Phải tự mình trải nghiệm mới thấy Brunei xứng đáng là “hòn ngọc xanh” giàu đẹp của Đông Nam Á, một nơi đáng để khám phá.
|
Những nhịp cầu gỗ nối liền làng nổi |
Hành trình 2.800km tới Brunei
Tôi đã xê dịch gần như liên tục 1.000 ngày, nhưng Brunei chưa bao giờ nằm trong danh sách điểm đến bởi ai ai cũng nhắc tới vương quốc xa xôi, nhỏ bé này với những từ: đắt đỏ, nhạt nhẽo… Một ngày, tôi và cô bạn quyết định đặt vé đến Brunei ngay khi biết tin đất nước này đã chính thức mở cửa.
Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 18 ngày, qua một phần của đảo Borneo, trong đó có Brunei và Malaysia. Thật khó để lựa chọn một chuyến bay thẳng đến Brunei từ Hà Nội, vì giá đắt và mọi thứ ở đất nước này cũng chưa thực sự bình thường trở lại sau dịch COVID-19.
Từ Hà Nội, chúng tôi đáp chuyến bay tới TPHCM từ chiều, chờ tới nửa đêm để nối chuyến tới Kuala Lumpur và trải nghiệm ngủ tại sân bay để 5 giờ sáng hôm sau tới Brunei. Hành trình này tạm tính khoảng 2.800km, mất gần 24 tiếng đồng hồ. Vào những ngày giữa tháng Mười, thủ tục nhập cảnh Brunei không quá phức tạp, chỉ bao gồm vé máy bay, đặt phòng khách sạn và bảo hiểm du lịch đúng với số ngày lưu trú.
Brunei đón chúng tôi bằng sự hồn hậu của những nhân viên hải quan dễ mến. Sáng ấy, Wana - tài xế nữ được đặt trước - đã chào mừng chúng tôi bằng đôi mắt nâu biết cười và những thông tin quý báu về Brunei.
Dẫu đã tìm hiểu và biết Brunei có tài nguyên dầu khí dồi dào cùng những cung điện, đền đài nguy nga bậc nhất thế giới nhưng chỉ khi tự kiểm chứng sự khó khăn khi tìm xe buýt công cộng và taxi, tôi mới hiểu được “độ giàu” của vương quốc này. Ở đất nước nhỏ bé, diện tích chỉ gần 6.000km2 với khoảng 500.000 dân này, mỗi người đều có xe hơi riêng, thậm chí nhiều người có đến vài chiếc. Thật khó để bắt gặp xe máy, xe đạp chạy trên đường; xe buýt công cộng cũng chỉ để phục vụ phần ít khách vãng lai.
Wana tự hào chia sẻ rằng hơn 70% diện tích Brunei là rừng nguyên sinh. Tên gọi Brunei cũng có nghĩa là “nơi ở của hòa bình” - một nơi không đông đúc dân cư, hiện đại nhưng không có các tòa nhà chọc trời, không gian yên tĩnh hiếm thấy khách ngoại quốc, như thể Brunei chưa bao giờ cần phát triển du lịch.
|
Một ngôi nhà rực rỡ sắc màu ở Kampong Ayer |
Thăm làng nổi 1.300 năm tuổi
Chúng tôi lên kế hoạch để tới ngôi làng nổi lớn nhất thế giới: Kampong Ayer. Ngôi làng với lịch sử hơn 1.300 tuổi này được xem như Venice của phương Đông. Kampong Ayer cũng là biểu tượng lịch sử, văn hóa và sự phát triển của đất nước Brunei. Làng hiện có khoảng hơn 30.000 người dân sinh sống trong những ngôi nhà được xây trên mặt nước.
Từ khu Gadong, chúng tôi vào tới nội thành và bắt gặp những chiếc taxi nước - một loại cano nhỏ chở khách từ bờ sang làng nổi Kampong Ayer. Ở Brunei, taxi nước còn thịnh hành và dễ tìm hơn cả taxi trên đất liền cũng bởi lịch sử và nếp sống di chuyển trên sông bao đời.
Để tới được đây, chúng tôi phải thỏa thuận rõ với người lái cano về giá cả. Một vòng tour dạo quanh các khu nhà nổi có giá khoảng 40 BND (650.000 đồng), còn di chuyển từ bờ trung tâm tới bến tàu đầu làng nổi thì chỉ khoảng 1 BND (17.000 đồng).
|
Cô bé Brunei tại làng nghề truyền thống |
Chiếc cano gỗ lao vút trên dòng sông Brunei, tiến tới ngôi làng ẩn hiện phía đằng xa. Bác lái taxi nước dù không giỏi tiếng Anh nhưng rất nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi cách đi từ đầu làng nổi tới những điểm nổi bật xung quanh: trường học, cơ quan hành chính làng, nhà thờ Hồi giáo, chợ, những ngôi nhà nhiều màu sắc…
Kampong Ayer không hề nhang nhác “chợ nổi Cái Răng” như chúng tôi hình dung trước đó bởi nơi đây đồ sộ, kiên cố và có những nét đặc trưng. Những ngôi nhà gỗ được chạm khắc tinh xảo với các đường nét hoa văn độc đáo, những chiếc ghế mộc nằm im trong nắng hắt lên một màu hoài cổ…
Gọi là làng nổi nhưng Kampong Ayer không có hàng quán buôn bán tấp nập, chỉ có ánh mắt hiếu kỳ của những chú mèo con, những đứa trẻ ngẩn ngơ vẫy tay chào chúng tôi từ ô cửa trường học; còn lại, tất cả đều là sự tĩnh lặng, yên bình.
Chúng tôi dành cả buổi chiều lang thang khắp làng nổi. Bề dày hơn 1.300 năm đã khiến thời gian phủ lên Kampong Ayer nét đẹp dịu dàng khó quên. Khi hoàng hôn dần buông trên mái gỗ của những căn nhà cổ, chúng tôi rời đi với nhiều lưu luyến. Tối đó, chúng tôi ghé thăm Gadong Night Market - chợ đêm nổi tiếng và nhộn nhịp nhất Brunei. Chợ thu hút du khách bởi những sạp hàng trái cây, đồ nướng, mì xào… thơm nức.
|
Toàn cảnh Sultan Omar Ali Saifuddin Mosque |
Vương quốc của những thánh đường
Sẽ thật thiếu sót nếu đến Brunei mà không ghé thăm những thánh đường Hồi giáo lộng lẫy, sang trọng, thậm chí được dát vàng. Còn lại 24 giờ ở Brunei, chúng tôi đã vẽ sẵn một cung đường hoàn hảo bằng xe buýt và tự đi bộ để khám phá hầu hết những địa điểm nổi bật của vương quốc này.
Với hơn 100 thánh đường, Brunei được mệnh danh là xứ sở của các thánh đường Hồi giáo sang trọng bậc nhất thế giới. Tôi thấy được nét tương đồng về kiến trúc nơi đây và các thánh đường Hồi giáo ở Ấn Độ khi hầu hết đều có hình chóp mái đồ sộ, nổi bật với màu trắng, vàng.
Sultan Omar Ali Saifuddin Mosque là ngôi đại thánh đường chúng tôi ghé thăm đầu tiên vì câu chuyện hấp dẫn đằng sau nó. Đây được xem như thánh đường lớn nhất châu Á với mái vòm dát 5 tấn vàng nguyên chất trên diện tích 520m², khiến nó trở thành một biểu trưng cho kiến trúc Hồi giáo hiện đại thế kỷ XX.
|
Kiến trúc mái vòm ấn tượng của Sultan Omar Ali Saifuddin Mosque |
Nội ngoại thất của thánh đường cũng đều dùng các nguyên vật liệu xa xỉ nhập từ nước ngoài như: cẩm thạch Ý, các chùm đèn treo với tổng trọng lượng khoảng 4 tấn cùng kính màu từ Anh, thảm đỏ cao cấp từ Bỉ và Arab Saudi, đá granite Thượng Hải… Chúng tôi tới đây vào buổi sáng và chiều để chiêm ngưỡng vẻ đẹp choáng ngợp của công trình kiến trúc này.
Bảo tàng quốc gia Brunei cũng là nơi níu chân chúng tôi suốt nhiều giờ liền bởi những hiện vật độc đáo được trưng bày cùng những ghi chép chi tiết về lịch sử đất nước Brunei. Bảo tàng thoáng rộng và lộng lẫy, mở cửa miễn phí.
Chúng tôi tới cung điện Hoàng gia rộng lớn và xa hoa bậc nhất thế giới: Istana Nurul Iman. Cung điện chỉ mở cửa vào lễ Hari Raya (giữa tháng Chín), còn lại hầu hết thời gian trong năm đều đóng cửa nghiêm ngặt, du khách chỉ có thể chụp hình phía ngoài cổng.
Dù khá tiếc nuối khi tới tận nơi mà chẳng thể vào trong, chúng tôi cũng đã có một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị ngay tại cánh cổng này với Bahrum (Brunei) và cậu bạn Faisol Abdullah (Malaysia) - 2 người bạn chúng tôi tình cờ quen khi hỏi đường. Cả hai đã mời chúng tôi một chuyến khám phá Brunei cùng… người bản địa.
Chẳng thể khước từ sự nồng hậu ấy, chúng tôi nhanh chóng trở thành một nhóm. Bahrum rất ra dáng “thổ địa” khi đưa chúng tôi tham quan thánh đường Ash Shaliheen Mosque với kiến trúc cực kỳ độc đáo. Rồi chúng tôi trở lại Sultan Omar Ali Saifuddin Mosque trong buổi chiều tà, đi dạo quanh công viên Ecopark đối diện và được Bahrum đưa tới thăm nhà cũ của vua. Chuyến đi kết thúc khi Bahrum và Faisol Abdullah có giờ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Jame’ Asr Hassanil Bolkiah.
Trong ánh đèn lung linh, những mái vòm vàng óng ánh sáng rực một góc trời. Lời cầu nguyện vang lên, tôi để tim mình hòa vào đời sống tinh thần bình yên, tĩnh lặng và trong trẻo như bao người địa phương đang thầm cầu nguyện nơi đây.
Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Trang