4 thông tin cần quan tâm trên nhãn dinh dưỡng

04/06/2017 - 22:28

PNO - Nhiều người nội trợ bận rộn thường lựa chọn thực phẩm đóng gói sẵn cho bữa ăn gia đình. Những lúc ấy, điều bạn cần quan tâm chính là hạn sử dụng và thành phần dinh dưỡng in trên bao bì thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lựa chọn tiêu dùng tốt nhất vẫn luôn là những sản phẩm không có nhãn bao bì, bao gồm trái cây, rau cải, thảo mộc, hải sản tươi sống tại chợ, hay bánh mì ngũ cốc nguyên hạt từ tiệm bánh địa phương. Tuy nhiên, nếu bạn phải sử dụng thực phẩm đóng gói, hãy đọc kỹ thành phần dinh dưỡng của món hàng trước khi bỏ vào giỏ thanh toán.

Theo Jennifer Glockner, chuyên gia dinh dưỡng gia đình từ Mỹ, “nhãn thực phẩm là công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn thông minh”. Hơn nữa, cô Jennifer và các đồng nghiệp còn tiết lộ những điều cần chú ý nhất trên nhãn dinh dưỡng để mọi người tiết kiệm thời gian mua sắm.

4 thong tin can quan tam tren nhan dinh duong
Người nội trợ nên xem kỹ nhãn thực phẩm trước khi đưa ra lựa chọn.


Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng thực phẩm nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Nhiều mặt hàng chế biến sẵn thêm đường để tăng hương vị, hạn dùng hay nhằm thay thế chất béo.

Không chỉ bánh kẹo, bánh quy và nước giải khát mới chứa đường, thành phần này cũng có thể ẩn trong nước xốt spaghetti, thanh năng lượng, xốt cà chua và xốt barbeque.

Dư thừa đường trong chế độ ăn dễ dẫn đến tăng cân, bệnh tiểu đường và bệnh tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra hướng dẫn: lượng calo từ đường phải thấp hơn ½ nhu cầu năng lượng mỗi ngày, tương đương mức giới hạn 6 muỗng cà phê ở nữ và 9 muỗng cà phê ở nam giới.

4 thong tin can quan tam tren nhan dinh duong

Thông thường, bạn chỉ tìm thấy tổng lượng đường trên nhãn dinh dưỡng, trong đó gồm cả loại đường quả tự nhiên ở một số mặt hàng như trái cây. Ngoài ra, hãy để ý đến nhiều dạng khác nhau của đường bao gồm dextrose, corn syrup, mật ong, mật mía, maltose, sucrose và fructose.

2. Chất béo chuyển hóa

Các loại dầu đã hydro hóa một phần, hay còn gọi là chất béo chuyển hóa (trans fat), dễ làm tăng cholesterol “xấu” LDL và giảm cholesterol “tốt” HDL. Từ đó, trans fat đẩy nhanh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

4 thong tin can quan tam tren nhan dinh duong

Trong khi một số nhà sản xuất cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi sản phẩm, Adrienne Youdim, giám đốc Trung tâm Weight Loss and Nutrition ở Beverly Hills, cảnh báo rằng chất béo chuyển hóa vẫn tồn tại trong nhiều đồ ăn nhẹ hay bánh ngọt đóng gói sẵn; và dù nhãn dinh dưỡng đề “0 gram”, thức ăn có thể chứa một lượng nhỏ trans fat. Đó là lý do tại sao người tiêu dùng nên đọc kèm danh sách thành phần để tìm cụm từ “dầu hydro hóa một phần”.

3. Chất béo bão hòa

Không giống như chất béo chuyển hóa, bạn cần một ít chất béo bão hòa nhưng không phải quá nhiều. Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng nên dùng một ít vẫn tốt hơn. Lisa Dierks, nhà quản lý dinh dưỡng của chương trình Mayo Clinic Healthy Living ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ) cho biết: “Chất béo bão hòa nên chiếm dưới 10% lượng calo hằng ngày. Chúng cần được thay thế bằng chất béo đơn hoặc chất béo không bão hòa đa nhằm làm giảm mức cholesterol LDL và hạ thấp tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch”.

4. Sodium

Dư thừa Sodium (natri) thường dẫn đến tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ chính cho bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh thận. Ngay cả nếu bạn hiếm khi cho thêm muối vào thực phẩm, lượng natri tiêu thụ vẫn có thể vượt mức an toàn.

“Đa số người tiêu dùng đón nhận khoảng 70% natri từ thực phẩm chế biến sẵn”, Jennifer Glockner nói. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người lớn khỏe mạnh nên hạn chế lượng muối ăn vào khoảng 2300 mg, tương đương một muỗng cà-phê muối mỗi ngày.

4 thong tin can quan tam tren nhan dinh duong

Kiểm tra hàm lượng natri trên nhãn thực phẩm là điều cần nhớ, nhưng đồng thời bạn cũng phải chú ý đến kích cỡ phần ăn. Stephanie Dunne, chuyên gia dinh dưỡng tại New York (Mỹ) nói: “Thông thường, chúng ta đọc thông tin dinh dưỡng mà không nhận ra rằng thông tin đó chỉ dựa trên kích cỡ khẩu phần liệt kê ở đầu nhãn”.

Chẳng hạn món xúp đóng hộp ghi rằng một phần ăn chứa 33% lượng natri dùng hằng ngày, và vì vậy bạn an tâm bỏ chúng vào giỏ hàng. Vấn đề nằm ở chỗ hầu hết mọi người đều không nhận ra rằng một hộp xúp tương đương hai phần ăn. Do đó, bạn cần nhân hàm lượng natri (chất béo hoặc đường) với số lượng khẩu phần tiêu thụ để đưa ra quyết định chính xác.

Bảo Tùng (Theo Prevention)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI