Bộ Y tế quy định, từ ngày 1/3/2018, trong đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số chứng minh nhân dân của cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Bệnh viện chộn rộn sửa đổi phần mềm
Ngay từ ngày 1/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện thu thập số chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) của phụ huynh khi đưa trẻ đến khám. Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã tập huấn cho nhân viên và cài đặt phần mềm để tiếp nhận dữ liệu mới vào toa thuốc bệnh nhi. Nhưng nếu cha mẹ hoặc người giám hộ không cung cấp số chứng minh nhân dân, bác sĩ vẫn khám bệnh, cho toa thuốc bình thường, chứ không cứng nhắc.
“Chúng tôi không thể từ chối tiếp nhận hoặc khám mà không cho toa thuốc, lỡ bệnh nhi bệnh nặng hơn sẽ nguy hiểm. Mặt khác, người nhà bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 phần lớn ở tỉnh lên, nhiều người không có thói quen mang theo chứng minh nhân dân hoặc không nhớ được số chứng minh nhân dân. Hoặc trong trường hợp đưa trẻ đi cấp cứu, làm gì có ai đủ tâm trí để đi kiếm chứng minh nhân dân mang theo”, bác sĩ Liên chia sẻ.
|
Cảnh xếp hàng chờ khám bệnh tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Chưa biết khi phải cung cấp số chứng minh nhân dân thì hàng chờ đợi này còn dài thêm bao nhiêu nữa. |
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết nơi đây vẫn chưa thực hiện quy định mới theo Thông tư 52 của Bộ vì phải chờ cài đặt lại phần mềm để bổ sung thêm thông tin về số thẻ căn cước. Theo bác sĩ Thu, quy định mới này sẽ mang lại nhiều phiền hà hơn.
Một bác sĩ ở khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định: “Bộ quy định bác sĩ sẽ làm; tuy nhiên thời gian nhập số thẻ căn cước khiến tình trạng quá tải càng khủng khiếp. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 5.000 – 6.000 trẻ đến khám, vào mùa nóng lên đến 7.000 ca. Do đó, khi áp dụng quy định này người bệnh sẽ rồng rắn xếp hàng chờ… cung cấp số chứng minh nhân dân”.
Phụ huynh bất ngờ... đến hoang mang
Thử hỏi vài phụ huynh đưa trẻ đến khám tại 2 bệnh viện nhi của TP.HCM, phóng viên đều nhận được câu trả lời: “Khám bệnh mà cũng mang theo chứng minh thư?”, “Lo đưa con đi khám bệnh, chứ làm sao lo tìm thẻ căn cước”, “Tôi không biết đi khám bệnh phải mang theo chứng minh nhân dân”...
Bà Nguyễn Thị Tư (43 tuổi, ở Đắk Lắk) đưa cháu gái 39 tháng tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bà đi xe đò ẵm theo cháu đi khám viêm tai giữa nên không mang theo chứng minh nhân dân.
Khi chúng tôi hỏi bà có biết quy định mới nà không, bà thở hắt ra, mệt mỏi: “Đưa bé đi khám bệnh không lẽ quên mang theo chứng minh nhân dân thì quay về nhà lấy sao. Nhà tôi ở tỉnh, lấy sao được. Cầm chứng minh đi bệnh viện làm gì, nhiều khi vào bệnh viện bị móc túi thì sao. Để tới Sài Gòn, phải đi từ tối hôm qua, ngồi vật vạ trên xe đò đã lắm mệt mỏi rồi, sao còn đặt ra quy định gì nữa?”.
Tương tự, anh Trần Quốc Trí (nhà ở quận Bình Tân) dẫn con trai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cảm thấy rắc rối: “Bệnh viện đã quá tải mà đi khám còn phải cung cấp giấy chứng minh thì quá phiền phức. Quy định này không cần thiết, nên bỏ. Bữa nay tôi cũng không mang theo chứng minh nhân dân vì đi taxi mà”.
|
Đơn thuốc tại các bệnh viện nhi của TP.HCM hiện nay có rất nhiều thông tin đầy đủ của gia đình, kể cả số điện thoại liên lạc. |
Quy định mới của Bộ Y tế đã mang lại nhiều thắc mắc. Câu hỏi mà các bác sĩ và cả lãnh đạo bệnh viện đặt ra nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng; đó là tại sao phải lấy cho được số chứng minh nhân dân của người giám hộ khi đưa trẻ đi khám bệnh?
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Trưởng phòng khám liên chuyên khoa, Trung tâm y tế quận 3 (TP.HCM) cho rằng, để gọi là người giám hộ thì phải có giấy tờ xác nhận có tính pháp lý. Bác sĩ chỉ làm công việc khám bệnh chứ không lẽ lại đi kiểm tra xem tính hợp pháp của người đưa trẻ đi bệnh viện?
Còn theo bác sĩ Lê Bích Liên, trên thực tế người đưa trẻ đến khám chủ yếu là cha, mẹ nhưng vẫn có trường hợp ông bà hoặc chú bác cô dì hoặc có khi chỉ là người giúp việc. “Trong trường hợp này, chúng tôi không thể kiểm tra giấy tờ để biết họ có phải là người giám hộ đã đúng pháp luật hay chưa. Chúng tôi chỉ ghi nhận số chứng minh nhân dân của người trực tiếp đưa trẻ đến khám”.
|
BV Nhi đồng 1 tiếp nhận rất nhiều trường hợp ở tỉnh đến để khám và điều trị |
Bác sĩ cũng không hiểu được mục đích của quy định mới
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ông không thể nào hiểu được mục đích thật sự của việc phải cung cấp số chứng minh nhân dân vào toa thuốc cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi (6 tuổi) là như thế nào.
“Có lẽ quy định này ra đời để kiểm soát việc lạm dụng bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Có thể nhà quản lý sợ phụ huynh dùng thẻ bảo hiểm của bé này để khám cho bé khác. Còn chuyện dùng số căn cước để quản lý chuyện kê đơn thuốc có kháng sinh thì thấy không liên quan”.
Còn bác sĩ Lê Bích Liên cho rằng: “Có thể quy định mới này của Bộ Y tế nhằm làm tăng tính an toàn, giảm lạm dụng kê kháng sinh hoặc làm tăng trách nhiệm của thầy thuốc khi kê toa. Nếu nói về trách nhiệm của bác sĩ khi kê toa thuốc thì quy định này hoàn toàn không cần thiết. Vì trong toa thuốc của bệnh viện luôn có số điện thoại của người nhà. Khi cần hướng dẫn về toa thuốc, bác sĩ sẽ liên lạc theo số điện thoại này, chứ đâu có ai dùng số chứng minh để liên lạc với gia đình”.
|
Khám bệnh và mua thuốc tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) |
Phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM đã liên lạc và nhận được câu trả lời của ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế về vấn đề này.
Ông Cao Hưng Thái cho biết: “Không tự nhiên mà Bộ Y tế lại đưa ra quy định này. Quy định không ảnh hưởng về vấn đề chuyên môn hay kinh tế mà nó điều chỉnh về pháp lý giữa người thầy thuốc và người bệnh; với người đại diện người bệnh.
Việc ghi rõ họ tên và số chứng minh nhân dân người đưa trẻ đến khám chính là để dự liệu cho những xung đột sau này. Vì trên thực tiễn đã có xung đột về pháp lý giữa người kê đơn và người nhà bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em dưới 72 tháng tuổi.
Sau này nếu có tranh chấp về chuyện ai là người đưa trẻ đi khám bệnh, trách nhiệm dùng thuốc không đúng thuộc về ai thì sẽ có cơ sở pháp lý để giải quyết. Bác sĩ kê đúng rồi nhưng về sử dụng thuốc không đúng, lúc đó ai chịu trách nhiệm với trẻ?”
Cũng theo ông Thái, quy định này còn để đảm bảo trách nhiệm với trẻ em của gia đình trong chuyện đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh. Còn trước đây, có khi trẻ đến khám là bác sĩ kê ngay kháng sinh trong khi không cần thiết.
Tức là trách nhiệm người thầy thuốc đứng trước bệnh nhân quá đơn giản. Sau này, nếu thanh tra kiểm tra chỉ dựa vào đây để xem xét xử phạt. Nếu sai về nhà thuốc thì nhà thuốc chịu, sai về bác sĩ thì bác sĩ chịu.
Hiếu Nguyễn