nghỉ bán vì cháy nhà máy chứ”. Chị H. cười xởi lởi: “Chị nghỉ có hai hôm. Cháy ở cuối nhà máy mà, chứ có cháy ở đầu này đâu. Chị ở trên này chẳng thấy ảnh hưởng gì, vẫn bán hàng như bình thường”. Tôi ướm hỏi: “Khi đó bao nhà phải đi sơ tán, chị vẫn ở lại, vẫn bán hàng, kể cũng gan”. Đang chiên bánh chuối xèo xèo, chị H. ngừng tay, vung đôi đũa lý sự: “Nếu ô nhiễm, thì ô nhiễm lâu rồi. Chị sống ở đây đã hai mươi năm, thì các thứ ô nhiễm tích trong người chẳng bằng mấy lần đám cháy ấy chứ”.

Quán cóc lô xô trên vỉa hè, phía sau là tường nhà máy.
Quán cóc lô xô trên vỉa hè, phía sau là tường nhà máy

Ông cụ 80 tuổi N.H.K ngồi sau quán nước lèo tèo. “Nhà tôi cách khu cháy chưa đến 300m. Hô hấp cũng ảnh hưởng, nhưng chỉ đưa trẻ con đi “sơ tán” được thôi, người lớn đành ở lại, vì có đi thuê nhà, rồi chuyển đồ đạc cũng phức tạp. Mà sống ở đây mấy chục năm rồi nên tôi thấy cũng bình thường. Vừa rồi thấy thông báo nhà máy dừng sản xuất. Họ báo vậy thì biết vậy, chứ mình có ở trong nhà máy đâu mà biết là dừng hay không dừng” – ông K nói, giọng tưng tửng.

Nhiều sinh hoạt thường nhật diễn ra ngay bên tường của Rạng Đông.
Nhiều sinh hoạt thường nhật diễn ra ngay bên tường của Rạng Đông

“Nói di dời bao năm, mà đã thấy gì đâu”

Con ngõ 324 Khương Đình nằm sát mấy tầng nhà kho của công ty Rạng Đông. Ngõ 324 rộng hơn phố Hạ Đình nhưng vắng hoe vắng hoắt. Chị L.M.T bảo, ngày trước trong ngõ này rất nhiều hàng quán, phía bên kia - sát tường bao của nhà máy là tấp nập chợ cóc, quán sá, các hàng ăn uống lúc nào cũng đông. Nhưng sau đám cháy, cả ngõ giờ chỉ còn một sạp thịt heo, một hàng hoa, một quán phở, một tiệm cắt tóc gội đầu và một tiệm may.

Ngõ 324 Khương Đình vắng hoe hoắt.
Ngõ 324 Khương Đình vắng hoe hoắt

Chị T. chỉ sang khu nhà kho ba tầng của công ty Rạng Đông: “Tôi làm ở phố Chùa Bộc (Q. Đống Đa), cách nhà 4km. Hồi cháy cái nhà kho kia, suốt hai tháng gia đình tôi phải đi thuê nhà, “sơ tán” dưới khu Xa La (Q. Hà Đông), cách chỗ làm hơn mười kilomet”. Bốn tháng đó, chị T. thỉnh thoảng về lại nhà, nhưng cũng không dám ở lại lâu, vì “mùi khét lẹt rất khó chịu, tường nhà thì ám khói, đen những muội than, không thể tưởng tượng nổi”.

Sạp thịt hiếm hoi ở ngõ 324 Khương Đình
Sạp thịt hiếm hoi ở ngõ 324 Khương Đình

Chị T. gãi đầu gãi tai thú thật: “Tôi đi làm từ sáng đến tối, bận bịu với công việc, nên sau khi dọn dẹp và về lại nhà là cũng quên luôn thảm hoạ”. Bất chợt chị “khoe”, giọng đầy hóm hỉnh: “Khi gia đình tôi về, thấy các nhà trong khu kể, bên nhà máy đến cho mỗi hộ một cái phích nước. Hộ nào đi “sơ tán”, không có nhà như nhà tôi thì không được”.

Nghe tôi hỏi đùa “nhà chị được mấy cái phích?”; chị Q.P dừng máy may, buông cái áo đang ráp dở thở dài: “Phích phiếc gì. Chị đang nẫu hết ruột đây. Năm nay chị chẳng làm ăn được gì. Bên kia cháy là chị phải đóng cửa hơn bốn tháng, đúng thời điểm đông khách nhất năm. Mùa đông trở lại làm thì nắng nóng. Xem như… mất tết”. Chị Q.P là thợ may khéo, nhiều người ưa. Suốt thời gian chị nghỉ, khách liên tục gọi điện, đặt hàng. Nhưng hễ bước vào tiệm may là chị không thở được, dù cửa kính đã đóng kín mít, và chị đã mang khẩu trang.

