5 bước trong quy trình can thiệp các vụ xâm hại, bạo hành

30/03/2019 - 07:30

PNO - Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội LHPN TP.HCM đã tiếp nhận bốn vụ trẻ em và phụ nữ bị bạo hành, cho thấy phụ nữ, trẻ em vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Đấy cũng là lý do tại hội nghị sơ kết công tác quý I/2019 của Hội LHPN TP.HCM ngày 27/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã đặc biệt lưu ý các đơn vị quận/huyện Hội phải rà soát việc thực hiện quy trình tham gia can thiệp về mặt pháp lý và giám sát các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại theo hướng dẫn số 51/HD-HPN, ngày 30/10/2018.

Hướng dẫn này được Hội LHPN TP.HCM chi tiết hóa các quy định và hướng dẫn của Hội LHPN Việt Nam, là một quy trình can thiệp chặt chẽ, thống nhất và có thể nói là “đi đến cùng” trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em, đồng thời thể hiện rõ vai trò và chức năng của Hội được quy định tại điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ví dụ, tại bước 1, khi tiếp nhận thông tin, với trường hợp phụ nữ bị bạo hành, cán bộ Hội Phụ nữ cần viết biên nhận đơn hoặc tham gia lập biên bản vụ việc. Thao tác này nhằm giúp nạn nhân, công an, chính quyền địa phương có cơ sở cung cấp thông tin cho tòa án khi tòa xác minh để giải quyết các khiếu kiện liên quan. Cán bộ Hội cũng phải kịp thời báo tin cho công an, UBND phường/xã/thị trấn, hoặc trưởng ban điều hành khu phố/ấp nơi xảy ra vụ việc, đồng thời báo cáo về Hội cấp trên bằng văn bản…

5 buoc trong quy trinh can thiep cac vu  xam hai, bao hanh
Người thân của một phụ nữ bị chồng giết trong cơn say kể lại thảm kịch gia đình

Hoặc tại bước 4, đối với các vụ việc do cơ quan báo chí phát hiện và yêu cầu được phỏng vấn lãnh đạo Hội thì Hội cơ sở (quận/huyện, phường/xã/thị trấn) cần phối hợp với các đơn vị liên quan tìm hiểu, xác minh vụ việc, trả lời chính xác. Cũng tại bước 4 này, khi hỗ trợ nạn nhân, cán bộ Hội cần kiểm tra tính xác thực của vụ việc, tình trạng bạo lực, mức độ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân, hỗ trợ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. 

5 buoc trong quy trinh can thiep cac vu  xam hai, bao hanh
Bé N. (đang ôm con trong ảnh), nạn nhân một vụ xâm hại đến mang thai và sinh con ở tuổi 14. Theo đúng quy trình can thiệp, Hội Phụ nữ cấp xã đã vào cuộc, trợ giúp, giám sát việc thực thi luật. Khi phát hiện quy trình tố tụng có vấn đề, Hội LHPN TP.HCM, Báo Phụ Nữ và Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đã lên tiếng. Kẻ phạm tội, sau đó đã bị xử lý hình sự với đúng tội danh

Trường hợp các cơ quan như UBND, công an phường/xã/thị trấn nơi xảy ra vụ việc thực hiện quá chậm (quá 24 giờ) hoặc không thực hiện thì Hội có văn bản đề nghị chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn nơi xảy ra vụ việc thực hiện ngay (khẩn cấp) các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, cấp cứu nạn nhân (theo quy định tại điểm a, b, khoản 1, điều 19, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); đề nghị chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn nơi xảy ra vụ việc nhanh chóng lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi được quy định tại điều 49 đến 61 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. 

Quy trình can thiệp gồm 5 bước: 
1. Tiếp nhận thông tin. 
2. Phân tích vụ việc. 
3. Trao đổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền.
4. Phát ngôn, tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ trong từng vụ việc.
5. Theo dõi, giám sát, giải quyết vụ việc của các cơ quan, tổ chức..

Cũng theo hướng dẫn này, với vai trò độc lập, Hội LHPN thực hiện chức năng giám sát việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới... Theo đó, Hội phải giám sát từ tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân nơi xảy ra vụ việc, xem đã có quyết định và tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; giám sát chủ tịch UBND cấp phường/xã/thị trấn trong việc ban hành các quyết định theo thẩm quyền, như quyết định cấm tiếp xúc; giám sát công an xã/phường/thị trấn trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục khi người vi phạm bị ra quyết định cấm tiếp xúc.

Thậm chí, khi vụ việc đã đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì phải giám sát xem cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay chưa. Nếu đã hết thời hạn điều tra theo điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì phải xem cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra vụ án hay chưa. Nếu phát hiện những quy định ở bước này chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm, thực hiện chưa đúng thì Hội phải có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan liên quan đề nghị thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền...

Mọi quy định đều đã có và được hướng dẫn rất chi tiết. Vấn đề còn lại và có tính quyết định là tất cả cán bộ từ cấp cơ sở, chi tổ Hội phải nắm vững quy trình, quy định, thực hiện chặt chẽ và có tâm thì việc can thiệp, bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên địa bàn từ tổ dân phố/tổ nhân dân, khu phố/ấp trong thời gian tới sẽ thiết thực và hiệu quả. 

Khi phát hiện phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, người dân xin vui lòng thông báo về Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ TP.HCM theo số điện thoại: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15, đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 1800 90 69, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hoặc cơ quan lao động thương binh và xã hội, cơ quan công an phường/xã/thị trấn nơi xảy ra vụ việc.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI