4 công ty thuộc Bộ Công thương chen chân vào dự án để trục lợi?

18/09/2020 - 14:16

PNO - Cú chuyển nhượng lời ngay 200 tỷ đồng của 4 công ty thuộc Bộ Công thương trong vụ án Nguyễn Thành Tài và đồng phạm đã bị luật sư "xới" lên. Đại diện của 4 công ty này vắng mặt nhưng lời khai của họ vẫn còn đó trong bút lục.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Hoa tháng năm, Chủ tịch HĐQT Lavenue - đã dành đến cả gần nửa bài bào chữa để "xới" lại việc dính líu của Công ty cổ phần Kinh Đô (sau này là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO) và 4 công ty thuộc Bộ Công thương trong vụ án này. 

Việc "xới" lại tình tiết này, theo mục đích của người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy là để bác bỏ vai trò xúi giục của Thúy với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bác bỏ sự liên quan với hành vi dịch chuyển tài sản nhà nước sang tư nhân. Nhưng tình tiết này lại một lần nữa cho thấy có những dấu hiệu bắt tay khác, sâu hơn, mạnh hơn của những thế lực phía sau các bị cáo đang đứng trước tòa. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tại phiên xử ông Nguyễn Thành Tài và đồng phạm sáng 18/9/2020
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tại phiên xử ông Nguyễn Thành Tài và đồng phạm sáng 18/9/2020

Lời "hẹn ước" trị giá 200 tỷ đồng

Dựa vào hồ sơ vụ án, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đưa ra thông tin: Vào ngày 20/8/2010, 4 công ty của Bộ Công thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty cổ phần Kinh Đô để đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Nội dung hợp đồng đảm bảo chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của 4 công ty. Hợp đồng sẽ được ký ngay sau khi 4 công ty trở thành cổ đông sáng lập của pháp nhân mới Lavenue.

Ông Nguyễn Đình Hiền - cựu Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (thuộc Bộ Công thương) - khai: “Trong quá trình thương lượng, làm việc giữa nội bộ 4 công ty với nhau, cũng như với Công ty cổ phần Kinh Đô rất dài, trải qua rất nhiều cuộc họp thì mới đi đến thống nhất. Mặt khác, ban đầu Kinh Đô chỉ trả chúng tôi rất thấp, mỗi công ty chỉ được 20-30 tỷ đồng và cho rằng các công ty chúng tôi không có quyền lợi gì, thực tế số tiền đó chỉ đủ di dời đi chỗ khác. Sau nhiều lần thương lượng thì đến cuối tháng 7, đầu tháng 8/2010 các bên thống nhất số tiền chuyển nhượng quyền đầu tư vào dự án là 200 tỷ”.

Theo lời khai của ông Lưu Văn Thăng - cựu Giám đốc Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco (thuộc Bộ Công thương) - quá trình này bắt đầu từ tháng 3/2010 bằng sự kiện ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô đến phòng làm việc của ông Lưu Văn Thăng, tại số 12 Lê Duẩn trình bày về việc muốn mua lại toàn bộ cổ phần góp vốn của nhóm 4 công ty".

Phiên tòa xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm tội vi phạm quy định quản lý làm thất thoát tài sản nhà nước ngày 18/9/2020
Phiên tòa xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm tội vi phạm quy định quản lý làm thất thoát tài sản nhà nước ngày 18/9/2020

Trên thực tế, ngay sau khi Công ty cổ phần đầu tư Lavenue tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập thì Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố mới có văn bản số 87/QLKDN-KHĐT ngày 13/1/2011 báo cáo với UBND TP về việc 4 cổ đông sáng lập thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần vốn điều lệ 50% của mình cho Công ty Kinh Đô.

Phá bỏ cam kết: Không đủ năng lực tài chính, phải trả lại dự án cho TPHCM

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch phân tích: “Động cơ, mục đích tham gia vào dự án 8-12 Lê Duẩn của 4 công ty chỉ có một: Thu lợi nhuận cho doanh nghiệp trên cơ sở che giấu thông tin về kinh nghiệm và năng lực tài chính. Biết trước hành vi của mình là sai, là không trung thực nhưng vẫn làm. Nói cách khác, động cơ của nhóm 4 công ty là thu lợi nhuận chứ không phải tham gia thực hiện dự án.

Việc thống nhất chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Kinh Đô đã có trước khi họp để thống nhất phương án thành lập Công ty Lavennue. Ngày 19/8/2010, ông Trần Cao Thành - Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô - đã tham gia họp với tư cách pháp lý đại diện ủy quyền của nhóm 4 công ty. Giao dịch này bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà - đã biết nhưng cũng không báo cáo UBND TP, mà chỉ báo cáo khi giao dịch đã thực hiện xong”.

Vì sao có sự tham gia của của ông Trần Cao Thành - đại diện ủy quyền của nhóm 4 công ty - ông Nguyễn Đình Hiền lý giải: “Trong quá trình thỏa thuận về việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Lavenue, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô có dẫn theo ông Trần Cao Thành - Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô cùng thương lượng với 4 công ty chúng tôi. Thời điểm đó (tức thời điểm ngày 19/8/2010 khi họp thống nhất phương án thành lập Công ty Lavenue) nhóm 4 công ty cũng đã thống nhất với Công ty Kinh Đô về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavenue nên ông Trần Lệ Nguyên đề xuất nhóm 4 doanh nghiệp ủy quyền cho ông Trần Cao Thành đại diện nhóm 4 doanh nghiệp tham gia cuộc hợp với các cổ đông sáng lập khác.

Việc tham gia vào dự án của 4 công ty này được thể hiện qua lời khai của ông Nguyễn Đình Hiền như sau: “Thực tế giao dịch chuyển nhượng là không đúng với các cam kết, kiến nghị trong các văn bản mà nhóm 4 công ty đã ký gửi Bộ Công thương, UBND TPHCM trong việc bảo đảm năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư triển khai dự án. Nếu nhóm 4 công ty không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện dự án thì phải trả lại dự án cho UBND TPHCM. Tuy nhiên, thực tế nhóm các công ty gặp khó khăn về tài chính nên việc chuyển nhượng cổ phần là bất khả kháng”.

Những căn cứ này được luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đưa ra nhằm chứng minh bà Lê Thị Thanh Thúy không có sai phạm trong việc dẫn đến chuyển dịch quyền sở hữu khu đất 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân như cơ quan công tố quy kết.

Theo luật sư Trạch, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà có vai trò mấu chốt trong vụ án này, nên vì vậy mà đã bỏ trốn. Chính Công ty Quản lý kinh doanh nhà đứng tên quyền sử dụng đất. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy là người đề xuất việc thành lập pháp nhân mới, độc lập (Công ty Lavenue) để thực hiện dự án chính là hình thức để tìm cách thoái vốn, chuyển dịch quyền sở hữu nhà nước sang tư nhân.

Luật sư lập luận, so với số vốn của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20% cộng với 50% vốn của 4 công ty thuộc Bộ Công thương thì vai trò quyết định của Công ty Hoa tháng năm của bà  Lê Thị Thanh Thúy (30%) trên thực tế là không thể có được.

Trong vụ án này, Công ty cổ phần KIDO (Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào năm 2015) và 4 công ty của Bộ Công thương được triệu tập đến tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan...

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI