Hôn nhân không phải lúc nào cũng vẹn toàn; có khi dù bạn đã cố hết sức, vợ chồng vẫn phải đối mặt với quyết định ly hôn. Nhưng đây là một quyết định chắc chắn sẽ để lại hậu quả cho bản thân bạn, bạn đời và những người thân trong gia đình. Vì thế, bạn phải suy nghĩ thật kỹ càng và cẩn thận trước khi đưa ra quyết định này. Rất có thể vợ chồng bạn đang ở trong một tình thế bế tắc nhưng vẫn còn có thể cứu vãn được. Làm sao để biết được giới hạn nằm ở đâu? Hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi dưới đây, chúng có thể cho bạn câu trả lời.
Điều gì đã đẩy bạn đến quyết định ly hôn?
Đầu tiên, bạn cần phải xác định cụ thể nguyên nhân nào đã dẫn đến việc bạn phải nghĩ đến quyết định ly hôn. Đây là một câu hỏi rất khó trả lời một cách khách quan. Phải chăng bạn và bạn đời đã dần trở nên xa cách và không còn có sự kết nối như trước? Hay vợ chồng bạn đã có những bất hòa, xung đột nhưng không được giải quyết một cách hợp lý? Hoặc có phải bạn đời hay chính bản thân bạn đang né tránh, không muốn liên lạc, giao tiếp với người kia?
Trong những lúc bốc đồng, cảm xúc dâng trào, bạn sẽ rất khó mà suy luận chính xác. Điều bạn cần là một câu trả lời logic, hợp lý, chứ không phải là một câu trả lời bị lu mờ bởi sự giận dữ, ghen tuông, thất vọng hay lo sợ.
Vì vậy, hãy dành một thời gian mà bạn điềm tĩnh và đủ tỉnh táo để suy nghĩ, vạch ra từng điểm cụ thể, nhớ lại các sự kiện đã xảy ra, và làm rõ cảm nghĩ của bạn cho từng vấn đề. Gánh nặng của quyết định ly hôn là rất lớn, nên bạn càng cần phải đảm bảo mình hiểu được nguyên do.
Hơn thế nữa, bạn cần phải xem xét phần trách nhiệm của mình trong việc để dẫn đến kết quả đáng buồn. Nếu có, bạn phải sửa chữa và thay đổi chính mình, đừng đem “gánh nặng” này sang mối quan hệ trong tương lai.
Bạn đã làm những gì để sửa chữa các vấn đề trên?
Khi đã hiểu rõ được các vấn đề đã xảy ra, bạn cần xem lại những gì hai vợ chồng đã làm để khắc phục chúng. Dĩ nhiên, khi quyết định ly hôn đã được cân nhắc, có nghĩa là các giải pháp này phần nhiều đã thất bại.
Tại sao những cố gắng sửa chữa của vợ chồng bạn không thành công? Phải chăng bạn phát hiện ra việc chồng mình có thói lăng nhăng quá trễ? Bạn đã thử tìm cách nối lại mối liên kết với người ấy, nhưng chính bản thân chưa muốn bày tỏ mọi thứ? Ngay cả khi bạn đã cố hết sức để níu kéo cuộc hôn nhân, cũng không có nghĩa các cách giải quyết vấn đề của bạn là hợp lý.
Rất có thể vợ chồng bạn không giỏi việc tìm đến giải pháp như bạn nghĩ. Nếu bạn không thể tự tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân, thì có thể cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Bạn có thể bắt đầu “cầu cứu” người thân, bố mẹ, những cặp vợ chồng có kinh nghiệm hơn, bạn bè thân thiết, và tốt nhất là một chuyên gia tư vấn hôn nhân chuyên nghiệp. Có thể mất tiền, nhưng nó đáng giá để cứu cuộc hôn nhân.
Ảnh hưởng của việc ly hôn sẽ đến mức nào lên con cái?
Câu hỏi này không dành cho tất cả các trường hợp, nhưng nếu vợ chồng bạn có con, cần nghĩ xem liệu việc ly hôn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống con trẻ như thế nào. Sự kiện này sẽ luôn để lại dấu ấn sâu đậm đến con cái, dù cho việc chia tay của bố mẹ chúng có “trôi chảy” đến mức nào. Khác với nhiều cặp vợ chồng ly hôn từng nghĩ, nếu không có những xung đột lớn, bạo hành... thì con cái chỉ muốn có một ngôi nhà chung với cha và mẹ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, trẻ sẽ có tinh thần và tình cảm ổn định hơn khi sống chung cùng cha mẹ, dù cha mẹ có cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không. Cuộc sống sau ly hôn, với những người bạn đời mới, gia đình mới, đều có ảnh hưởng tiêu cực không những đến trẻ mà còn đến chính cha mẹ của chúng. Mặc cho các nỗ lực của người lớn thế nào, ly hôn cũng là một sự kiện nên tránh xảy ra cho trẻ nhỏ. Vì thế, con cái là một yếu tố có sức nặng trên cán cân quyết định ly hôn.
Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đã lựa chọn việc hy sinh hạnh phúc hôn nhân của họ, tiếp tục chung sống để nuôi con. Một cặp vợ chồng già được tư vấn cách đây khá lâu cũng đã chọn giải pháp này, và sau đó ly hôn khi con cái đã trưởng thành.
Những thời điển hạnh phúc nào bạn đã từng có với bạn đời?
Khi vợ chồng bạn đã phải nghĩ đến việc ly hôn, thường chỉ nhìn thấy trước mắt những vấn đề dẫn đến quyết định này, mà quên đi lý do tại sao cuộc hôn nhân đã hợp thành từ ban đầu. Ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc là cách tốt nhất để mang lại động lực cho vợ chồng tìm cách vượt qua trở ngại của cuộc hôn nhân.
Hãy nhớ lại những điểm tốt của nhau, từ tính tình đến vẻ ngoài, những điều đã làm vợ chồng bạn yêu nhau từ những ngày đầu. Giây phút nào bạn đã quyết định sẽ lấy người bạn đời này làm vợ làm chồng? Nhớ lại những cảm giác tích cực này sẽ giúp bạn đi bước đầu tiên trong việc hàn gắn cuộc hôn nhân. Đừng để cuộc hôn nhân của bạn nằm trong vòng luẩn quẩn quá lâu.
Thực sự khi đối mặt với quyết định ly hôn, bạn chỉ có ba lựa chọn: hoặc giữ vững cuộc hôn nhân và tiếp tục sống chung như trước; hoặc ly hôn và chia tay; hoặc là thử một giải pháp cứu vãn cuối cùng. Bạn cần nhớ rằng, tình trạng phân vân trước quyết định ly hôn thực ra không phải là tuyệt vọng.
Gần đây, một giải pháp tư vấn hôn nhân mang tên “Tư vấn sáng suốt” đã chứng minh nó rất hiệu quả để giúp các cặp vợ chồng bên bờ vực ly hôn bước đến quyết định có lợi nhất. Dù cho quyết định là phải ly hôn, bạn cũng cần biết được liệu nó có mang lại lợi ích thực sự hay không. Điều quan trọng nhất là khi đối đầu với quyết định này, bạn và bạn đời phải cùng nhau hợp lực tìm cách sửa chữa mối quan hệ hôn nhân trước khi phải chấp nhận bỏ cuộc.
Thạc sĩ tâm lý Trần Nguyên Hùng