Cũng như các cặp vợ chồng mới cưới, chúng tôi từng yêu nhau đắm đuối. Thế nhưng, năm ngày sau tuần trăng mật, chúng tôi đã phải đối mặt với cuộc tranh cãi đầu tiên. Kể từ đó, tôi cảm thấy như mối quan hệ của vợ chồng mình bị tuột dốc từ từ thành một thảm họa. Chín tháng sau đám cưới, cả tôi và vợ đều tin rằng chúng tôi đã lấy nhầm người, và cuộc hôn nhân này là một mối quan hệ thiếu vắng tình cảm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Một “tác dụng phụ” của cuộc hôn nhân tồi tệ này là nó phá hỏng hoàn toàn cách chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi có thể nói: “Tối nay ăn gì vậy?” nhưng cô ấy sẽ nghe ra là: “Sao chưa chuẩn bị bữa tối đi!”. Lời cô ấy hỏi: “Mấy giờ anh mới về nhà được?” thì qua tai tôi lại thành: “Cố mà về sớm, không thì đừng về nhà nữa”. Chúng tôi không thể bày tỏ điều mình muốn một cách rõ ràng và lại quay sang xúc phạm lẫn nhau bằng lời nói. Cứ thế, vợ chồng tôi từ từ phá vỡ mối quan hệ của mình. Mãi đến khi chúng tôi tìm được nơi tư vấn tốt và học được những “công cụ”, các nguyên tắc liên lạc, chúng tôi mới có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân này.
Tìm hiểu các nguyên tắc này, chắc chắn bạn cũng sẽ nghĩ như tôi: “Sao chúng đơn giản đến thế. Nếu đơn giản đến vậy thì ai cũng đã làm rồi”. Sự thật là chúng ta thường gặp khó khăn nhiều nhất trong việc liên lạc với những người thân nhất của mình, như các thành viên trong gia đình, và nhất là với người phối ngẫu. Điểm mấu chốt nhất là bạn phải thực sự chủ động bỏ công sức vào việc nói chuyện, bày tỏ cảm xúc của mình với bạn đời.
Nguyên tắc của cách trả lời
Khi một cuộc tranh luận diễn ra, bạn có thể cảm thấy mình có quyền đáp trả bằng lời lẽ nặng tính miệt thị vì “anh ấy/ cô ấy tự ý gây sự mà”. Và thế là cuộc tranh luận leo thang thành cãi vã. Dù bạn là người đúng hay sai, nhưng người trả lời luôn là người nắm quyền chủ động điều khiển cuộc nói chuyện. Một phản ứng nhẹ nhàng sẽ có thể giải tỏa xích mích, trong khi những lời nói nặng nề sẽ chỉ gây bực tức và tạo thành xung đột. Nếu người phối ngẫu đưa ra một lời nói mà bạn cho rằng sai, hay làm bạn cảm thấy bị xúc phạm, bạn vẫn không nên đáp trả lại bằng một “đòn võ mồm” tương đương.
Ngăn chặn xung đột bằng cách “đáp trả” cũng chỉ làm xung đột leo thang. Chẳng hạn, bạn lỡ lời với bạn đời của mình, làm cho họ phản ứng một cách tiêu cực, thì đến lượt mình trả lời, bạn vẫn còn có khả năng làm lắng cuộc xung đột bằng một cách trả lời bình tĩnh và chín chắn. Như có lần tôi thấy vợ chăm chút, sửa soạn cả buổi chiều từ việc lựa chọn và ủi tới ủi lui mấy cái đầm, ngâm bồn tắm rửa kỹ lưỡng, rồi trang điểm cẩn thận, nước hoa thơm phức, vẻ mặt thì háo hức thấy… phát ghét. Thế nên khi nàng chuẩn bị rời nhà, tôi mát mẻ: “Có niềm vui mới nào mà em hớn hở thế?”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nàng khựng lại mấy giây rồi đáp trả khá gay gắt: “Người ta thấy vợ trẻ đẹp, sống vui vẻ thoải mái thì vui mừng, hãnh diện, còn anh thì lấy đó làm phiền nhỉ? Chẳng lẽ em không được phép hẹn hò bè bạn?”. Nếu tôi tiếp tục phùng mang trợn mắt, ăn miếng trả miếng, chắc chắn chiến tranh sẽ leo thang theo cấp số nhân. May là tôi kịp giật mình, nhất là khi thấy đứa con gái nhỏ tỏ ra rất thích thú ngắm nhìn mẹ nó. “Là lâu rồi không thấy em đi chơi nên anh quan tâm vậy mà. Em có cần anh chở đi không? Hay anh gọi taxi cho em nhé?”.
Ơn trời, quả bóng căng phồng có tên “vợ” ấy đã nhanh chóng xẹp xuống. Nàng thủng thẳng: “Là nhỏ Miên, bạn học cũ của em vừa từ Mỹ về. Nhóm bạn hẹn gặp nhau, mừng Miên. Em cũng muốn mình tươi tắn để hãnh diện với bạn bè. Anh ở nhà với con, em đi xe máy và sẽ về sớm”. Khỏi nói cũng biết tôi vui vẻ dắt xe ra cho nàng, còn khen vớt một câu: “Vợ anh là xinh nhất hội đấy. Em đi chơi vui nhen”, rồi nhìn nàng tủm tỉm chạy xe đi.
