PNO - 40 tỷ đồng là số tiền mà đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Phú Hưng Long đã ký với Công ty CP Truyền thông và Du lịch An Tín để được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Thế nhưng, không may, vụ việc vỡ lở do bên nhận làm dịch vụ không thực hiện được, bị đối tác tố cáo đến cơ quan công an.
40 tỷ đồng “chạy” dự án kích cầu
Theo phản ánh của đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Phú Hưng Long (Công ty Phú Hưng Long), bà Châu Thị Kim Phụng, khoảng đầu năm 2017, biết tin TP.HCM đang có chương trình kích cầu vay vốn ưu đãi lãi suất khi đầu tư vào SHTP, Phú Hưng Long đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần Truyền thông và Du lịch An Tín (Công ty An Tín) về việc lập dự án đầu tư, xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại SHTP, tham gia chương trình kích cầu thông qua dự án đầu tư và vay vốn của tổ chức tín dụng. Giá trị hợp đồng là 40 tỷ đồng.
Để được hưởng gói hợp đồng này, phía Công ty An Tín phải bảo đảm cho Công ty Phú Hưng Long hoàn thành việc bảo vệ đề án xin chấp thuận đầu tư trước hội đồng thẩm định dự án. Đồng thời, Công ty An Tín chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục pháp lý để phía Công ty Phú Hưng Long được Ban Quản lý SHTP cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất E4 trong khu này với diện tích tối thiểu 60.000m2, giá thuê đất tối đa chỉ 50.285 đồng/m2/năm, thời hạn thuê 50 năm. Đây được xem là lô đất có vị trí đắc địa, tiếp giáp hai mặt tiền đường D1 và D2 trong SHTP, có mặt đường rộng từ 200 - trên 300 m.
Hợp đồng ký kết giữa Công ty Phú Hưng Long và Công ty An Tín để “chạy” dự án vào Khu Công nghệ cao TP.HCM
Bên cạnh đó, phía Công ty An Tín phải xin được chủ trương của UBND TP.HCM, phối hợp với tổ chức tín dụng lên phương án thẩm duyệt cho Công ty Phú Hưng Long được vay đầu tư dự án theo chương trình kích cầu.
Cụ thể, Công ty Phú Hưng Long phải được vay tối thiểu 900 tỷ đồng với lãi suất 0% kéo dài trong vòng 7 năm. Chưa hết, Công ty Phú Hưng Long phải được hưởng các ưu đãi về thuế gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, trong đó, miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; riêng thuế nhập khẩu và thuế VAT, công ty phải được miễn hoàn toàn.
Theo bà Phụng, ngay sau khi ký hợp đồng, phía Công ty Phú Hưng Long đã tạm ứng cho Công ty An Tín 1 tỷ đồng và hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ bổ sung, cung cấp các tài liệu, hồ sơ cho Công ty An Tín theo yêu cầu.
Thế nhưng, quá thời hạn thỏa thuận, phía Công ty An Tín vẫn không hoàn thành được các nhiệm vụ đã ký kết và có biểu hiện gian dối để chiếm đoạt tài sản. Công ty Phú Hưng Long nhiều lần gửi thông báo chấm dứt hợp đồng, đề nghị Công ty An Tín trả lại tiền và phạt vi phạm theo thỏa thuận nhưng công ty này không chịu thực hiện.
Có dấu hiệu lừa đảo
Trả lời về phản ánh của đại diện Công ty Phú Hưng Long, ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty An Tín - thừa nhận có ký hợp đồng trên, nhưng không vi phạm hợp đồng.
Theo ông Thọ, sau khi ký hợp đồng, công ty đã thành lập ban quản lý dự án để triển khai hợp đồng; công ty đã hoàn thiện hồ sơ tài trợ vốn dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao Phú Hưng Long.
Ông Thọ cho rằng, Công ty Phú Hưng Long đã vi phạm một số thỏa thuận trong hợp đồng như: không đáp ứng đầy đủ tài liệu để phục vụ việc thực hiện dự án; không cung cấp được nghị quyết đại hội cổ đông về việc đồng ý chủ trương đầu tư vào dự án...
Tuy nhiên, theo bà Phụng, Công ty Phú Hưng Long không thực hiện tiếp các yêu cầu của Công ty An Tín là do An Tín vi phạm hợp đồng kéo dài mà không khắc phục được. Bên cạnh đó, trong thời gian này, bà và ban lãnh đạo công ty đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý SHTP thì nơi đây cho biết, phía An Tín chưa từng liên hệ trao đổi hay nộp hồ sơ xin đầu tư dự án cho Công ty Phú Hưng Long. Điều này cho thấy, Công ty An Tín đã có dấu hiệu lừa đảo.
Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM - khẳng định không nhận bất kỳ hồ sơ nào từ Công ty An Tín xin đầu tư dự án cho Công ty Phú Hưng Long
Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý SHTP - khẳng định: “Đến nay, SHTP chưa nhận bất kỳ hồ sơ nào từ Công ty An Tín xin chủ trương đầu tư dự án cho Công ty Phú Hưng Long tại khu công nghệ cao”.
Theo ông Quốc, khu đất mà Công ty An Tín hứa xin dự án cho Công ty Phú Hưng Long rộng khoảng 22,22 ha. Trong đó, hiện ban quản lý đã cấp cho Trường đại học Fulbright 15 ha, cấp cho Trung tâm Quản lý điều hành 3,5 ha, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học sự sống hơn 3 ha. Như vậy, quỹ đất khu vực này hầu như không còn, nên việc Công ty An Tín hứa “chạy” dự án cho Công ty Phú Hưng Long vào SHTP có diện tích 6 ha là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, ông Quốc cho rằng, việc Công ty An Tín cam kết cho Công ty Phú Hưng Long vay 900 tỷ đồng vốn ưu đãi từ chương trình kích cầu với lãi suất 0% trong vòng 7 năm là chuyện viển vông, không thể xảy ra, bởi các dự án ở đây đều thuộc dạng công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, UBND TP.HCM chỉ có thể hỗ trợ kích cầu đầu tư tối đa khoảng 100 tỷ đồng.
Từ khi thành lập SHTP đến nay, chỉ có một doanh nghiệp có hạn mức vay vượt mức này với nguồn vốn vay được UBND TP.HCM cấp tối đa là 236 tỷ đồng, đó là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho Samsung. Vì vậy, việc làm của Công ty An Tín là có dấu hiệu lừa đảo.
Theo ông Quốc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc và Ban Quản lý SHTP cam kết sẽ phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ việc trên.