Năm 1974, trước khi vượt đường mòn Hồ Chí Minh ra Bắc đi học, nữ chiến sĩ Lê Thị Thu Nguyệt (phụ trách lễ tân của Ban Liên hiệp quân sự Trung ương thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam) vào thăm thương bệnh binh ở trạm xá. Bất ngờ có một bệnh binh gầy gò, xanh xao cứ nhìn cô. Đoán được suy nghĩ của người ấy, cô tiến lại gần, khẽ hỏi: “Chú ơi! Chú muốn uống nước hả?”. Bệnh binh gật đầu và đón lấy ly nước từ tay cô chiến sĩ nhỏ.
Từ “chú” đến “chú rể”
Không chỉ là dịp hội ngộ thoáng qua mà trong chuyến ra Bắc gian nan, nguy hiểm tiếp sau đó, người bệnh binh bị sốt rét rừng ấy chính là trưởng đoàn của đoàn cán bộ Cục Chính trị miền Nam cử ra Hà Nội học tập. Tuy ở cương vị trưởng đoàn, nhưng phong cách của “chú” lại rất bình dân, chan hòa tình cảm, được cả đoàn ba mươi mấy thành viên đều quý mến.
|
Bà Lê Thị Thu Nguyệt bâng khuâng hoài niệm chiến trường xưa |
Trưởng đoàn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng cô Thu Nguyệt, nhất là khi bảo đồng chí Nguyệt đưa tô mì cho xem và bất ngờ gắp cho cô lát thịt. Rồi khi cô Nguyệt đi quơ củi khô nấu nước cho trung tá Hồ Thị Bi (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) tắm vì trời đêm giá lạnh, vị trưởng đoàn cứ căn dặn đừng đi quá xa, quá khuya kẻo bị lạc và trúng bom mìn.
Cũng như khi các đồng chí nữ ra suối giặt giũ, trưởng đoàn lại đưa đi và tế nhị ngồi ở một gốc cây xa xa, chờ đưa vào, đảm bảo an toàn trước nguy cơ biệt kích tấn công.
Thời điểm ấy, Thu Nguyệt đã 30 tuổi nhưng vì bị địch bắt tù đày 11 năm ròng, từ năm 1963, giải qua nhiều địa ngục trần gian trong đó có “chuồng cọp” Côn Đảo nên tính cách vẫn ngây ngô, trong trẻo như cô gái 19 tuổi. Tóc thắt 2 bím, đôi chân thoăn thoắt, Thu Nguyệt vác bó củi to mà miệng vẫn líu lo hát ca.
Thấy những chú thỏ dễ thương ven rừng, cô chiến sĩ xin dừng lại bắt khiến đoàn không ai nhịn được cười. “Chim Sắt” Thu Nguyệt - 1 nữ biệt động mưu trí, gan dạ của đội 159 Biệt động Sài Gòn Gia Định, 1 chiến sĩ thi đua miền Nam với bao chiến công hiển hách được Bác Hồ khen ngợi - lại hồn nhiên như cô bé tuổi trăng tròn. Vị trưởng đoàn cứ nhìn cô vừa phê bình vừa cười: “Đồng chí này gì cũng được, chỉ có điều sao cứ kêu tui bằng… chú hoài!”.
Duyên nợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu úy Lê Thị Thu Nguyệt cùng đại tá Đỗ Khánh Vân bắt nguồn từ tình đồng chí trong chuyến vượt Trường Sơn như thế đó. Xinh tươi, vui vẻ lại nhanh nhẹn, giỏi giang, Thu Nguyệt lọt vào mắt xanh của nhiều chàng trai. “Chú trưởng đoàn” với tuổi đời hơn đến mười mấy “nồi nước xông” nên cơ hội khá xa.
Tuy nhiên, với quyết tâm bám trụ mục tiêu, “chú” đã đi đường vòng, vận động ba của cô. Bởi “chú” từng nghe cô tuyên bố “khi nào tôi gặp được ba tôi rồi hãy tính, ba kêu tôi ưng ai thì tôi ưng người đó”. Năm 1976, 2 người tổ chức lễ tuyên bố đơn sơ, ấm cúng tại Quân khu 7, đơn vị của chú rể.
“Hồi đó bà ở tù mười mấy năm, bà yếu hơn tui. Mấy chuyện này bà để tui làm cho” là câu nói quen thuộc của ông xuyên suốt mấy mươi năm tình sâu nghĩa nặng. Vẫn là ông oai phong, phương phi trong bộ quân phục; vẫn là ông cần mẫn, tỉ mỉ lau nhà, rửa chén, giặt đồ, nấu ăn… cho gia đình.
Quả thật, di chứng những trận đòn khảo tra của giặc trút lên cơ thể bé nhỏ nhưng gan góc của bà không chỉ là chuyện để kể, để tự hào, mà nó thực sự là nỗi đau, hằn sâu vào da thịt. Vì những trận đòn dã man của giặc như cho chó bẹc giê cắn xé, dội nước xà bông vào họng đến máu trào ra, đồng thời bị nhiễm chất độc da cam, bà phải gánh chịu đến 5 lần sẩy thai.
Mỗi lần bà báo tin có thai, ông hồ hởi, mừng rỡ, để rồi khi thất bại, ông giấu buồn rầu, thất vọng vào tiếng thở dài lúc một mình. “Mai mốt kiếm đứa khác, kiếm riết cũng được thôi em!” - lời ông an ủi, động viên, giúp bà nguôi ngoai và vững niềm hy vọng.
Vùng trời bình yên của “cánh chim sắt”
Đến 7 năm sau ngày ông bà chung sống, ông vào tuổi U60, bà U40, định xin con nuôi thì đứa con trai đầu lòng chào đời. Rồi vài năm sau, một hoàng tử nữa “oe oe” cho gia đình nhỏ thêm rộn ràng. Nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc khi ông xăng lăng, luýnh quýnh nuôi đẻ, bồng em bé, bà cười mà nước mắt chực trào. Chắc vì muốn bà ăn nhiều để lấy lại sức và đủ sữa cho con bú, ông nấu nồi cơm đầy đến nỗi bung nắp, phải lấy cục gạch giằn xuống mới chín được.
Ông xót xa cho bà với lần đầu bà sinh con, xe đưa vào nhà sinh lại tắt máy dọc đường, thời điểm đó ông đi học chính trị cao cấp ngoài Bắc, không có nhà. Rồi lần bà bệnh nan y, bà cũng tự ký tên trước khi lên bàn mổ. Chỉ có lần bà chuyển dạ cậu bé thứ hai, may mắn lúc ấy ông vừa đi làm về vội vã bế vợ đặt lên xích lô. Ở bệnh viện, lo cho “mẹ tròn con vuông”, ông mới nhận ra mình chỉ mang… một chiếc dép.
|
Vợ chồng bà Lê Thị Thu Nguyệt (ảnh chụp năm 1997) |
Dù ở vị trí là Phó chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình, TPHCM hay sau đó là cửa hàng trưởng Công ty Lương thực Tân Bình, bà đều rất vất vả, lo sổ sách, họp hội lại đi công tác thường xuyên. Ông vừa đi làm vừa tất tả đạp xe đưa đón bà, đưa đón con, lo việc nội trợ, dạy con học. Lâu lắm bà mới phải rước con nên hay căng thẳng. Bà mua mía hấp, mía ghim cho con ăn, nói chuyện suốt để con đừng buồn ngủ và dặn con dang chân để khỏi vướng vào căm xe.
