5 dòng kẻ: Âm nhạc là chất keo gắn kết chúng tôi

25/10/2013 - 04:09

PNO - PNCN - Được đánh giá là nhóm nhạc nữ có đẳng cấp về chuyên môn nhất, thâm niên nhất và đặc biệt là sự gắn bó lâu bền giữa các thành viên nên Năm dòng kẻ luôn là cái tên đáng tin cậy cho các chương trình ca nhạc đỉnh cao.

Từ năm thành viên những ngày đầu, đến tháng 5/2005 Giáng Sơn rời khỏi nhóm rồi tháng 5/2013, Hồng Ngọc lại rút lui để dành thời gian lo cho gia đình, nhóm chỉ còn lại ba người - Lan Hương, Thùy Linh, Bảo Lan. Tuy nhiên, khó khăn dường như vẫn không làm cho lửa nghề của các thành viên còn lại nguội tắt, hiện Năm dòng kẻ đang tất bật chuẩn bị ra mắt album vol.4 với tên gọi gói gọn trong một chữ Yêu. Hẹn nhau tại một quán cà phê nhỏ nằm “bí ẩn” trên tầng hai của một chung cư trên đường Thái Văn Lung (Q.1) vào một buổi chiều muộn, những thành viên còn lại của Năm dòng kẻ khi đề cập đến chuyện nghề, chuyện tương lai, không khí bàn luận giữa họ vẫn rất rôm rả và đầy khí thế.

5 dong ke: Am nhac la chat keo gan ket chung toi

* Được biết, khi làm album vol.4 các bạn đã rất vất vả mới hoàn thành được, có lẽ nó mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Năm dòng kẻ? Vì sao đến bây giờ, sau hơn 10 năm ca hát, tuổi tác lại đang vào thời kỳ “chững”, các bạn mới nói đến chuyện “Yêu”?

Lan Hương: Đúng là sau những CD với những ca khúc mang đề tài xã hội, lần đầu tiên nhóm dành trọn cả album để nói về tình yêu (10 track nhạc gồm bảy ca khúc). Album như một câu chuyện kể, với những phân khúc tình cảm trong quá trình yêu đương có buồn, vui, khóc, cười được kết nối với nhau. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ đến lúc này, khi đã kinh qua ít nhiều sự trải nghiệm, Năm dòng kẻ mới có đủ tự tin để nói về những cung bậc của tình yêu. Để làm album này, nhóm đã có sự chuẩn bị khá lâu, khi Hồng Ngọc vì lo cho con, bất đắc dĩ phải nghỉ ngang, kế hoạch bỗng chốc thay đổi nên chúng tôi khá vất vả. Vừa qua, dư luận cũng gửi đến chúng tôi câu hỏi liệu còn ba người, Năm dòng kẻ sẽ như thế nào. Thì đây, câu trả lời là sự xuất hiện của album này.

Thùy Linh: Vol.1 Em (năm 2003) mang nhiều dấu ấn của Giáng Son, toàn bộ sáng tác là của bạn ấy. Vol.2 Tự tình ca (2005), Bảo Lan tham gia phần hòa âm. Vol.3 Cánh mặt trời (2007) 80% sáng tác là của Bảo Lan, từ ca khúc đến hòa âm… Đến vol.4 này, dấu ấn của Bảo Lan là 100%, đóng vai trò 3 trong 1, từ sáng tác đến hòa âm, thu thanh… theo dòng nhạc New Age và Word Music. Ngoài việc đảm nhận chơi tất cả các nhạc cụ trong album, Bảo Lan còn giữ bè trầm để tôi đi bè cao và Lan Hương hát bè chính trong dàn tam ca. Tuy thiếu mất hai “dòng”, nhưng khi làm CD, chúng tôi bù đắp bằng việc thu chồng, mỗi người có thể hát thêm nhiều bè nên người nghe sẽ cảm thấy vẫn đủ “Năm dòng kẻ”.

* Nhưng khi biểu diễn “live” trên sân khấu, ba tất nhiên sẽ không “xôm” bằng bốn, vì sao các bạn kiên quyết không “bổ sung” nhân sự, dù không thiếu người ngỏ ý muốn gia nhập?

Bảo Lan: Làm âm nhạc, hơn thua nhau chủ yếu là ở sự đam mê, nếu không đam mê đủ, không cùng quan điểm, sở thích, thì đông người cũng sẽ không làm được gì. Tìm được một thành viên mới hiểu nghề, hiểu tính nết của từng người thật không dễ. Vả lại, chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng hát với nhau nhiều năm, có thêm ai mới cũng thấy sao sao ấy. Bây giờ, ba người còn lại chúng tôi như luôn sống trong hoài niệm.

5 dong ke: Am nhac la chat keo gan ket chung toi

Những thành viên còn lại của Năm dòng kẻ: Bảo Lan - Lan Hương - Thùy Linh

* Gần 12 năm xa quê lập nghiệp, có khi nào Năm dòng kẻ đứng trước nguy cơ rã đám thật sự?

Lan Hương: Thú thật, nhóm bị khủng hoảng nhất là lúc Giáng Son ra đi. Chúng tôi gần như mất niềm tin, cứ nghĩ, nếu ai cũng chăm chăm lo cho tương lai riêng của mình thì sẽ rã đám mất. Bởi ý tưởng đưa nhóm “vào Sài Gòn để phát triển” đầu tiên là từ Giáng Son. Lúc ấy, từng người trong chúng tôi, ai cũng đang có công việc ổn định ở Hà Nội, quyết định ra đi khiến mọi thứ đều bỏ lại dở dang, bây giờ mà quay về thì tất cả thành bọt biển hết. Rất may là trước khó khăn đó, chúng tôi nhận được rất nhiều lời khuyên, động viên, đặc biệt là của “bố” Nguyễn Ánh 9. Bố nói, nhóm có nghề vậy mà rã ra thì rất uổng. Thật ra, Giáng Son lúc ấy cũng rơi vào thế chẳng đặng đừng. Bố mẹ chỉ muốn bạn ấy ở lại Hà Nội nối nghiệp dạy học nên để diễn với nhóm, Son cứ phải bay ra bay vào thường xuyên. Thường đến kỳ học sinh nghỉ, cô giáo Giáng Son mới tranh thủ đi hát, có khi bí quá phải trốn trường. Có lần, “chẳng may” chương trình trực tiếp truyền hình, bạn ấy về trường bị khiển trách, cuối cùng đành phải chọn cách chia tay.

* Được biết Bảo Lan (tốt nghiệp Đại học đàn bầu Khoa Âm nhạc cổ truyền Học viện Âm nhạc VN) là một nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu nổi tiếng, là người duy nhất được nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiên Đạo chọn để trình tấu những sáng tác của ông hơn 10 năm trước, vì sao Bảo Lan không phát triển sự nghiệp solo đầy hứa hẹn, lại “ẩn mình” vào nhóm Năm dòng kẻ?

Bảo Lan: Sau khi tốt nghiệp, tôi có dịp được đi biểu diễn đàn bầu ở nước ngoài nhiều lần. Có lẽ nhờ vậy mà khi về VN viết giao hưởng cho đàn bầu, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đã chọn tôi là người trình tấu. Sau đó, ông sáng tác thêm một concerto cho đàn bầu và cello (chương trình Sóng nhất nguyên) và một concerto cho đàn bầu solo (Sóng Trương Chi) đều giao tôi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát TP.HCM. Tôi rất yêu đàn bầu, và công việc biểu diễn đàn bầu của tôi trong suốt nhiều năm cũng có nhiều thuận lợi. Thế nhưng bên cạnh đó, từ nhỏ, trong tôi đã hình thành một tình yêu khác là thích được sáng tác. Tình yêu ấy càng lớn mạnh hơn khi tôi được một giải thưởng về sáng tác năm 12 tuổi. Thầy giáo của tôi dạo ấy cứ bảo: “Con bé này, sáng tác đi”, nhưng vì vẫn yêu đàn bầu nên tôi học hết đại học. Biết tôi thi tốt nghiệp bằng chính bài nhạc tự viết, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh (bạn đồng khoa) ngày trước có lần nói với tôi rằng, sáng tác khí nhạc được sao không viết ca khúc. Thật ra, lúc mới viết nhạc, tôi cũng có chút mặc cảm vì không được học về sáng tác, nhưng sau khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo nhận xét tôi có năng khiếu ở lĩnh vực này, tôi thấy tự tin hẳn lên. Cũng vì nhận ra nhóm Năm dòng kẻ có cái hay riêng là tự sáng tác nên tôi mới gia nhập nhóm, với hy vọng sẽ có cơ hội thể hiện được khả năng của mình.

Những cột mốc đáng nhớ của Năm dòng kẻ

Cuối năm 1998 đến đầu năm 1999: Giáng Son và Lan Hương, hai thành viên của nhóm Exotica manh nha lập nhóm mới. 2001: Nhóm ổn định với năm thành viên, được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đặt tên là Năm dòng kẻ. Tháng 4/2003: Vào TP.HCM. Tháng 9/2003: Ra album vol.1 Em. Tháng 9/2005: Giáng Son rời nhóm. 2005: Album vol.2 Tự tình ca. 2007: Album vol.3 Cánh mặt trời. 2010: Ra CD Một thập kỷ ca hát (chọn lọc những bài nổi tiếng trong đĩa cũ). 2013: Album vol.4 Yêu.

* Bảo Lan đã từng có những ca khúc được người nghe yêu thích như Cánh hồng, Độc huyền cầm… Bạn viết theo cảm hứng hay có chủ đích hướng Năm dòng kẻ đi theo một lộ trình riêng?

Bảo Lan: Tôi không thích tính số lượng cho bằng luôn băn khoăn xem những bài nào của mình đến được với công chúng. Và tình cảm của khán giả trong và ngoài nước dành cho Cánh hồng, Độc huyền cầm là một sự khích lệ, động viên rất lớn, là một thứ “vitamin” giúp tôi vượt qua những thời khắc nặng nề của áp lực công việc. Tôi tuy học nhạc cổ truyền nhưng lại có “máu” tân nhạc nên trong sáng tác, luôn kết hợp giữa hai dòng nhạc này. Viết cho Năm dòng kẻ, tôi luôn tự hỏi, sáng tác cái gì cho phù hợp. Rồi nhìn chung quanh xem trào lưu âm nhạc biến đổi như thế nào để mình bắt kịp hơi thở của thời đại và cái mới phải khác với cái cũ. Trước đây, tôi sáng tác mang màu của nhạc Pop nhiều, nhưng nay, càng ngày càng lộ cá tính riêng của nhóm, nhạc dân tộc hòa quyện với New Age, Word Music. Mục tiêu của nhóm là hướng đến khán giả.

* Cho đến nay, có thể nói, Năm dòng kẻ là nhóm hát có tuổi thọ dài nhất. Ngạc nhiên hơn nữa, con gái ở chung, ăn chung, làm việc chung trên dưới cả chục năm trời mà không mất “đoàn kết”, điều gì đã khiến Năm dòng kẻ đạt được “kỳ tích” này?

Thùy Linh: Chất keo gắn kết chúng tôi chính là âm nhạc. Người ta thường chọn sự nghiệp hát đơn sau khi đã được định danh từ nhóm, chúng tôi ngược lại, đã đi hát đơn trước khi vào nhóm bởi từ sự trải nghiệm của bản thân, tất cả đều yêu vẻ đẹp của nhóm. Đó là lý do mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề. Chị em trong gia đình ở chung với nhau còn sinh sự huống chi chúng tôi không thân thuộc họ hàng gì, song nhờ sự trải nghiệm cả trong nghề lẫn cuộc sống, gặp mâu thuẫn hay sự cố gì cũng bình tĩnh ngồi lại với nhau. Chúng tôi cùng đồng lòng, khán giả còn chấp nhận, chúng tôi còn hát.

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI