Từ đó đến nay, cơ quan chức năng cấp thành phố đã có nhiều văn bản liên quan đến vụ việc nhưng đến nay, cụ ông 75 tuổi này cùng hàng chục nhân khẩu thuê trọ vẫn... xài nước ké.
|
Hơn 5 năm nay,gia đình Ông Lý Ngầu bị cắt nước do bị qui kết trộm cấp nước |
Bỗng dưng bị quy “trộm cắp nước”
Một ngày cuối tháng 1/2018, vợ chồng ông Lý Ngầu (sinh năm 1942) và bà Lao Kim Chi (sinh năm 1954), ngụ tại số 385/40 đường Minh Phụng, P.10, Q.11, TP.HCM, tìm đến cầu cứu Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc bị ngưng cấp nước sinh hoạt suốt hơn 5 năm qua.
Vụ việc bắt đầu từ ngày 26/12/2012, khi nhân viên của Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân (Phuwaco) đến thay đồng hồ nước định kỳ 5 năm/lần cho gia đình ông. Khi tháo đồng hồ, nhân viên Phuwaco cho rằng, cầu chì đồng hồ nước là giả và quy kết khách hàng trộm cắp nước.
Thấy vụ việc bất minh, ông Lý Ngầu đã mời tổ trưởng dân phố và công an khu vực đến chứng kiến vụ việc. Phía Phuwaco đã cho mời nhân viên kỹ thuật đến tháo đồng hồ nước ra, rã toàn bộ đồng hồ rồi lập biên bản vụ việc. Biên bản cho rằng: “Chì niêm phong mặt đồng hồ là dây đôi xoắn, không đúng dây chì; năm sản xuất không đúng mã số chì của Phuwaco; khi tháo rời để kiểm tra hộp số và bộ phận nhông quay cánh quạt, xác định chong chóng cánh quạt có dấu mài mòn ít, cạnh hộp phun bị bể 40%, có sự tác động đến đồng hồ nước để gian lận”.
Biên bản được lập có sự chứng kiến của đại diện khu phố và Công an P.10. Cho là khách hàng trộm cắp nước, Phuwaco đã cắt nước và thu hồi đồng hồ nước đã niêm phong.
Bà Lao Kim Chi cho rằng, lúc nhân viên Phuwaco tháo đồng hồ nước, chỉ có bà chứng kiến. Nhân viên tháo đồng hồ nước đi ra trước cửa rồi có người lên tiếng bảo chì giả nên xảy ra tranh cãi. Lúc này, ông Lý Ngầu mời công an địa phương và tổ trưởng dân phố đến. Sau đó, đồng hồ được gắn lại vị trí cũ, nhân viên kỹ thuật xuống tháo đồng hồ ngay tại hiện trường theo cách thô sơ và lập biên bản.
Đáng nói, Phuwaco lập biên bản “có sự chứng kiến của chính quyền địa phương” là tổ dân phố và công an phường, nhưng tại một biên bản được lập tại UBND P.10, Q.11, hai người “đại diện chính quyền địa phương” ký tên trong biên bản là ông Bùi Văn Hai - Tổ trưởng Tổ dân phố 39, P.10 và Đinh Công Bình - cảnh sát khu vực Công an P.10 - đều cho rằng, việc tháo gỡ đồng hồ, xác định tác động là nghiệp vụ của Phuwaco nên không có ý kiến. Vậy, trong biên bản nói trên, ngoài nhân viên của Phuwaco, ai là người khách quan thẩm định đồng hồ nước bị tác động để gian lận?
Ai thiệt hại mà truy thu, bồi thường?
Ngay sau khi bị ngưng cấp nước, ông Lý Ngầu và hàng chục hộ dân thuê trọ tại số nhà 385/40 Minh Phụng cho rằng, việc quy kết “trộm cắp nước” với ông Lý Ngầu là không có cơ sở nên đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Ngày 4/1/2013, Phuwaco gửi thông báo yêu cầu ông Lý Ngầu bồi thường thiệt hại do hành vi “trộm cắp nước” gây ra. Cách tính bồi thường được áp dụng theo đầu người là 50 người tiêu thụ, theo mức 83m3/người/tháng, nhân với 49 tháng, mức giá là 17.480 đồng/khối. Tổng cộng, số tiền ông Lý Ngầu phải bồi thường là 342 triệu đồng. Vài tháng sau, Phuwaco giảm mức truy thu bồi thường xuống còn 274 triệu đồng.
Làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lý Ngầu cung cấp một số hóa đơn thanh toán tiền nước, từ trước khi thay chiếc đồng hồ nước bị quy kết là “tác động để gian lận”, đến sau khi thay đồng hồ và đến thời điểm bị quy kết là “trộm cắp nước”. Các hóa đơn này đều thể hiện lượng nước tiêu thụ tại căn nhà số 385/40 đường Minh Phụng từ 150-190m3/tháng.
“Lượng nước ổn định, không thiệt hại. Vậy, cơ sở nào để Phuwaco bắt tôi bồi thường?” - ông Lý Ngầu đặt vấn đề. Ông Lý Ngầu cũng cho rằng, trước đây, cơ quan công an đã từng mời ông và một số người lên làm việc về lời quy kết “trộm cắp nước”, nhưng đến nay, vẫn chưa có một kết luận nào của cơ quan công an chứng minh hành vi trên.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Hóa đơn là bằng chứng cụ thể chứng minh ông Lý Ngầu khó gian lận nước vì các hóa đơn thể hiện hợp lý và phù hợp thực tế. Cách tính nước áp dụng hóa đơn trung bình cũng là căn cứ tính bình quân khi đồng hồ gặp sự cố... nên việc truy thu bồi thường là không có căn cứ”.
