5 quốc gia, vùng lãnh thổ 'đáng ngưỡng mộ nhất châu Á' về thành tích kinh tế năm 2023

10/02/2024 - 16:28

PNO - Tạp chí chuyên về kinh tế tài chính Insider Monkey vừa công bố bảng xếp hạng 15 quốc gia châu Á “đáng được ngưỡng mộ nhất”. 5 quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu bảng danh sách này là: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Cộng hòa Síp, Israel.

5 quốc gia đứng đầu trong danh sách có kết quả tăng trưởng tài chính ấn tượng và sự ổn định đối với Chỉ số phát triển con người (HDI) trong năm 2023.

1. Nhật Bản

Một góc của thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: datokyoatokyo
Một góc trung tâm của thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: datokyoatokyo

Nhật Bản đứng đầu danh sách với Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là 0,925, GDP bình quân đầu người năm 2023 là 52.120 USD cùng mức tăng trưởng GDP là 2%.

Nhật Bản được thế giới dành sự ngưỡng mộ cho năng lực đổi mới của mình với tổng tài sản tài chính trị giá 12 nghìn tỷ USD, tương đương 8,6% GDP của cả thế giới. Bên cạnh đó, xứ sở Mặt trời mọc còn gây ấn tượng với hàng loạt thành tích ấn tượng ở phạm vi toàn cầu: xếp thứ hai về sản xuất ô tô, dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế, và có 47 công ty lọt vào bảng xếp hạng Fortune Global 500.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì cán cân thặng dư thương mại hàng năm cùng thặng dư ròng cao từ đầu tư quốc tế. Với tổng tài sản lớn thứ ba trên toàn cầu, Nhật Bản chính là quốc gia được đánh giá cao nhất tại châu Á.

2. Đài Loan (Trung Quốc)

Đài Loan có nền kinh tế thị trường tự do phát triển ở mức cao - Ảnh: CNA
Đài Loan có nền kinh tế thị trường tự do phát triển ở mức cao - Ảnh: CNA

Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 2 trong danh sách khi có chỉ số chứng khoán HSI đạt 0,926. Vùng lãnh thổ này đạt GDP bình quân đầu người là 72.490 USD và mức tăng trưởng GDP là 0,8% vào năm 2023 .

Đài Loan tự hào có nền kinh tế thị trường tự do phát triển ở mức cao, đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 20 trên toàn cầu.

3. Hàn Quốc

Nền kinh tế của Hàn Quôc vẫn liên tục phát triển bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các đợt suy thoái kinh tế - Ảnh: Wang Yiliang/Xinhua
Nền kinh tế của Hàn Quôc vẫn liên tục phát triển bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các đợt suy thoái kinh tế - Ảnh: Wang Yiliang/Xinhua

Hàn Quốc đạt được chỉ số HDI là 0,925, GDP bình quân đầu người đạt 56.710 USD cùng nền kinh tế tăng trưởng 1,4% vào năm 2023.

Hàn Quốc được đánh giá cao nhờ nền kinh tế hỗn hợp tiên tiến, xếp thứ 4 ở châu Á và thứ 12 trên toàn cầu tính theo GDP danh nghĩa ở mức 1,72 nghìn tỷ USD.

Hàn Quốc đang là thành viên của các diễn đàn kinh tế uy tín như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), có sự ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

4. Cộng hòa Síp

Cộng hòa Síp có nhiều lợi thế để phát triển - Ảnh: AP
Cộng hòa Síp có nhiều lợi thế để phát triển  nhờ vị trí địa chính trị đặc biệt của mình - Ảnh: AP

Síp là một trung tâm du lịch nổi bật ở khu vực Địa Trung Hải với nền kinh tế tiên tiến, thu nhập cao và được xếp hạng cao về Chỉ số HDI.

Do Síp là thành viên của Liên minh châu Âu, vì vậy, về mặt chính trị thì đây là một quốc gia thuộc khu châu Âu. Tuy nhiên, đảo quốc này lại là một quốc gia thuộc châu Á nếu xét theo vị trí địa lý của nó.

Điều này làm cho Síp trở thành một quốc gia xuyên lục địa.

Đảo quốc này là thành viên Khối thịnh vượng chung từ năm 1961, và là một phần của Phong trào Không liên kết trước khi gia nhập Liên minh châu Âu vào tháng 5/2004.

Quyết định gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vào tháng 1/2008 giúp Cộng hòa Síp tiếp tục phát triển và trở thành một điểm đến được săn đón dành cho du khách nhờ sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa bản địa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

5. Israel

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bí quyết giúp Israel phát triển về nhiều mặt - Ảnh: iStock/Getty Images
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bí quyết giúp Israel phát triển về nhiều mặt - Ảnh: iStock/Getty Images

Với số lượng công ty khởi nghiệp (startup) lớn thứ hai trên toàn cầu và lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh - có thể sánh ngang hàng với Thung lũng Silicon của Mỹ - quốc gia Do Thái này tự hào có hơn 400 tập đoàn đa quốc gia đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Đáng chú ý, nơi đây sở hữu số lượng các công ty niêm yết trên sàn NASDAQ lớn thứ ba thế giới (trong đó có nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Intel, Microsoft và Apple) tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút một lực lượng lao động có tay nghề cao trên khắp thế giới đổ về làm việc .

Bên cạnh đó, Israel còn có khả năng phục hồi nền kinh tế của mình theo hướng bền vững nhờ sự đa dạng trong các lĩnh vực đầu tư, từ công nghệ cao và sản xuất công nghiệp đến lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất kinh doanh kim cương - vốn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.

Thành công về kinh tế đáng ngưỡng mộ này của Israel được cho là nhờ hệ thống giáo dục ổn định giúp đào tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị cho xã hội.

10 cái tên còn lại trong danh sách này bao gồm (theo thứ tự từ cao đến thấp): Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Brunei, Sri Lanka, Nepal, Kuwait, Kazakhstan, Oman, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).


Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI