edf40wrjww2tblPage:Content
Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh được coi là sinh non khi ra đời dưới 37 tuần tuổi. Do chưa kịp phát triển đầy đủ trong bụng mẹ nên trẻ sinh non thường gặp vấn đề về thể chất (như xuất huyết não, hở van tim,…), và thường có quá trình phát triển không bình thường, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ sinh đủ tháng.
Đối với trẻ sinh non trước 25 tuần tuổi, tùy theo trọng lượng của bé mà các bác sĩ ước lượng khả năng sống sót. Trẻ sinh non có trọng lượng 800gr đạt tỉ lệ sống sót đến 90%, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 50% đối với trẻ chỉ nặng khoảng 500gr, chưa kể đa phần là tử vong ngay sau khi sinh.
Dù biết khả năng sống sót của trẻ sinh non là rất mong manh, những bậc cha mẹ vẫn không tử bỏ niềm hy vọng.
Trường hợp đầu tiên là cậu bé Jett Morris. Sinh ra ở tuần thứ 25 với trọng lượng chỉ 630gr, Jett nằm gọn trong lòng bàn tay của bố Paul.
Jett Morris chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay của bố.
Trước đó, mẹ cậu, cô Mhairi đã bị vỡ ối khi ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Các bác sĩ bệnh viện Đông Surrey khuyên họ bỏ thai vì thông thường thai phụ sẽ sanh trong khoảng 24 giờ sau khi vỡ ối. Ở 20 tuần tuổi, thai nhi vẫn chưa phát triển được các giác quan, bộ xương vẫn chưa hoàn thiện.
Sau năm phút cân nhắc, hai vợ chồng quyết định giữ lại thai nhi. Nguy hiểm hơn, sau đó Mhairi còn gặp tình trạng nhau tiền đạo khiến cô có thể bị chảy máu và nhiễm trùng.
Dù vậy, nhiều ngày sau Mhairi vẫn chưa sinh. Tận 5 tuần sau đó, Jett mới ra đời tại một bệnh viện ở Portsmouth vào đầu tháng 12/2013. Đến tháng 3/2014, Jett được về với gia đình, sớm hơn dự kiến 3 tuần. Tuy gặp khuyết tật ở tim nhưng cậu bé vẫn khoẻ mạnh.
Jett khi còn ở bệnh viện
Cô Mahairi và bé Jett
Cô Mhairi điều hành một cửa hàng thời trang trẻ em cùng chồng. Sau sự việc, cô nói: “Chúng tôi có một kết thúc hạnh phúc nhưng tôi e ngại nhiều bà mẹ khác có thể đã phá thai khi em bé của họ còn khả năng sống sót. Tôi được cảnh báo một viễn cảnh ảm đạm và tôi cứ lo lắng chờ đợi điều xấu xảy ra, nhưng nó đã không bao giờ đến”.
Nụ cười của Jett khi được một tuổi
Một trường hợp khác là bé Lucas Moore, sinh non ở tuần thứ 23 với cân nặng 520gr, chỉ hơn 20gr so với mức từ bỏ can thiệp của bệnh viện. Trước đó, cô Sylvia Moore, mẹ của Lucas, bị vỡ ối ở tuần 22; lúc đấy cân nặng của cậu bé chỉ dưới 500gr và cô rất lo sợ phải bỏ đi đứa con của mình.
Nhưng cô đã may mắn giữ được thai thêm 9 ngày trước khi sanh để bé đạt cân nặng yêu cầu. Ngày 28/8/2013, Lucas ra đời, gần như không thể thở được trong sáu phút đầu tiên nhưng các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để lá phổi chưa trưởng thành của cậu bé hoạt động.
: Bé Lucas ở lồng săn sóc đặc biệt.
Sau đó Lucas được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt ngay lập tức và phải trải qua 109 ngày trong bệnh viện trước khi về nhà tại hạt Warwickshire, Anh.
Gặp phải nhiều vấn đề sức khoẻ như xuất huyết não và hở van tim, cơ hội sống của Lucas là rất thấp và các bác sĩ cảnh báo, cậu bé có nguy cơ bị dị tật suốt đời. Cha của cậu bé, Tom Moore, 33 tuổi, một nhà thiết kế xe đến từ Brazil kể: “Họ nói có 99% khả năng Lucas mắc bệnh bại não. Cậu sẽ là người điếc và có thể bị mù”. Thế nhưng cậu bé đã mừng sinh nhật một tuổi vào tháng 10 vừa qua, hoàn toàn khoẻ khoẻ mạnh.
Hạnh phúc tràn đầy trong gia đình của bé Lucas
Cô Sylvia bày tỏ sự lo lắng trước quy định cho phép bỏ thai đến 24 tuần tuổi, và rằng liệu một mạng sống của đứa trẻ 495gr có khác gì với một đứa trẻ 500gr. Chỉ 5gr nhưng là ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Cũng trong trường hợp tương tự là cậu bé Connor ra đời ngày 8/10/2013. Trước đó cha mẹ cậu đã được các bác sĩ cảnh báo hai lần rằng họ không thể can thiệp và thai nhi sẽ chết.
Mẹ cậu bé, cô Rachel Crockett, 25 tuổi, đã vỡ ối khi đang ở trong nhà hàng cùng cha cậu bé, anh Craig Walkow. Các nhân viên cứu thương nói rằng cô bị sẩy thai ở tuần thứ 22.
Lúc ấy, cả hai người hoàn toàn chết lặng, Rachel kể: “ Họ bảo chúng tôi hãy chào tạm biệt Connor. Tôi có cảm giác như thế giới sụp đổ. Chúng tôi đều căng thẳng và sợ hãi”.
Nhưng sau khi biết rằng tim thai vẫn còn đập, cô tin rằng con vẫn còn cơ hội sống. Dù vậy bệnh viện nơi hai người đang ở không có đủ trang thiết bị để hỗ trợ ca sinh non này, và các bác sĩ sẽ không để cho cô chuyển viện nếu cô còn tiếp tục chảy máu. Vì vậy cô đã phải nói dối rằng mình đã ngừng xuất huyết.
Sau đó cô được chuyển đến bệnh viện John Radcliffe tại Oxford, cách nơi ban đầu gần 60km.
Vài ngày sau, Connor ra đời, đạt 23 tuần tuổi và 2 ngày, nặng 510gr, cũng vừa đủ vượt qua ranh giới giữa sống và chết.
Các bác sĩ đã cho Connor vào một chiếc túi nhỏ để giữ nhiệt và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở do phổi của cậu vẫn chưa hoàn thiện.
Connor đón Giáng Sinh đầu tiên cùng cha mẹ.
Trong suốt bảy tháng ở bệnh viện, cậu bé bị xuất huyết não, viêm màng não do nấm, phải phẫu thuật ba lần để hoàn chỉnh hệ tiêu hoá, kèm theo đó là điều trị bằng laser do những biến chứng ở mắt sau khi các bác sĩ dùng khí oxy để thông phổi cho cậu.
Tháng 10.2013, cậu bé đón sinh nhật đầu tiên của mình, dù vẫn còn cần đến hỗ trợ về y tế nhưng đã bò và chơi đùa cùng cha mẹ.
Connor đón sinh nhật đầu tiên
Cô Rachel chia sẻ: “Nói sự thật về tình trạng của bệnh nhân là điều đúng đắn, nhưng các bác sĩ cũng cần cho họ hy vọng và cho những đứa trẻ cơ hội để cố gắng và sống sót”. Cô còn nói thêm: “Tôi mong muốn giới hạn can thiệp được giảm còn 20 tuần tuổi, lúc ấy thai nhi đã xác định được giới tính, nó đã là một con người”.
Những câu chuyện trên đã cho thấy, đôi khi dù hy vọng rất mong manh nhưng chính tình yêu thương sẽ đem lại điều kỳ diệu. Mỗi sự sống đều quý giá, kể cả khi đó chỉ là một đứa trẻ chưa ra đời.
BẢO TÙNG
(Theo Daily Mail)