4 lý do có thể khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ giảm mạnh

15/02/2021 - 19:20

PNO - Dù số ca mắc COVID-19 và nhập viện đều giảm, nhưng dự báo trong vòng ba tháng rưỡi sắp tới sẽ có thêm 130.000 người Mỹ tử vong vì đại dịch. Đây là dự báo mới nhất của Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe Đại học Washington (IHME).

Mặc dù số ca nhiễm và nhập viện đều giảm, nhưng dự báo trong vòng ba tháng rưỡi sắp tới sẽ có thêm 130.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19 - Ảnh: CNN
Mặc dù số ca nhiễm và nhập viện đều giảm, nhưng dự báo trong vòng ba tháng rưỡi sắp tới sẽ có thêm 130.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19 - Ảnh: CNN

Trong khi các con số của đại dịch có thể đang đi theo đúng xu hướng, nghiên cứu của IHME - công bố tại cuộc họp báo giới thiệu mô hình dự báo hôm 14/2 - cho biết có 4 yếu tố chính sẽ quyết định cách thức diễn biến của dịch bệnh trong vài tháng tới.

Hai yếu tố đầu tiên có thể sẽ giúp số lượng các ca nhiễm đi xuống là: Tăng chủng ngừa và dịch bệnh giảm độc tính theo mùa - mô hình lây truyền thấp hơn ở Mỹ thường trong những tháng mùa xuân và mùa hè. Nhóm nghiên cứu của IHME cho biết: “Hai yếu tố trên có thể làm chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược sự sụt giảm đã bắt đầu”.

Yếu tố thứ ba, là sự lây lan của biến chủng B.1.1.7, được xác định lần đầu tiên ở Vương quốc Anh và các chuyên gia cảnh báo có thể trở thành chủng virus thống trị ở Mỹ vào mùa xuân. Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố hôm 14/2 cho thấy hơn 1.173 ca nhiễm chủng virus Anh đã được phát hiện tại 39 tiểu bang nước Mỹ.

Yếu tố quan trọng thứ tư, theo nhóm IHME, là "gia tăng các hành vi có lợi cho việc lây truyền COVID-19”.

Nhóm nghiên cứu giải thích yêu tố này như sau: “Sự lây truyền virus đã được ngăn chặn trong mùa đông nhờ người dân đeo khẩu trang, giảm vận động và tránh các cơ sở có nguy cơ cao như ăn uống trong nhà hàng. Khi số ca bệnh hàng ngày giảm đi và việc tiêm chủng tăng lên, các hành vi bảo vệ cá nhân có thể thay đổi theo hướng tăng nguy cơ lây truyền”.

Một y tá tiêm vắc-xin COVID-19 tại Kedren Health ở Los Angeles - Ảnh: CNN
Một y tá tiêm vắc-xin COVID-19 tại Kedren Health ở Los Angeles - Ảnh: CNN

Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng bây giờ không phải là lúc nước Mỹ mất cảnh giác, ngay cả khi danh sách các tiểu bang nới lỏng các hạn chế COVID-19 ngày càng tăng.

Tiến sĩ Leana Wen - chuyên gia phân tích y tế của CNN - hôm 14/2 cho biết con số ca nhiễm giảm đi là một tin tốt, nhưng cô rất lo ngại về biến chủng mới (B.1.1.7), “sau khi có thông tin về sự lan truyền bùng nổ của biến chủng dễ lây lan hơn này”.

Tiến sĩ Wen đặc biệt lưu ý đến các biện pháp đối phó bao gồm tăng cường tiêm vắc-xin, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Ngoài biến thể B.1.1.7, hôm 14/2, CDC lưu ý đến 17 trường hợp nhiễm virus chủng B.1.351 - được phát hiện ban đầu ở Nam Phi - đã xuất hiện ở 7 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C. Ngoài ra, còn có hai ca nhiễm thuộc chủng P.1 - đầu tiên được phát hiện ở Brazil - một ở Minnesota và một ở Oklahoma.

Trong khi đó, nước Mỹ vẫn tiếp tục tranh luận về việc mở lại trường học. Gần một năm trôi qua, cuộc tranh luận về việc làm thế nào để đưa học sinh trở lại lớp học một cách an toàn vẫn bỏ ngỏ, ngay cả sau khi CDC đưa ra hướng dẫn được chờ đợi từ lâu hôm 12/2 vạch ra năm chiến lược chính, bao gồm cả việc đeo khẩu trang.

Tính đến ngày hôm nay (15/2), nước Mỹ xác nhận 27.640.292 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 485.336 người đã chết vì dịch bệnh.

Hòa Ninh (theo CNN, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI