41 công nhân kể về nỗi kinh hoàng 17 ngày kẹt trong đường hầm ở Ấn Độ

29/11/2023 - 20:52

PNO - Vào lúc gần như đã mất hết hy vọng, 41 công nhân đã được giải cứu. Họ đã kể về nỗi kinh hoàng trong 17 ngày bị kẹt dưới đường hầm.

 

Thủ hiến Uttarakhand Pushkar Singh Dhami (trái) nói chuyện với một công nhân được giải cứu khỏi đường hầm bị sập hôm
Thủ hiến Uttarakhand Pushkar Singh Dhami (trái) nói chuyện với một công nhân được giải cứu 

“Chúng tôi thực sự sợ hãi, từng khoảnh khắc chúng tôi cảm thấy cái chết đang kề cận” - anh Deepak Kumar chia sẻ sau khi được giải cứu hôm 29/11.

41 công nhân được chào đón như những người hùng và được khoác những vòng hoa cúc vạn thọ màu cam trong tiếng reo hò cuồng nhiệt và những giọt nước mắt vui mừng của người thân.

“Thế giới lại trở nên tươi đẹp với chúng tôi” - anh Sabah Ahmad nói. Anh cho biết từng rất đau lòng khi nghe thấy giọng nói “lo lắng và vô vọng” của vợ khi anh bị mắc kẹt trong đường hầm.

Anh Ahmad, đến từ Bihar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, cho biết: “Tôi biết đó là thời điểm khó khăn với chúng tôi và gia đình. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã được giải cứu".

Vợ anh, chị Musarrat Jahan, nói “không từ ngữ nào” có thể miêu tả được cảm giác hạnh phúc của mình: “Không chỉ chồng tôi như có cuộc đời mới mà chúng tôi cũng có cuộc sống mới. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên thời khắc kinh hoàng vừa qua".

Các công nhân ăn mừng cuộc giải cứu khỏi đường hầm Silkyara bị sập. ẢNH: EPA-EFE
Các công nhân ăn mừng sau khi thoát khỏi đường hầm Silkyara 

Vào ngày 29/11, các công nhân đã được đưa bằng trực thăng đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe toàn diện và được chính quyền tiểu bang trao tấm séc trị giá 1.200 USD (bằng gần nửa năm lương) trước khi về nhà.

Hầu hết các công nhân là dân nhập cư. Nơi họ làm việc và gặp nạn là vùng cao dưới chân đồi Himalaya lạnh giá, cách nhà hàng trăm km.

Trong những giờ phút họ tuyệt vọng nhất, đội cứu hộ đã cố gắng thiết lập một tổng đài điện thoại để họ liên lạc, nói chuyện với gia đình nhằm giữ vững tinh thần.

“Tôi đã nói với gia đình rằng tôi ổn và khỏe mạnh, đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thôi, chúng tôi sẽ sớm ra ngoài. Nhưng đôi khi tôi có cảm giác rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ" - ông Kumar nói.

Bà Guriya Devi, vợ của ông Sushil Kumar, cho biết gia đình đã “trải qua thời gian khủng khiếp và đôi khi mất hết hy vọng”.

Anh Chamra Oraon, 32 tuổi, đến từ bang Jharkhand, nói về nỗi kinh hoàng khi anh nghe thấy tiếng động và trông thấy các mảnh vỡ, sau đó là anh và mọi người không còn lối thoát.

Ông Subodh Kumar Verma nói rằng 24 giờ đầu tiên trong đường hầm là điều tồi tệ nhất, khi họ lo sợ mình có thể chết ngạt và chết đói nếu không có đủ không khí.

“Tinh thần chúng tôi dần ổn định sau khi đội cứu hộ sử dụng một đường ống mỏng để đưa ô xy đến khu vực bị mắc kẹt. Sau khi thực phẩm được gửi qua đường ống, mọi thứ đã được cải thiện. Khi ăn miếng đầu tiên, chúng tôi cảm thấy có ai đó ở trên đã liên lạc với chúng tôi. Trong khi chờ cứu hộ, chúng tôi đã nói chuyện, giúp đỡ, động viên nhau và hy vọng đây là sức mạnh để sống sót" - ông Subodh Kumar Verma cho biết.

Thảo Nguyễn (theo India Express)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI