Tôi đang loay hoay không biết trao đổi với bà Hương bằng cách nào thì chồng bà liền chìa ra một tờ giấy có dòng chữ: “Tôi là Vũ Văn Vực, sinh ngày 27/6/1956”. Cuộc trò chuyện của tôi với ông diễn ra trên mặt giấy A4.
Hai mảnh ghép đặc biệt
Trời về chiều, cánh xe ôm ở khu vực cầu Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM đổ dồn ánh mắt về hướng căn nhà rộng chừng 6m2 ở dưới chân cầu. Ở đó, có đôi vợ chồng đang trò chuyện với nhau bằng tay (thủ ngữ). Người chồng vung tay nhoay nhoáy kể, người vợ cười tít mắt. Ở khu vực này, nhiều người biết và ngưỡng mộ chuyện tình của họ.
|
Ông Vực và vợ ôn lại kỷ niệm về những chuyến đi chơi xa |
Ông Vực năm nay 64 tuổi; bà Trần Thị Thu Hương - vợ ông - kém ông một tuổi. Hai người quen nhau từ hồi 5-6 tuổi, cưới nhau đã tròn 40 năm. Ông Vực quê ở tỉnh Nam Định, gia đình ông vào Nam những năm 1950. Bà Hương rời quê Bến Tre từ khi còn nhỏ. Năm 1962, họ gặp nhau trong một trường dành cho học sinh câm điếc ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Chín năm học ở ngôi trường này đã kết nối hai mảnh ghép đặc biệt với nhau.
Ông Vực viết lên tờ giấy: “Tôi biết viết chữ”. Rồi chỉ sang người vợ mình, viết chữ “không”, khoanh tròn lại. May mắn là sau chín năm học ở trường, ông Vực đã biết đọc và viết thành thạo. Thương chàng trai khuyết tật nghèo khó, người ta hướng dẫn ông Vực đi học nghề sửa xe và cái nghề này đã nuôi sống ông suốt mấy chục năm nay.
Rời trường năm 1971, bà Hương cũng chuyển đi nhiều nơi sinh sống. Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, có một thời gian dài, bà và ông Vực mất liên lạc với nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, hai người may mắn gặp lại nhau ở TP.HCM. Lúc này, ông Vực đã là một chàng thanh niên khỏe mạnh, còn bà Hương cũng là một thiếu nữ đẹp. Năm 1980, đám cưới hai người diễn ra với sự chúc phúc của nhiều bạn bè trong lớp dành cho học sinh khuyết tật năm xưa.
Sau đám cưới, với cái nghề đã học được từ trước, ông Vực đi nhiều nơi mở tiệm sửa xe để mưu sinh. Cách đây hơn mười năm, vợ chồng ông dùng số tiền tích cóp được mua một căn nhà nhỏ dưới chân cầu Phạm Văn Chí. Khi được hỏi về tổ ấm “tí hon”, ông Vực đưa tay chỉ vào căn nhà, vẽ một vòng tròn lớn, sau đó thu hẹp vòng tròn lại.
Người thân ông Vực giải thích, trước đây, căn nhà này có diện tích gần 60m2. Về sau, gia đình ông đã bàn giao một phần lớn diện tích đất để Nhà nước làm đường nên căn nhà bây giờ chỉ còn lại chừng 6m2. Căn nhà bé lại, nhưng hạnh phúc nhân đôi khi vợ chồng ông đã có với nhau hai người con trai khỏe mạnh và hai đứa cháu nội ngoan ngoãn, quây quần bên nhau sớm tối.
Mơ ước giản đơn
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, ông Vực chỉ viết ra giấy vỏn vẹn hai chữ “hạnh phúc” rồi quay sang nhìn vợ, nở nụ cười ấm áp. Công việc sửa xe ở chân cầu Phạm Văn Chí cho thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000 đồng. Theo ông, mức thu nhập này là “đủ ăn, sống”. Còn vợ ông, do đã cao tuổi nên chỉ ở nhà chăm cháu, nấu cơm và phụ giúp ông bơm, vá xe.
Giữa cuộc “trò chuyện”, người đàn ông 64 tuổi viết “sức khỏe” rồi nắm bàn tay lại, đưa ngón tay cái lên, ý nói mình còn khỏe mạnh và có thể làm việc để nuôi vợ.
Trời sập tối, ông Nguyễn Văn Công Hiệp - hàng xóm của ông Vực - đi làm về, ghé đến chơi. Ông Hiệp ra dấu bằng tay, ý hỏi: “Tháng tới, có chở vợ đi du lịch ở đâu không?”. Ông Vực đăm chiêu một hồi rồi lắc đầu. Hiểu ý người hàng xóm, ông Hiệp viết dòng chữ động viên: “Thôi không sao, khi nào có điều kiện, lại chở bả đi”.
Ông Hiệp cho biết, điều ông ngưỡng mộ nhất ở vợ chồng ông Vực là dù có khiếm khuyết nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Hơn mười năm sống ở đây, ông hiếm khi thấy vợ chồng ông Vực giận nhau. Họ cũng có vài lần cãi nhau, bà Hương bỏ vào nhà, ông Vực ra ngồi một mình ở gần chiếc máy bơm xe. “Vợ chồng ổng ngồi giận nhau chừng mấy phút, lại làm hòa, tươi cười với nhau. Hổm rày bận hay sao đó, chứ dạo trước ổng hay chở vợ đi du lịch lắm, đi khắp nơi luôn” - ông Hiệp nói.
|
Bà Hương sống hạnh phúc bên người chồng cùng cảnh ngộ suốt 40 năm |
Quay sang chỗ ông Vực, tôi viết dòng chữ: “Chú đưa cô đi du lịch được những nơi nào rồi?”. Ông Vực chỉ sang chiếc xe 50 phân khối của mình rồi viết ra hàng loạt địa danh như: Vũng Tàu, Châu Đốc, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre… Đi máy bay đến Huế, Đà Nẵng.
Ông Vực cho biết, mỗi lần đi chơi xa, cũng hơi bất tiện. Ở nơi không có người quen, ông thường giao tiếp qua giấy nên đi đâu ông cũng mang theo một cây viết, xem đó là vật bất ly thân để ông giao tiếp với mọi người. Kể đến đây, vẻ mặt ông Vực bỗng nhiên bớt hào hứng. Ông cho biết, từ đầu năm đến nay, ông chưa đưa vợ mình đi du lịch được. Một phần do dịch COVID-19 hoành hành, phần vì các con đi làm nên vợ chồng ông phải ở nhà trông coi tiệm sửa xe.
“Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ đi du lịch và thăm bạn bè. Lâu nay không đi, để bà ấy loanh quanh trong nhà thôi. Bà ấy không biết chạy xe máy nên muốn đi xa, tôi phải chở” - ông Vực chia sẻ bằng chữ. Ông Vực cho biết, những ngày tháng cuối đời, ông chỉ mong có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ đến thăm, ôn lại những kỷ niệm ở trường học ngày xưa. “Bạn tôi đông lắm, ở khắp nơi” - ông Vực viết ra giấy, khoe.
Hàng xóm ông Vực cho biết, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Vực thường xuyên đón các vị khách ở xa đến, có cả người nước ngoài. Hầu hết họ là người câm điếc, có lẽ là bạn cùng trường cũ của vợ chồng ông. Họ chuyện trò với nhau bằng thủ ngữ rồi cười.
Ông Vực thường xuyên khoe với mọi người hình ảnh vợ chồng mình trong những chuyến đi chơi, những cuộc họp mặt với bạn bè. Sau đó, ông chỉ tay vào trái tim để diễn tả nỗi niềm của mình với những kỷ niệm trong từng bức ảnh.
|
Ông Vực mở điện thoại trò chuyện với bạn qua ứng dụng Messenger của Facebook |
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Vực lấy điện thoại, mở Facebook lên, khoe danh sách hàng ngàn bạn bè của mình. Đó là những người bạn học cũ hoặc những người cùng cảnh ngộ mà vợ chồng ông có duyên quen biết trong những năm qua.
Mỗi khi buồn, ông mở ứng dụng Messenger là có thể trò chuyện với bạn bè ở khắp nơi. Ông viết ra giấy “sức khỏe”, “bạn bè” rồi khoanh tròn bốn chữ này. Đó là niềm vui và mơ ước lớn nhất của vợ chồng ông xưa nay.
Sơn Vinh
Bài 2: Tình yêu ở ngôi nhà giữa sông