Bà tranh thủ dệt, nuôi heo… kiếm thêm thu nhập. Sáng sớm, ông lên chợ Bà Quẹo mua rau về cho heo ăn. Lần heo nái bị con gì cắn chết, tiếc của, bà khóc. Lái buôn trả quá rẻ, bà nhờ người mổ để bưng thịt đi bán. Sáng bán ở chợ Tân Bình, còn dư thịt, bà đem luộc chiều qua chợ Ông Tạ bán tiếp. Chỉ lời được 3kg mỡ mà cả nhà mừng rơn.
Khen bà, ông thường nói lén với các con: “Mẹ bây anh hùng mà dịu dàng lắm, tế nhị, khéo léo nữa. Mẹ bây thêu thùa, vá may cũng giỏi, làm bánh trái cũng ngon. Hăng say làm việc xã hội mà vẫn chăm sóc gia đình. Mẹ ủi quần áo cho ba, chăm chút từng cái khăn lau mồ hôi đặt vào túi áo. Trong đời có được người vợ vừa ý như vậy còn mong gì hơn”.
Tuy vậy, có lúc bà đau bệnh, gắt gỏng, ông gửi chút hờn trong lời nhắc khéo: “Phải hồi đó bà vậy thì tui đâu có đeo theo bà làm chi!”.
Bà Thu Nguyệt chia sẻ: “44 năm tình đồng chí, nghĩa tào khang, chúng tôi đồng lòng chia sẻ với nhau từ hỗ trợ công tác đến giữ mình trước cám dỗ của cuộc sống hay giáo dục con cái. Vợ chồng quyết định bán nhà ở quận Tân Bình, mua lại căn nhà nhỏ hơn ở quận Phú Nhuận để dành tiền cho con ăn học. 2 con đều học chăm, hoàn thành chương trình thạc sĩ ở nước ngoài. Đỗ Khánh Vinh đang là giảng viên đại học, Đỗ Khánh Hiếu theo đuổi nghiệp kinh doanh.
Hạnh phúc hiện tại của tôi là sống cùng các con trai, con dâu hiếu thảo, luôn yêu kính, quan tâm mẹ và tự hào về truyền thống gia đình”.
Với bà, ông là bờ vai, là điểm tựa, là vùng trời dịu êm cho “cánh chim sắt” vươn dậy, tiếp tục góp sức giữa thời bình.
Dừng lâu khi giở đến những tập ảnh lưu niệm của gia đình, bà Thu Nguyệt cho biết từ ngày ông bệnh rồi mất vào năm 2020, sức khỏe bà cũng giảm sút.
Giờ đây, ở tuổi gần 80, bà cố gắng từng ngày tuân thủ điệp khúc mà “đồng chí chồng” vẫn nhắc: “Bà ở tù, bà yếu hơn tui, phải lo ăn uống, giữ gìn sức khỏe nhen bà!”.
Tô Diệu Hiền
Có giai đoạn cả ông xã rồi tôi đều nhận nhiệm vụ công tác nước ngoài, phải nhờ em gái tôi trông con giúp. Khánh Vinh nằm đêm cứ thao thức rồi hỏi má đâu, dì bảo má đi trực. Đêm thứ hai, thứ ba vẫn như thế. “Má trực gì mà lâu dữ!” - Khánh Vinh thắc mắc. Dì của Vinh kề tai, nói nhỏ: “Má đi công tác Campuchia rồi con. Dì nói nhỏ nhỏ, sợ kẻ trộm hay kẻ xấu nghe được, biết ba mẹ cùng đi vắng hết là nguy hiểm à”. Cậu bé tròn xoe mắt ngạc nhiên và thì thào: “Dì nói thiệt vậy thôi giờ con ngủ nhen!”. Gần tết, mãn chuyến công tác, tôi vội vã về thăm 2 con với món quà là trái dưa hấu bổ ra ruột trắng bạch vì non mà chúng vẫn reo mừng. Nghe em gái kể lại chuyện con trai ngóng trông mẹ đến nửa đêm không ngủ mà thương đứt ruột… Lê Thị Thu Nguyệt |