Chị Q.P phải đóng cửa hiệu may suốt bốn tháng, vì hễ bước vào cửa tiệm là không thở được
Chị Q.P phải đóng cửa tiệm may suốt bốn tháng, vì hễ bước vào cửa tiệm là không thở được

Bà T.T.N là hàng xóm sang chơi, đang cắt chỉ áo thì sa sầm nét mặt, đặt kéo xuống bàn nghe “cạch”: “Nói di dời bao năm, mà đã thấy gì đâu. Nhẽ ra cái nhà máy này phải “đi” từ lâu rồi, lệnh Chính phủ đã ban. Hồi tháng 9/2019, sau đám cháy, Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy Rạng Đông”.

Nhìn sang bên kia đường, tường bao nhà máy được xây lại, ba tầng nhà kho trắng toát; bà N. thở dài ngao ngán: “Họ sửa sang lại nhà kho như kia, thì chẳng biết bao giờ di dời. Lẽ ra sau cái đám cháy ấy, dân phải phản đối mạnh lên”… Bà N. bỏ lửng câu nói, nửa nuối tiếc, nửa như cam chịu.

Sau trận hoả hoạn, tường bao và nhà xưởng của công ty Rạng Đông đã được sửa sang.
Sau trận hoả hoạn, tường bao và nhà xưởng của công ty Rạng Đông đã được sửa sang

Chỉ thức tỉnh khi xảy ra sự cố

Tối xảy ra vụ cháy đó tôi vẫn đang tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở một địa điểm khác, cách Hạ Đình khoảng 8km. Đang tổ chức thì tôi nhận được tin nhắn: “Cháy nhà rồi. Về đi”. Tôi đang sắp xếp công việc để về thì có tin nhắn khác: “Cháy trong nhà máy thôi. Không lan sang khu nhà mình đâu, không phải về nữa”. Tôi ở lại, tổ chức nốt Trung thu cho các cháu. Khi về, tôi thấy mọi người đang ra sức dập lửa, người thì đứng quay clip; tất cả hò nhau, trong tinh thần gắn bó, kết nối, và không một lời bình luận nào liên quan đến ô nhiễm. 

đsd
Sự cố cháy xưởng sản xuất và kho chứa thành phẩm của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông được xem là thảm hoạ môi trường của năm 2019

Không ai, vào thời điểm đó nghĩ rằng chỉ sau đó khoảng 6-8 tiếng thì đời sống mình đảo lộn hoàn toàn. Bạn bè, người thân ở các vùng khác thì ra sức yêu cầu chúng tôi phải rời khỏi nơi chúng tôi đang sống. Họ cho rằng nếu không đi thì đúng là vô cảm, không hiểu biết, không quan tâm đến sức khoẻ của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Trong cơn có thể gọi là “dư chấn” đó, chúng tôi không biết điều gì xảy ra. Vì chỉ có báo chí và truyền hình lặp đi lặp lại những thông tin, chúng tôi thì không biết sự thật như thế nào. Cuối cùng cả khu, hơn 200 hộ đi hết, chỉ còn các ông bà già ở lại. Họ kiên quyết ở lại vì thấy... không làm sao cả. Giữa những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có làm sao hay không làm sao, thì các thông tin vẫn đưa ra hằng ngày: Thuỷ ngân cực kỳ độc hại, bụi sinh ra từ đám cháy thì sẽ thế nào; thế giới đã có bao nhiêu triệu người chết sau khi xảy ra những đám cháy tương tự; ở Nhật Bản, sau một vụ cháy có bao nhiêu em bé quái thai đã sinh ra… Những chuyện đó kéo dài đến tận tháng 10/2019.

vnvbnvn
Hàng ăn đã được mở lại ở bên hông Rạng Đông

Thực tế, chúng tôi đã sống cạnh nhà máy Rạng Đông từ rất lâu. Nhưng năm 2019, khi xảy ra đám cháy, chúng tôi mới biết là chúng tôi có thể nhiễm độc thuỷ ngân. Nhiều năm trước, chủ trương di dời nhà máy, công xưởng sản xuất ra khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua; và thực tế từ rất lâu rồi chúng tôi đã sống cạnh đến 5 nhà máy: cao su, thuốc lá, nhà máy xà phòng, bóng đèn phích nước, nhà máy giày. 

Nhưng đến năm 2019, sau đám cháy, chúng tôi mới nói chuyện với nhau về việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Nếu không có sự cố lớn một cách đột xuất như thế thì có lẽ chúng tôi vẫn chưa thức tỉnh, vẫn tiếp tục chấp nhận và không quá quan tâm đến điều đó.

Chị N.H.Đ (Tổ dân phố số 10, Khu dân cư số 5 phường Hạ Đình)

Uông Ngọc

 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=