46 năm chị dâu tìm kiếm em chồng 'liệt sĩ'

26/07/2015 - 07:30

PNO - PN - Sau 46 năm, “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân vừa trở về, sống trong căn nhà của cha mẹ, trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Chừng đó thời gian cũng là hành trình đầy khó khăn, nhọc nhằn của người chị dâu tìm kiếm em chồng.

Bà Ân mất tích và được cho là đã hy sinh. Ngày ra đi, bà Ân là cô gái tuổi đôi mươi mạnh mẽ tham gia cách mạng ở ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà. Ngày về, bà vào nhà trên chiếc băng ca, yếu ớt vì những di chứng chiến tranh và bệnh tật.

Người dân xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng những ngày qua bàn tán xôn xao cuộc trở về kỳ diệu và đầy nước mắt của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân (SN 1945). Căn nhà nhỏ của mẹ con bà Ngô Thị Phán (SN 1945, thôn Hương Lam, xã Hòa Khương) tấp nập người ra vào. Khi chúng tôi đến, bà Phán ngồi, ân cần bón từng thìa thuốc cho em chồng.

Bà Phán kể, hai chị em đều sinh năm 1945. Năm 1965, bà Phán về nhà chồng cũng là thời điểm cô em chồng thoát ly theo cách mạng. “Chị em chồng chỉ ở chung nhà được vài bữa. Ân hồi đó cũng nhiều người theo đuổi mà chẳng chịu ưng ai. Ân thoát ly. Lần cuối tui gặp Ân là năm 1969, khi tui mới sinh con đầu lòng được khoảng hai tháng. Lúc đó nhà hết sạch gạo, Ân mang về cho 20kg, dặn tui cố gắng bồi bổ để lo cho cháu”, bà Phán nhớ lại.

Sau lần gặp gỡ đó ít lâu, bà Phán cùng gia đình nhận được hung tin bà Ân bị thương nặng trong một trận đánh, được chuyển ra miền Bắc điều trị. Sau đó, chồng bà Phán cùng người em gái út lần lượt nhập ngũ và hy sinh trên chiến trường. “Mất mát quá lớn khiến cha mẹ chồng tui buồn bã nên ngày càng yếu. Sau ngày đất nước thống nhất, cha mẹ chồng tui nhiều lần dò hỏi tung tích Ân mà không được. Trước lúc qua đời, cha mẹ không quên dặn dò, nhờ tui tìm Ân, nếu còn sống thì tìm xem đang ở nơi đâu, nếu chết, đưa hài cốt về quê nhà”, bà Phán kể.

Bà Phán luôn đau đáu dò la thông tin về người em chồng. Cứ mỗi lần có người mách tin, mẹ con bà lại khăn gói đi tìm. Bà có mặt khắp các trung tâm (TT) điều dưỡng và chăm sóc người có công. Từ Hội An (Quảng Nam) đến Nha Trang rồi ngược ra Hà Tây, Phú Thọ... “Suốt mấy chục năm đi tìm, tui vẫn không gặp được Ân. Bao nhiêu tiền bạc đều dành cho những chuyến đi ấy”, bà Phán tâm sự.

46 nam chi dau tim kiem em chong 'liet si'

Bà Phán ân cần chăm sóc em chồng

Bà Phán nhớ như in chuyến đi Phú Thọ tìm em chồng năm 1986. Bà kể, lúc đó có người ở huyện Hòa Vang đi an dưỡng về kể lại có gặp bà Ân ở TT Điều dưỡng và chăm sóc người có công tỉnh Phú Thọ.

Nhà nghèo, bà Phán quyết định bán cả gia sản khi ấy là đàn heo lấy tiền làm lộ phí, cùng con trai cả đi Phú Thọ. Khi đến nơi, TT xác nhận có bà Nguyễn Thị Ân từng được chăm sóc tại đây. Tuy nhiên, trước đó ba năm, bà Ân đã được chuyển vào một TT ở tỉnh Khánh Hòa. “Tui tiếp tục đi Khánh Hòa theo giấy giới thiệu của TT ở Phú Thọ. Nhưng vào đến TT ở Khánh Hòa thì không có ai tên đó cả. Mẹ con tui buồn bã về nhà. Có người cho là Ân đã hy sinh nhưng tui luôn có linh cảm em vẫn còn sống. Cũng nhờ đó mà mẹ con tui chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc”.

Ngồi cạnh bà Phán, người con dâu Nguyễn Thị Xuân mắt đỏ hoe khi nghe kể lại hành trình tìm người cô chồng. Chồng chị Xuân, anh Nguyễn Nhị từng cùng mẹ bôn ba khắp nơi để tìm cô ruột. Nhưng anh không chờ được ngày bà Ân trở về. “Chồng tôi mất năm 2006 vì bệnh ung thư. Mẹ tôi lúc đó cũng già yếu nên không thể đi tìm cô Ân được nữa. Đồng đội cũ của cô ở đơn vị K600 xác nhận giúp gia đình để làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu liệt sĩ”, chị Xuân nghẹn ngào nói.

Từ đó, mẹ con bà Phán mỗi năm làm đám giỗ cho bà Ân… hai lần. “Gia đình không có ảnh nên đặt tấm bằng liệt sĩ lên bàn thờ để thắp nhang. Giỗ thì làm cùng ngày với giỗ cha chồng tui và ngày nữa vào dịp 27/7 hàng năm”, chị Xuân nói.

Khi mọi hy vọng tìm bà Ân đã cạn kiệt thì đầu tháng 7/2015, ông Nguyễn Ba (trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đi tìm người anh thất lạc trong chiến tranh ở TT Điều dưỡng, chăm sóc người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Ba không tìm thấy anh trai ở TT này. Tuy nhiên, các cán bộ TT nhờ ông giúp đỡ tìm thân nhân cho một thương binh có quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhận lời, ngay khi về quê, ông Ba tìm đến UBND xã Hòa Khương để thông báo. Người thương binh đó chính là bà Ân.

“Khi cán bộ xã xuống báo tin, tui vẫn không dám tin chắc đó là em chồng mình. Mấy đêm liền tui hồi hộp chẳng chợp mắt được. Chỉ đến khi đến tận TT, cầm hồ sơ trên tay và thấy em ấy, tui mới tin mình đã làm tròn ước nguyện của cha mẹ chồng, của con trai”, bà Phán chia sẻ.

Ngày 15/7, bà Ân trở về quê nhà trên chiếc xe chuyên dụng. “Di chứng chiến tranh, bệnh tật khiến chị ấy không thể nói được. Đưa em ấy vô nhà, tui khóc, mấy đứa con, dâu, cháu đều khóc”, bà Phán kể.

Trong vòng tay của gia đình, nước mắt bà Ân chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo.

ĐÌNH THỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI