5 cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để khích lệ con trẻ

07/05/2017 - 06:30

PNO - Bạn đã nói gì khi đứa con năm tuổi khoe bức tranh đầu tiên, câu chuyện cháu sáng tác đầu tiên, bài hát đầu tiên, bài thơ đầu tiên.

5 cach don gian nhung rat hieu qua de khich le con tre
Ảnh minh họa

Có không ít người đã rít lên: “Con vẽ cái gì ghê vậy, bẩn hết cuốn sổ tay của mẹ rồi” hoặc “Con định trở thành ca sĩ bằng giọng hát thấy gớm này hả”. Nhẹ nhàng nhất là một lời rên rỉ: “Làm thơ rồi cạp đất mà ăn hả con?”.

Nếu có lúc nào đó vô tình sỉ nhục, phỉ báng những đứa trẻ đang hớn hở muốn khoe một điều gì đó với người lớn, hãy nhớ đừng “chôn sống” một cái mầm đang tách đất vươn lên. Thay vì phủ nhận và từ chối, hãy chọn một số cách đơn giản, tích cực và khích lệ con: 

1. Nếu chưa quen với việc khen ngợi, nhìn thấy những điều tích cực, bạn có thể bắt đầu bằng những câu trung tính nhưng có tác dụng ghi nhận việc trẻ làm và bạn cũng không cảm thấy quá khó nói chẳng hạn: “Ồ, à. Mẹ thấy rồi. Con làm đó hả. Lạ nhỉ. Cũng được quá ha…”.

2. Cảm ơn là cách đơn giản và hiệu quả để trẻ tìm thấy niềm vui, thấy mình có ích, có giá trị, giúp trẻ gia tăng lòng tự trọng, tự tin. Vì vậy, hãy cảm ơn con (tùy vào việc con làm gì mà có lời cảm ơn phù hợp). Cảm ơn con đã cho mẹ xem (nếu con khoe với bạn một chiến tích nào đó). Cảm ơn con đã giúp mẹ quét nhà (cho dù bạn phải quét lại sau đó). Cảm ơn con, may quá mẹ đang đói, khát (nếu con chia một miếng bánh hay rót một ly nước). 

3. Ghi nhận cố gắng của trẻ dù ít hay nhiều. Trẻ cần được ghi nhận để thấy rằng mẹ luôn bên cạnh chúng, dõi theo chúng (chứ không phải là theo dõi chúng), là người chúng cần khi thấy khó khăn. Làm được điều đó khi trẻ lớn lên, dù có bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, chúng cũng sẽ tìm về với bạn vì gia đình là nơi chúng được tin cậy và ghi nhận.

Ghi nhận càng cụ thể càng tốt. Mẹ thấy con đã cố gắng viết đúng chính tả nè. Mẹ thấy con tiến bộ hơn hôm qua, đã đập được một cái bóng vào rổ. Mẹ thấy là con đã chiến thắng bản thân khi cố gắng dậy sớm hơn năm phút. Ồ, con giỏi quá, đã ăn được những năm cọng rau cơ đấy. 

 4. Không chỉ khuyến khích trong từng hành động, khi con trẻ làm được một điều gì đó hãy khuyến khích cả tiềm năng của bé bằng cách: “Thấy chưa, mẹ biết là con có thể làm điều đó mà. Thì ra con có nhiều tiềm năng mà mẹ con mình chưa khám phá ra, hoặc nói vui: “Vậy là có người dấu nghề xưa nay nhé…”.

5. Sẽ có lúc trẻ thất bại. Bạn đừng hùa với cả thế giới để phê bình trẻ. Hãy ngồi bên con và tìm ra điểm tích cực nhất: “Ít nhất thì con cũng không phải thi lại môn này”. “Hồi đó ba (mẹ) còn học toán ẹ hơn con”. Hoặc: “Dù sao con cũng đã cố gắng hết mức phải không? Con sẽ làm được lần sau mà, ba mẹ tin tưởng ở con. Dù thế nào thì ba mẹ vẫn luôn ở bên cạnh con”. Nhớ nói bằng một niềm tin thật sự, bạn sẽ thấy sức mạnh của sự khích lệ.

B.M

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI