Trao “cần câu” cho nhiều gia đình
Vài chục chiếc bánh ú đã được bà Lương Thiếu Quyên (phường 3, quận 6) mang đến triển lãm tại lễ tổng kết dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực” vào ngày 8/6 vừa qua. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân - cháu họ của bà Quyên - cho biết, gần đây công việc gói và bán bánh của bà Quyên đã khá hơn nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án.
Ở tuổi 66, bà Quyên rất mừng khi được hỗ trợ 5,5 triệu đồng. Nhờ đấy mà bà có tiền mua thêm nguyên liệu để gói bánh dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) và mua thêm chiếc tủ mới. Có nguyên liệu, bà Quyên mạnh dạn nhận thêm nhiều đơn hàng so với những năm trước.
Theo nghề gói bánh từ khi còn là thiếu nữ, nhưng với bản tính hiền lành, nhút nhát, nên mấy chục năm qua bà Quyên vẫn không phát triển được công việc, mỗi ngày chỉ gói và bán vài chục bánh, kiếm đủ tiền chợ. Những năm trở lại đây, do tuổi đã cao, sức yếu, hạn chế trong giao tiếp, nên chị Ngân thường qua phụ giúp bà buôn bán, giao hàng.
|
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của những người thụ hưởng dự án vào chiều 8/6 |
Trong không gian triển lãm, nhìn thấy hình ảnh mình trong câu chuyện “Lò bánh cũ và ước mơ của người mẹ có con gái bị mù”, chị Bùi Thị Kim Phượng (phường 12, quận 8) xúc động, đôi mắt đỏ hoe. Chị Phượng bộc bạch, chị lập gia đình đã 20 năm, có 2 con. Năm lên lớp Mười thì con gái lớn của chị bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh, dần trở nên ít nói và không giao tiếp với ai. Chị Phượng cho con tham gia và học thêm các lớp kỹ năng cùng với người khiếm thị. Thấy con nỗ lực, chị Phượng cũng không ngừng cố gắng làm lụng để có tiền nuôi các con.
Làm bánh là nghề truyền thống của gia đình và chị Phượng là đời thứ ba nối nghiệp. Chị cho biết, làm nghề rất cực, có khi 1-2 giờ sáng còn phải canh bột để hấp bánh, nhưng thu nhập lại không nhiều. Theo nghề đã lâu nhưng chị không có điều kiện để phát triển. Chính vì thế, khi được dự án hỗ trợ, chị Phượng đã mua máy xay bột, mua thêm khuôn… để tăng năng suất lao động.
Hiện tại, chị Phượng vẫn duy trì làm khoảng 6-7 loại bánh, như bánh lá liễu, bánh bao, bánh đậu xanh, bánh bò… và tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới.
Chị Lê Thị Út (phường 13, quận 4) - đối tượng được hưởng lợi từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực” - cảm ơn dự án đã tiếp sức, giúp mẹ con chị vượt qua được những ngày khốn khó. Từ ngày chồng mất vì COVID-19, chị Út cùng con phải chật vật với bao lo toan trong khi đồng tiền kiếm được từ việc buôn bán hàng rong không dễ dàng. Chị Út hy vọng: “Với chiếc tủ mới sạch đẹp, tôi hy vọng việc buôn bán nước giải khát của mình sẽ đắt hàng hơn”.
Tạo nên những thay đổi
Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực” có tổng trị giá lên đến 1,46 triệu USD (hơn 36,5 tỉ đồng), do Chính phủ Úc tài trợ và được thực hiện từ năm 2022-2024. Sau 2 năm thực hiện, đã có 3.591 phụ nữ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc bị mất thu nhập, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật... ở TPHCM và Tiền Giang được trợ cấp với mức 5,5 triệu đồng/người và hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật để tái xây dựng sinh kế, đem lại những tác động tích cực cho khoảng 14.300 thành viên trong các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, gần 250 cơ quan, tổ chức liên quan tại TPHCM và tỉnh Tiền Giang cũng được tập huấn về gói dịch vụ thiết yếu dành cho người bị bạo lực, 2.000 nhà cung cấp dịch vụ được tập huấn tăng cường năng lực và hỗ trợ card thông tin để đảm bảo có thể cung cấp dịch vụ 24/7 hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.
|
Ban Quản lý dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực” tham gia một buổi sinh hoạt của mô hình Câu lạc bộ Men-Net tại quận 4, TPHCM |
Riêng tại TPHCM, đến nay đã có hơn 2.000 phụ nữ được hưởng lợi từ dự án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13,5 tỉ đồng. Nhóm phụ nữ được hưởng lợi từ dự án là phụ nữ khuyết tật, đơn thân, mang thai hoặc đang có con nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ trên 60 tuổi, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, bệnh nhân HIV hoặc đang mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ thuộc vùng dân tộc thiểu số, lao động nữ di cư, phụ nữ bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Ngoài việc hỗ trợ phục hồi sinh kế, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý nguồn vốn, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, phát huy nguồn vốn hỗ trợ trong phục hồi sinh kế gắn với các hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới…
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, dự án đã tạo hiệu ứng tích cực, trao quyền năng kinh tế và nâng cao khả năng chống chọi với những thay đổi kinh tế; nâng cao nhận thức các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Caroline T. Nyamayemombe - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - chia sẻ: “Chúng tôi rất hài lòng vì đã có thể hỗ trợ, tiếp sức giúp nhóm phụ nữ bị thiệt thòi, bị ảnh hưởng sau dịch có điều kiện để khôi phục cuộc sống. Dự án là sự kết hợp kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Những kết quả hôm nay là minh chứng cho sự kiên cường, nỗ lực thay đổi cuộc sống của phụ nữ tại TPHCM và tỉnh Tiền Giang, những người đã đối mặt và vượt qua nhiều thách thức từ đại dịch để phục hồi, phát triển cuộc sống của gia đình và cộng đồng”.
Còn bà Sarah Hooper - Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM - cho rằng, chương trình phục hồi sinh kế lần này sẽ tạo nên những thay đổi thực sự cho những người phụ nữ chịu rủi ro.
Không khí gia đình người hưởng lợi đã giảm căng thẳng Ngay từ khi dự án khởi động, tôi đã thực hiện khảo sát với khoảng 300 người được hưởng lợi. Hầu hết người được hưởng lợi đều rất hài lòng và hài lòng với các tiêu chí được hỗ trợ. Trong đó, khoản hỗ trợ đã trở thành nguồn lực bổ sung để giúp phụ nữ phục hồi, phát triển kinh tế. Hơn 43% người đã sử dụng tiền hỗ trợ để mở rộng việc kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ; gần 28% sử dụng để mua sắm trang thiết bị, vật tư thiết yếu phục vụ việc kinh doanh; còn lại là mua cây, con giống, lương thực thực phẩm cho gia đình, mua sách vở, đồ dùng học tập cho con cái, trả nợ các khoản vay trước đó, khám chữa bệnh… Cuộc sống nhiều gia đình đã có sự khởi sắc. Mối liên hệ giữa hỗ trợ tiền mặt và trao quyền kinh tế cho phụ nữ đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, đáp ứng nhu cầu giới chiến lược. Nhóm phụ nữ được khảo sát cho biết, không khí gia đình họ đã có sự thay đổi, vui vẻ và thoải mái hơn, nam giới trong gia đình đã có sự tôn trọng và biết lắng nghe ý kiến của phụ nữ cũng như chủ động thảo luận và chia sẻ với phụ nữ nhiều hơn trong gia đình. Đặc biệt, tình trạng chồng say xỉn, có dấu hiệu hay hành vi bạo lực (trước đó) cũng được ghi nhận đã giảm. Để tiếp tục, theo tôi các đơn vị cần tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án. Hỗ trợ tiền mặt chỉ là một phần, phương tiện sinh kế mới là lâu dài, chính vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục điều phối các nguồn lực hỗ trợ nhóm hưởng lợi từ dự án nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường các cơ hội hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện các mô hình tăng quyền năng kinh tế trong dài hạn. Tiến sĩ Lê Văn Sơn - chuyên gia tư vấn, đánh giá dự án. |
Thiên Ân