Cũng theo luật sư Hùng, chỉ cơ quan điều tra mới đủ thẩm quyền kết luận có trộm cắp nước hay không. Việc chứng minh thiệt hại phải thực tế, cụ thể chứ không thể tính suông. Trong trường hợp này, ai thiệt hại mà truy thu, bồi thường? Việc ngưng cấp nước như vậy là xem thường quyền lợi khách hàng.
Không thỏa thuận do bị quy kết vô lối
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Thương vụ Phuwaco, lý do ông Lý Ngầu bị ngưng cấp nước thể hiện trong biên bản Phuwaco lập vào ngày 26/12/2012 như đã nêu ở trên. Khi phóng viên đặt câu hỏi, vào thời điểm đó, khi kiểm tra đồng hồ, phía công ty có kiểm định theo quy trình hay chỉ quan sát bằng mắt thường, bà Nhung cho biết: “Tại vì, ở đồng hồ nước có chì niêm phong và dây chì niêm phong đó không còn đúng là mã của công ty nữa”.
Vì sao để vụ việc kéo dài nhiều năm? Bà Nhung cho biết, trường hợp của ông Lý Ngầu không phải là cá biệt trong hệ thống quản lý nước của Phuwaco. Công ty đã có hướng giải quyết cho trường hợp này. Tuy nhiên, phía công ty liên tục mời ông Lý Ngầu lên nhưng ông này không hợp tác; thậm chí, ông Lý Ngầu ủy quyền cho người khác lên giải quyết nhưng chỉ nói không đồng ý rồi về.
“Phải thỏa thuận được với nhau, anh đồng ý gian lận ở chỗ này và thanh toán số tiền bồi thường thiệt hại như thế nào cho thỏa đáng giữa hai bên. Chúng tôi sẽ cung cấp nước lại” - bà Nhung nói.
Về việc ông Lý Ngầu cho rằng, mức xử phạt Phuwaco đưa ra quá cao, trong khi các hóa đơn tham chiếu thể hiện lượng nước tiêu thụ ổn định, không gian lận, bà Nhung giải thích: việc tính toán lượng nước truy thu là theo khung.
“Nhưng như tôi đã trao đổi, ông Lý Ngầu không lên mà một đại diện ủy quyền lên rồi không đồng ý hợp tác gì hết. Cứ như vậy, không ngồi với nhau để thỏa thuận được. Thực ra, chúng tôi rất muốn cấp nước cho ông Lý Ngầu. Khi mất khách hàng thì sản lượng, doanh thu của công ty cũng giảm. Với người dân, dùng nước là một nhu cầu thiết yếu. Không ai muốn sự vụ kéo dài. Chỉ cần ông Lý Ngầu có thiện chí hợp tác lên đây làm việc, giải quyết thỏa thuận giữa các bên thì mình sẽ giải quyết hồ sơ” - bà Nhung nói.
Bà Nhung thông tin thêm, phía Phuwaco đã đưa ra các thông báo và mức bồi thường thiệt hại cho ông Lý Ngầu. Nếu khách hàng cung cấp số liệu để so sánh, công ty sẽ ngồi lại tính toán hợp lý.
Bà Nhung đặt vấn đề: “Nếu khách hàng thiện chí, nói lý, nói lẽ, mức bồi thường vậy là quá cao, tôi không có khả năng chi trả, đề nghị xét giảm thì nó khác. Đằng này ông Lý Ngầu cứ nói “tôi không gian lận, tôi không đồng ý hành vi gian lận”, nhưng các bằng chứng ở đây rõ ràng, các cấp chính quyền địa phương họ chứng kiến hết, mà không đồng ý thì làm sao giải quyết với nhau?”.
Ông Lý Ngầu cho biết, hơn 5 năm qua, gia đình ông và hàng chục nhân khẩu khác phải xài nước ké, cuộc sống đảo lộn. Hơn ai hết, ông là người muốn được Phuwaco cấp nước chứ không phải không có thiện chí. Trong thời điểm giải quyết vụ việc, ông đã ngoài 70 tuổi nên việc ủy quyền cho người khác đi là bình thường.
“Chú thử nghĩ tôi còn sống bao nhiêu năm nữa? Tôi không trộm cắp nước mà cứ bắt tôi nhận thì tiếng xấu một ông già đi ăn cắp nước sẽ theo tôi xuống mồ. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc “minh oan” cho tôi trước ngày tôi nhắm mắt xuôi tay” - ông Lý Ngầu bày tỏ.
Ngày 23/12/2017, Văn phòng UBND TP.HCM đã có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, trong đó yêu cầu Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn kiểm tra, báo cáo về đơn tố cáo của ông Lý Ngầu liên quan đến việc “5 năm trời bị cắt nước, do sự độc quyền của Phuwaco” sau 5 ngày làm việc.
Trước đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM, Văn phòng tiếp công dân UBND TP.HCM, UBND Q.11 cũng từng có văn bản liên quan đến vụ việc của ông Lý Ngầu. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
|
Sơn Vinh