edf40wrjww2tblPage:Content
Từ phải sang: hai đại diện bị đơn dân sự, gia đình bị hại và các bị cáo
Sau đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành khiến những người dự tòa “choáng” với luận cứ bào chữa dài gần 30 trang đánh máy, trình bày trong hơn một giờ đồng hồ.
5 cựu sĩ quan công an trước vành móng ngựa sáng 8/7/2014
“Tâm trí bấn loạn, lời khai ban đầu không chính xác”
Đó là lời giải thích của nhân chứng Hà Văn Đại khi luật sư Nguyễn Văn Thắng - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành - chất vấn về nhiều điều mâu thuẫn trong lời khai của Đại trong hồ sơ vụ án và tại các phiên tòa.
Chiều 8/7, Hà Văn Đại khai: Trong ngày 13/5/2012, Đại vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp hai lần, lần đầu vào lúc hơn 11g00, lần thứ hai khoảng 13g00. Đại thấy Nguyễn Thân Thảo Thành ngồi trên bàn, chân gác lên ghế mà Ngô Thanh Kiều ngồi, cầm dùi cui giơ lên bằng tay trái, đánh từ 2-3 cái vào người Kiều.
Khi Thành cầm dùi cui đánh, Kiều kêu la. Đại vừa đi vừa nhìn thấy. Lúc ăn cơm, Đại có nghe tiếng la từ phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng chất vấn: “Vì sao lúc thì khai thấy Thảo Thành cầm dùi cui bằng tay phải, có lúc lại khai thấy Thảo Thành cầm dùi cui bằng tay trái, vậy lời khai nào đúng?”. Hà Văn Đại nói: “Lời khai Thành cầm dùi cui bằng tay trái là đúng”.
Về việc Hà Văn Đại thay đổi mốc thời gian vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp (từ 12g00 chuyển sang 13g00), Đại nói, mốc thời gian 13g00 là chính xác.
Hà Văn Đại giải thích: “Lúc mới xảy ra vụ án, tâm trí còn bấn loạn nên lời khai ban đầu với cơ quan chức năng không chính xác. Lời khai tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm là chính xác”.
5 bị cáo trong phiên tòa sơm thẩm trước đây
Việc nhân chứng Hà Văn Đại thay đổi bao nhiêu lời khai, có lần nào viết thêm, viết chèn vào bản khai không, thực nghiệm điều tra lần đầu khi nào…, Đại đều nói “không nhớ”.
Còn Nhân chứng Lê Văn Nhì khai: Lúc Nhì mua cơm về ăn trưa thì có Nguyễn Thân Thảo Thành, trong khi ăn cơm, nghe tiếng kêu la thì không xác định có Thảo Thành ăn cơm cùng anh em hay không.
Nhân chứng Trần Khải Hoàn khai: Khi vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, nhìn thấy Đại ngồi trên ghế, Thành ngồi trên bàn. Khải Hoàn vào phòng khoảng vài phút thì đi ra.
Nhân chứng Trần Minh Cường khai cùng Ngô Thanh Kiều và Ngô Thanh Sơn trộm cắp tài sản ở Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Nhóm này đã trộm cắp 8 lần, giá trị tài sản hơn 80 triệu đồng.
Nhân chứng Ngô Thanh Sơn khai: Đêm 12/5/2012, Sơn đi trộm cắp tài sản cùng Kiều và Cường. Sơn bị Công an TP Tuy Hòa bắt khoảng 7g00 đến 8g00 ngày 13/5/2012.
Hai bị can Ngô Thanh Sơn, Trần Minh Cường làm nhân chứng tại tòa
Vợ và hai con của nạn nhân Ngô Thanh Kiều
Nhân chứng Lê Đức Hoàn, Phó công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án khai: Lực lượng công an đã theo dõi Kiều, Sơn và Cường trộm cắp tài sản.
Sáng 12/5/2012, ông Hoàn chỉ đạo mời Ngô Thanh Sơn về trụ sở công an làm việc, sau đó phân công tổ công tác lên Hòa Đồng. Sáng 13/5/2012, ông Hoàn được báo cáo, tổ công tác đã đưa Ngô Thanh Kiều về cơ quan công an. Ông Hoàn giao cho Mẫn - lãnh đạo Phòng PC45 phân công Quyền xét hỏi Kiều.
Tại tòa phúc thẩm, ông Lê Đức Hoàn khẳng định có kiểm tra đôn đốc, nhưng không phát hiện cấp dưới dùng dùi cui đánh Ngô Thanh Kiều.
Có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Ông Lê Đức Hoàn - Phó công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án (hàng đầu, thứ hai
từ trái qua) lần đầu có mặt tại tòa
Đại diện VKSND giữ quyền công tố trình bày quan điểm: Bản án sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra.
Đối với ông Lê Đức Hoàn có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Trong luận cứ bào chữa dài đến 27 trang đánh máy, luật sư Nguyễn Văn Thắng nêu 7 vấn đề, đầu tiên là “sai lầm trong tư duy” (theo luật sư Thắng) thể hiện ở việc không giám định cơ chế hình thành thương tích trên người nạn nhân, sử dụng công văn để thay quyết định trưng cầu giám định và dùng công văn làm chứng cứ buộc tội. Không phân tích những chứng cứ xác định có tội của 4 bị cáo tại ngoại, trong khi lời khai của họ mâu thuẫn với chứng cứ có trong hồ sơ, đồng thời bỏ qua những chứng cứ xác định không có tội của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành.
Luật sư Thắng cũng chỉ ra lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại mâu thuẫn với những dấu vết có trong hồ sơ vụ án…
Sau hơn môt giờ trình bày luận cứ, luật sư Nguyễn Văn Thắng khẳng định, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành vô tội và đề nghị: Nếu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại thì thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Thảo Thành.
Sáng mai (9/7), tòa phúc thẩm tiếp tục làm việc.
VIỆT AN