Nhu cầu động chạm cơ thể
Khi mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, sẽ rất khó cho một cặp đôi thực hiện những cử chỉ động chạm cơ thể thường ngày. Nhưng chính yếu tố này lại có thể được ứng dụng thành một mẹo vặt bảo vệ cho mối quan hệ vợ chồng của tôi. Dù cho mối quan hệ của tôi và vợ vẫn còn các bức xúc ngấm vào bởi những cuộc cãi vã gần đây, tôi nhận ra rằng mình vẫn có thể tạo cơ hội cho những cử chỉ động chạm yêu thương. Đó là những lúc nằm bên nhau trên giường, hay lúc cùng nhau giải trí, nấu ăn. Đặc biệt, tôi thực hiện những cử chỉ âu yếm này khi có những cuộc nói chuyện nghiêm túc với vợ mình.
Có một điều thú vị là: ta không thể “gây sự” với một người mình đang âu yếm. Những cử chỉ động chạm cơ thể thân mật tạo nên sự kết nối giữa hai người và tạo dựng lòng tin. Thế nên, khi cuộc nói chuyện dẫn đến một tranh cãi nào đó, cả hai sẽ bỗng dưng ngừng ngay các cử chỉ này, tạo khoảng cách giữa hai bên và vào thế “phòng thủ”. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ biết được ta đang đến lằn ranh nguy hiểm của một cuộc tranh cãi. Theo đó, tôi đã có thể sử dụng các cử chỉ động chạm âu yếm để ngăn cản các cuộc nói chuyện đang có chiều hướng gay gắt, và đo đạc mức độ căng thẳng của chúng.
Sự cần thiết của thời điểm
Đôi khi, có những tương tác rất bình thường giữa vợ và chồng, nhưng vào thời điểm không thích hợp, lại dẫn đến xung đột. Trước kia, tôi hay đem các cuộc trò chuyện, bàn luận gia đình vào bữa ăn tối. Nhưng với lũ nhỏ ồn ào bên cạnh, bếp núc lộn xộn... thì các cuộc nói chuyện ấy trở nên quá vội vàng, thiếu đầu thiếu đuôi, ngay cả giọng điệu đôi khi cũng không hợp lý và bị ảnh hưởng bởi stress.
Vì thế, vợ chồng tôi hay biến bữa ăn thành một cuộc cãi vã. Các chuyên viên tư vấn đã khuyên chúng tôi phải chọn thời gian hợp lý cho các cuộc tranh luận nghiêm túc, đó là những lúc mà cả hai vợ chồng có thể điềm tĩnh suy nghĩ và bày tỏ tình cảm một cách rõ ràng. Hiện nay, chúng tôi dành khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày trước khi đi ngủ để bàn chuyện với nhau, với sự riêng tư và một không gian tĩnh lặng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Cảm thông để thích ứng
Cũng như trong bất kỳ mối quan hệ nào giữa người với người, sự cảm thông là một “chìa khóa” quan trọng cho thành công. Khi mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, chúng tôi thường mắc phải lỗi hiểu điều người kia muốn nói thành điều tiêu cực. Sửa lỗi này khá đơn giản, chúng tôi chỉ cần suy nghĩ kỹ càng để hiểu ý của người kia là gì. Lời khuyên chúng tôi nhận được là: hãy nghĩ xem nếu mình là người kia thì ý của câu nói đó là gì. Liệu một câu nói: “Có cơm chưa?” là có ý trách móc hay chỉ đơn giản là nhu cầu hợp lý của một ông chồng đói bụng. Hay khi vợ tôi hỏi “mấy giờ anh mới về nhà được?” phải chăng là nghi ngờ chồng hay thật sự chỉ là nỗi lo lắng thường tình của một người vợ. Là vợ chồng, việc cảm thông với nhau là lẽ thường tình, đừng để các xung đột làm mất đi điều đó.
Chung tay xây dựng
Một điều mà chúng tôi được dặn dò kỹ càng khi bước vào giai đoạn tư vấn hôn nhân là: cả hai phải cùng chung tay vào việc cải thiện mối quan hệ. Hôn nhân là một mối quan hệ song phương nên nó cần sự nỗ lực từ cả hai phía để cùng hồi phục và xây dựng. Nếu chỉ một trong hai người cố gắng tìm cách cứu vãn thì dù cho bạn có hiểu hết được các nguyên tắc trên, vẫn rất khó thành công. Cuộc hôn nhân của bạn có thể rất khác với chúng tôi, và ở một tình trạng tốt hơn hay tệ hơn, nhưng nói chuyện vẫn là công cụ quan trọng nhất để một cặp vợ chồng gầy dựng mối quan hệ. Hãy nắm vững các nguyên tắc liên lạc trên để bảo vệ mối quan hệ của bạn, như chúng tôi đã từng làm.
Thành Sơn