'5 không, 3 sạch' góp phần xây dựng nông thôn mới

13/05/2018 - 06:00

PNO - Các vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình và nhà trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Ngày 9/5, tại TP.Cần Thơ, 120 đại biểu đại diện hội LHPN các tỉnh thành phía Nam đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm gắn việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. 

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình tập huấn triển khai thực hiện đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, cuộc vận động “Xây dựng giai đình 5 không 3 sạch”, “Xây dựng nông thôn mới” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Các vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình và nhà trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm. 

'5 khong, 3 sach' gop phan xay dung nong thon moi
Mô hình “Vườn an sinh” tại xã An Thạch, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên

Bảo vệ môi trường, chăm lo bữa ăn sạch 

Lâu nay, người dân xã Thạnh Đông B, H.Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang dùng nước từ các dòng sông theo các tuyến kênh, không có nước sạch sinh hoạt, chỉ một số ít hộ xây được bể chứa nước mưa. Trong khi đó, rác thải lại đổ hết xuống sông. Từ năm 2013, Hội LHPN xã Thạnh Đông B đã khảo sát điểm, vận động gia đình hội viên ấp Kinh 10A tận dụng những phần đất trống sau nhà để đào hố đổ rác.

Đến nay, toàn xã đã có 450/517 hộ tham gia mô hình này. Hội LHPN xã cũng thành lập hai câu lạc bộ “Bảo vệ môi trường” với 45 thành viên, vừa cùng nhau dọn dẹp rác ven sông, kênh, vừa tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. 

Tại TP.Cần Thơ, mô hình “Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với sức khỏe gia đình và cộng đồng” của P.Tân An, Q.Ninh Kiều được chị em hội viên, tiểu thương hưởng ứng nhiệt tình. Hiện, mô hình có 30 thành viên, các chị thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm chọn thực phẩm sạch, nấu nướng hợp vệ sinh, đảm bảo quán ăn của mình sạch - đẹp - an toàn.

Bà Trần Thị Tuyết Mai - ngụ tại khu vực 1, P.Tân An, bán quán cơm hơn 10 năm nay - bộc bạch: “Từ khi tham gia mô hình, được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm chút không gian quán ăn, mua thực phẩm an toàn tại các cơ sở uy tín, khách đến đông hơn, bản thân tôi cũng thấy vui”.  

Từ tháng 1/2017 đến nay, cán bộ Hội LHPN xã An Thạch, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên đã chia nhau chăm sóc những luống hoa cúc, vạn thọ, cây ớt, cây cà trong khu “Vườn an sinh” trên phần đất 600m2 tại khuôn viên UBND xã. Chị Lê Thị Ái Nhị - Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạch - kể, lúc trước, khu này là mảnh đất hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Hội mạnh dạn đề xuất và được lãnh đạo địa phương đồng ý giao cải tạo thành “Vườn an sinh” trồng hoa, rau, quả sạch để bán, gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo, đồng thời vừa dọn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tạo cảnh quan đẹp nơi công sở. Cán bộ, hội viên phụ nữ cùng nhau nhổ cỏ, bón phân xanh, dùng củ tỏi, gừng, ớt đem xay nhuyễn rồi ngâm với rượu làm thuốc trừ sâu. 

“Ngoài các loại hoa, chúng tôi áp dụng phương châm mùa nào trồng rau đó, bán cho các quán ăn, tiểu thương, người dân trong xã. Từ nguồn quỹ này, Hội LHPN xã đã trao học bổng cho trẻ ở trường mầm non và Trường tiểu học An Thạch, hỗ trợ hai chị thuộc diện hộ nghèo của thôn Phú Thịnh vay vốn không lãi để bán nước mía” - chị Nhị phấn khởi. 

Đoàn thể là “chủ lực” cảm hóa thanh thiếu niên

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - chia sẻ, trước thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tại TP.HCM đã phối hợp cùng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM mở những phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực học đường, ma túy ngay tại trường học và các khu dân cư.

Trong tháng Tư vừa qua, Hội LHPN TP.HCM tổ chức 12 buổi truyền thông về những thủ đoạn phạm tội mới, cách nhận biết và phòng ngừa; nói không với ma túy và tệ nạn xã hội trong đối tượng học sinh; bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; các kỹ năng phòng, chống trộm, cướp... với hơn 10.000 học sinh, phụ huynh tham dự. 

Có mặt trong buổi trao đổi kinh nghiệm, thượng tá Huỳnh Quốc Khởi - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Cần Thơ - cho biết, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia được xác định là điểm nóng về tội phạm, các đối tượng móc nối thiết lập nhiều đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy.

Theo ông, vai trò của các đoàn thể là đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, cảm hóa thanh thiếu niên. Ông đề nghị nhân rộng các mô hình như Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân đi cai nghiện và không tái nghiện; câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội; Tổ phụ nữ phòng, chống ma túy từ gia đình... 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI