40% giá trị sản xuất của ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số thời tiết

28/05/2024 - 18:14

PNO - Chiều 28/5, tại Tổng lãnh sự quán Úc tại TPHCM, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã công bố báo cáo Nông nghiệp chống chịu thời tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây là nghiên cứu độc quyền nhằm xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ĐBSCL chống chịu trước rủi ro thời tiết.

Sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết giúp bảo vệ nông dân khỏi các tác động của hiện tượng khí hậu cực đoanKhoảng 40% tổng giá trị sản xuất của ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số thời tiết - Ảnh: DFAT
Sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết giúp bảo vệ nông dân khỏi các tác động của hiện tượng khí hậu cực đoan - Ảnh: DFAT

ĐBSCL là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL có giá trị trên 6,8 tỉ USD. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với rủi ro khí hậu nghiêm trọng, như mưa gió thất thường, nhiệt độ cao, bão và hạn hán. Sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết giúp bảo vệ nông dân khỏi các tác động của hiện tượng khí hậu cực đoan.

Quyền lợi bảo hiểm được kích hoạt tự động chi trả dựa trên các chỉ số thời tiết như lượng mưa, nhiệt độ mà không phải mất thời gian đánh giá thiệt hại.

Cách thức này cho phép nông dân, người nuôi trồng thủy sản được đền bù để phục hồi sản xuất sớm nhất ngay sau thiên tai.

Báo cáo của các công ty Úc, Nhật và DFAT còn phân tích bối cảnh nông nghiệp ở ĐBSCL, nhấn mạnh rằng lúa gạo, xoài, sầu riêng và tôm là những mặt hàng phù hợp nhất với bảo hiểm chỉ số do tính nhạy cảm trước các rủi ro khí hậu.

Khoảng 40% tổng giá trị sản xuất của ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số thời tiết. Với tỉ lệ bao phủ còn thấp, loại hình bảo hiểm này có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong tương lai, đồng thời để khai thác triệt để tiềm năng này, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về việc nâng cao nhận thức của nông dân, giúp họ tin tưởng và áp dụng bảo hiểm chỉ số thời tiết trong quy trình sản xuất. Hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu về lợi ích của sản phẩm bảo hiểm này.

Đây là một phần của dự án hợp tác giữa DFAT và các doanh nghiệp Úc, Nhật trong khuôn khổ chương trình Nền tảng đối tác kinh doanh (BPP), nhằm phát triển và thúc đẩy các giải pháp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu cụ thể của nông dân ĐBSCL. Một hợp phần quan trọng nữa của dự án là thúc đẩy khả năng tiếp cận bảo hiểm của các nông hộ nhỏ do phụ nữ làm chủ, các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu nhưng thiếu nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI