Tôi là một “tín đồ” của bánh mì từ thời bé xíu. Khi lớn, có cơ hội đi nhiều nơi và thưởng thức nhiều loại bánh mì: từ xíu mại, bánh mì bì của miền Nam, đến bánh mì thịt xíu, bánh mì chả bò nức tiếng Hội An, bánh mì chả cá Nha Trang, bánh mì thịt nướng Tây Nguyên và các thể loại bánh mì heo quay, cá hộp, bánh mì trứng ốp la, cá nục kho…
Tôi thích từ bánh mì kẹp cho đến bánh mì chảo, từ ổ bánh mì to vật vã đến bánh mì que nhỏ xíu, nhưng với tôi, bánh mì ngon số một thế giới là ở chợ Chắc Cà Đao (CCĐ), huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tôi phải lòng ổ bánh mì với hỗn hợp bì, xíu mại, thịt khìa ở chợ CCĐ từ năm tám tuổi - nơi cách nhà tôi gần hai mươi cây số.
Ngày nhỏ, tôi hay theo ba má vô ruộng ở huyện Châu Thành. Từ nhà tôi (huyện Chợ Mới) vô ruộng phải bơi xuồng vượt qua sông Tiền mênh mông, sóng to gió lớn, nên mỗi lần vào được cửa sông CCĐ ai cũng mừng thoát chết.
Xuồng ghe, chúng tôi hay tấp vào chợ CCĐ mua thức ăn và món quen thuộc. Má cho chị em tôi mỗi người một ổ bánh mì xíu mại to bằng bắp chân (mới đủ sức chống đói cho hành trình dài bốn tiếng đồng hồ). Tôi nhớ như in, cặp ngay bên phải mé sông vừa qua cầu CCĐ là hàng bánh mì xíu mại, bì, thịt khìa trứ danh của một đôi vợ chồng trẻ.
|
Dì Sáu Hồng - người bán bánh mì chợ Chắc Cà Đao năm nào |
Trên chiếc bàn của cô chất kín bánh mì, ổ nào cũng to. Kế bên là cái “cù lao” xíu mại luôn nghi ngút khói, rồi một mâm thịt khìa vàng ươm được xắt thành sợi bằng đầu đũa, sát bên là chiếc mâm nhỏ hơn đựng bì. Cắn một miếng bánh mì, nghe giòn tan nơi đầu lưỡi và “nhưn” bánh tươm ra bờ môi ngọt lịm, béo ngậy.
Cái cảm giác này làm tôi nhớ và thèm suốt thời thanh xuân khi chợ nhiều lần di dời và nhà tôi không còn làm ruộng ở Châu Thành nữa nên đã mất dấu hàng bánh mì.
Cứ mỗi lần về quê, chị em tôi lại nhắc tới ổ bánh mì CCĐ và việc không tìm lại được hàng bánh mì xưa có cảm giác như đánh mất một phần của ký ức. Vì vậy, tôi có thói quen đi đâu, gặp bánh mì xíu mại là phải ăn cho bằng được.
Nhưng không ở đâu tôi tìm lại được hình dáng và cả hương vị của ổ bánh mì xíu mại khổng lồ ấy. Vậy mà mới đây, chị gái gọi cho tôi: “Út ơi, chị tìm được bánh mì CCĐ rồi, đúng cô đó bán luôn”. Giọng tôi lạc đi: “Thiệt không chị, tìm được ở đâu vậy chị?”. “Trong trung tâm thương mại An Châu”, chị nói.
Chị kể, tuần rồi chị đi Châu Đốc. Khi đi ngang cầu CCĐ, bỗng dưng chị ”lên cơn” nhớ và thèm quay quắt ổ bánh mì ngày xưa. Chị vô khu trung tâm thương mại An Châu, ngay chân cầu CCĐ. Nào ngờ, ở góc chợ gần ngã tư, chị gặp lại ổ bánh mì quen thuộc và đúng cô chủ ngày xưa. Nghe vậy, tôi cũng vội về quê và được chị gái dẫn đi.
Từ đằng xa, theo tay chị gái chỉ, tôi đã thấy hàng bánh mì bài trí y hệt ngày trước và nụ cười tươi tắn, thân thuộc hiền lành của cô chủ bánh mì. Có chút khác chăng là nụ cười của cô móm sọm vì không còn răng và mái tóc bạc đã được nhuộm vàng.
Tôi reo: “Cô ơi, ngày nhỏ con ăn bánh mì của cô hoài, con ghiền lắm. 30 năm rồi con mới được gặp cô, con mừng quá”.
Cô bánh mì dù không nhớ chị em tôi, nhưng cũng mừng rỡ như gặp người thân, giọng hồ hởi: “Thiệt hả con, con thích bánh mì cô từ hồi nhỏ hả? Nghe con nói cô vui quá”. Rồi bà kéo chiếc ghế bố để ngả lưng buổi trưa cho chị em tôi: “Hai con ngồi đi, ngồi chơi đi con”.
Trong lúc đó, bà loay hoay khìa hai chảo thịt, vừa bán bánh mì cho khách. Người mua vài ổ bánh mì không, người mua bánh mì xíu mại.
Có người đàn ông chở sau lưng một phụ nữ trùm khăn, mặc bộ đồ màu xanh như đồng phục bệnh nhân của bệnh viện, mua ổ bánh mì khổng lồ giá 15.000 đồng. Ông yêu cầu cắt đôi, chia cho mình nửa ổ, người ngồi sau nửa ổ, vừa cắn ổ bánh mì, vừa phóng xe đi trong cái nắng trưa gay gắt.
Giờ tôi mới biết tên bà chủ là Lê Thị Hồng, mọi người hay gọi là dì Sáu Hồng, 67 tuổi. Bà bán bánh mì ở chợ CCĐ năm 22 tuổi, trong khi nhà bà ở Long Xuyên. Bà kể, sau khi lấy chồng, bà nghĩ phải kiếm chỗ nào để bán bánh mì, vì gia đình bà ba đời làm bánh mì ở Long Xuyên.
Đi lò dò tìm, bà ưng chợ CCĐ bởi vừa bán được trên bờ, vừa bán được dưới sông. “Chọn chỗ mua bán, phải chọn ngay đường đi, ngã ba, ngã tư càng ngon”, bà bày tôi. Khi đó, CCĐ chỉ là cái chợ nhỏ nằm cặp sông. Vậy mà bà bán và bỏ mối một ngày trên 10.000 ổ bánh mì, bán buổi sáng là chiều về vợ chồng đi sắm 1-2 chỉ vàng.
Tôi hỏi: “Chú đâu rồi cô?”. giọng bà buồn thiu “chú mất 12 năm rồi con. Ổng bị mệt, tính truyền nước cho khỏe như mấy lần trước, vậy mà lần đó ổng bị sốc nước biển, chở vô bệnh viện bác sĩ nói bị tràn dịch màng phổi, không cứu được”.
|
Tác giả và người bán bánh hội ngộ sau 30 năm |
Khách liên tục tới mua bánh mì nên bà lại cười vui vẻ, nỗi buồn được gói vào trong. Tôi nửa đùa nửa thật: “Cô bán bánh mì đông khách vầy, chắc cô giàu lắm hả cô?”.
Bà lại thở dài: “Bán được lắm con ơi. Khổ cái, mấy đứa nhỏ phá quá. Cô phải trả nợ mấy lần, tài sản cũng không còn bao nhiêu. May giờ tụi nó chịu làm ăn rồi, cô cho hai đứa hai tiệm bánh, đứa ở Long Xuyên, đứa ở CCĐ này, giờ cô cũng an lòng về hai đứa rồi”.
Bà chỉ tay ra hướng gần cầu CCĐ, giới thiệu tiệm bánh mì của con gái ở đó. “Nó bán chậm hơn cô nhiều”, bà nói và cho biết hiện nay, mỗi ngày bà bán khoảng 7.000 - 8.000 ổ bánh mì các loại.
Quá trưa, khách vắng dần. Bà làm cho chị em tôi hai ổ bánh mì “siêu to khổng lồ” như ngày xưa. Bà cho biết, khách ít ăn ổ lớn, nhưng bà vẫn bán như thói quen và để nhớ ổ bánh mì đã giúp bà gầy dựng cơ nghiệp.
Bà bán bánh mì loại lớn 10.000 -15.000 đồng, loại nhỏ 7.000-10.000 đồng. Bà chuyền cho tôi ổ bánh mì lớn, nói: “Con là khách đặc biệt, nên cô làm đặc biệt”.
Tôi đưa ổ bánh mì lên miệng. Cắn một miếng như chạm vào nỗi nhớ, chạm vào tuổi thơ. Ở đó, trên dòng kênh CCĐ này, một đứa con nít tám tuổi cầm ổ bánh mì to hơn đùi nó ngồi xuồng ba lá. Ổ bánh mì được nướng nóng giòn, thơm lừng mùi thịt, xíu mại và rau ngò rí làm nó ứa nước bọt trước khi đưa lên miệng cắn.
Gió hiu hiu thổi, nó vừa ăn bánh mì, vừa đưa tay vọc nước trong tiếng dầm nhịp nhàng của ba má. Đời bình yên đến lạ.
Thùy Dương