4 ngọn núi được dân trekker yêu thích ở Đông Nam bộ

19/10/2020 - 16:51

PNO - Nếu cung đường Tà Năng, núi Chứa Chan cần đến 2 ngày để hoàn thành thì với núi Dinh, núi Bà Đen, bạn có thể đi về trong ngày.

d
Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cao 500m thuộc phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) và một phần phường Long Hương (TP. Bà Rịa). Tên ngọn núi nhằm tưởng nhớ công ơn của người đã có công khai phá vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu là ông Nguyễn Văn Dinh.
a
Độ cao chỉ 500m so với mực nước biển nên cung đường trekking của ngọn núi này được nhiều hãng lữ hành mở rộng độ tuổi thành viên tham gia - trẻ em từ 10 tuổi cũng có thể chinh phục núi. Để lên đỉnh núi Dinh (đỉnh La Bàn), các trekker phải vượt qua hầu hết các thử thách như lội suối, đi đường rừng... tuy nhiên, đều là thử thách nhỏ, ngắn và khá đơn giản.
a
"Tuy cũng là trekking, nhưng cung đường chinh phục núi Dinh khá ngắn, các thử thách cũng đơn giản nên đây có thể xem là bước khởi đầu, làm quen cho những ai yêu thích bộ môn thể thao này", anh An Bùi, Phó giám đốc một hãng lữ hành chuyên tổ chức Phototour nhận định.
bara
Núi Bà Rá cao 736m, nằm ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này là “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi Thần”. Ảnh: Binhphuoc Portal
ba ra

Hành trình chinh phục núi Bá Rá được chia làm hai đoạn: Có thể chạy xe máy hay ô tô từ chân núi lên đồi Bằng Lăng (nằm ở khoảng 1/5 độ cao so với đỉnh); Từ đồi Bằng Lăng, du khách sẽ chinh phục 1.767 bậc đá để lên đến đỉnh Bà Rá. Ảnh: Binhphuoc Portal

hhh
Gần 2.000 bậc thang không phải là con số nhỏ, tuy nhiên, bù lại cho sự vất vả này là dọc đường đi, bạn có thể chiêm ngưỡng rừng tre, trúc và các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, là không gian thoáng đãng trên đỉnh núi; cái mát lạnh của không khí trên cao cùng góc nhìn toàn cảnh về thành phố Đồng Xoài. Ảnh: Facebook Sức Sống Phước Long.
Núi Chứa Chan còn có tên gọi khác là núi Gia Ray, Gia Lào, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Với độ cao 837m, Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai của Đông Nam bộ. Ảnh: Nguyễn Huy

Để chinh phục Chứa Chan, có hai con đường chính: đường "cột điện" và đường chùa. Để đi theo hướng đường chùa, bạn sẽ theo cầu thang lên hướng chùa Bửu Long, men theo lối sau chùa, lên núi. Điểm trừ là nếu không có người dẫn đường có kinh nghiệm, bạn sẽ dễ bị lạc. Cung đường cột điện đơn giản và dễ đi hơn - cứ men theo cột điện và dây điện là lên đến đỉnh. Ảnh: Nguyễn Huy

chứa chan

Thời gian trung bình để chinh phục núi Chứa Chan từ 3-4 tiếng. Đó cũng là lý do, nhiều trekking chuyên nghiệp chọn chinh phục núi trong một ngày. Bên cạnh đó, cũng có một số trekking thích săn mây, cảm nhận cái lạnh về đêm trên đỉnh núi nên sẽ ở lại cắm trại qua đêm. Ảnh: Nguyễn Huy.

Sở hữu độ cao 986m, núi Bà Đen (Tây Ninh) được mệnh danh là “Nóc Nhà Đông Nam bộ”, “Đệ Nhất Thiên Sơn”...
Với sự xuất hiện của hệ thống cáp treo, việc lên đỉnh núi không còn quá khó khăn với du khách. Tuy nhiên, với người yêu thích đi bộ leo núi, chinh phục núi Bà Đen bằng đường bộ vẫn được nhiều người lựa chọn.
Theo giới trekking chuyên nghiệp, có đến bảy cung đường trekking, leo núi Bà Đen, gồm đường chùa, đường cột điện, đường ống nước, đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Phụng, đường đá trắng và đường Hồ Chí Minh. Mỗi đường có ưu và khuyết điểm riêng. Trekker sẽ lựa chọn cung đường phù hợp hoặc có thể lần lượt khám phá cả 7 cung đường trên, xem như đã hoàn thành chinh phục đỉnh núi.

Uyên Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI