4 cô gái phá bỏ điều cấm kỵ, chấp nhận khiêng xác người qua đời vì COVID-19

03/12/2020 - 08:39

PNO - Các nữ binh sĩ lần đầu tiên được tham gia xử lý thi thể ở Nepal - nơi phụ nữ chạm vào người chết vẫn là một điều cấm kỵ trong văn hóa nước này.

Hình ảnh 4 phụ nữ mặc đồ bảo hộ nâng thi thể của 1 nạn nhân vừa qua đời vì COVID-19 tại lò thiêu Pashupati, ở thủ đô của Kathmandu, rồi giao nó cho các công nhân hỏa táng đã được truyền thông Nepal ca ngợi. Trước đây, cảnh tượng này là điều không tưởng ở đất nước bảo thủ như Nepal.

Phụ nữ chạm vào xác chết vẫn là điều cấm kỵ trong văn hóa ở Nepal. Nhưng sau những cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ, gần đây, các quyền dành cho phụ nữ đã được cải thiện đáng kể.

Từ trái qua, các nữ binh sĩ Krishna Kumari, Rashmi, Leela và Rachana mỉm cười khi nói chuyện với nhau sau khi xuất ngũ sau khi được kiểm dịch tại doanh trại quân đội của họ ở Kathmandu. Ảnh: Reuters
Các nữ binh sĩ Krishna Kumari, Rashmi, Leela và Rachana (từ trái qua) mỉm cười nói chuyện với nhau sau khi xuất ngũ ở Kathmandu - Ảnh: Reuters

Những người phụ nữ khiêng xác chết ở Kathmandu đều là binh sĩ, và đây là lần đầu tiên việc này được triển khai khi quốc gia 30 triệu dân cố gắng quản lý thi thể của những người qua đời vì COVID-19 trong bối cảnh đại dịch đang gia tăng.

“Tôi cảm thấy như được đặc ân và hạnh phúc vì có cơ hội làm công việc mà từ trước đến nay chỉ có nam giới làm”, Rachana 25 tuổi, cho biết.

“Xã hội đang thay đổi… Tôi đã không ở bên gia đình kể từ khi bắt đầu nhiệm vụ mới, nhưng bạn bè của tôi rất vui. Họ cảm ơn tôi và nói: Bạn đã thực hiện 1 nhiệm vụ khó khăn, hãy giữ sự an toàn cho bản thân. Cảm ơn bạn". Tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó", Rachana chia sẻ thêm.

Một nhóm nữ binh sĩ được giao nhiệm vụ xử lý thi thể nạn nhân coronavirus được huấn luyện ở Kathmandu vào tháng trước. Ảnh: Reuters
Một nhóm nữ binh sĩ được giao nhiệm vụ xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19 sau khi được huấn luyện ở Kathmandu vào tháng trước - Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Quân đội Nepal, ông Shantosh B. Poudyal cho biết, chính phủ đang đưa các nữ binh sĩ vào những vai trò mới, đây là 1 phần của chương trình trao quyền cho phụ nữ.

“Vai trò của phụ nữ đã từng được triển khai trong các nhiệm vụ như quân sự, bảo vệ an ninh quốc gia, kỹ sư chuyên môn cao cũng như xử lý những vấn đề vũ khí và thảm họa. Nhưng đây là lần đầu tiên họ quản lý thi thể từ bệnh viện và vận chuyển đến lò hỏa táng. Bạn có thể nói điều này đang phá vỡ mọi giới hạn", ông Poudyal nói thêm. 

Các nữ binh sĩ mặc trang bị bảo hộ cá nhân tưởng nhớ thi thể nạn nhân coronavirus tại một lò hỏa táng ở Nepal. Ảnh: Reuters
Các nữ binh sĩ mặc đồ bảo hộ cá nhân làm lễ tưởng niệm nạn nhân qua đời vì COVID-19 tại một lò hỏa táng ở Nepal - Ảnh: Reuters

Theo số liệu chính thức, đại dịch đã giết chết 1.508 người ở nước này và lây nhiễm cho 233.452 người kể từ khi virus được phát hiện lần đầu tiên vào tháng Giêng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực có thể cao hơn nhiều.

Các nhân viên y tế cũng cảnh báo rằng đại dịch sẽ tồi tệ hơn khi mùa đông bắt đầu và cơ sở hạ tầng y tế hạn chế, bao gồm cả giường bệnh, sẽ càng làm cho tình hình nước này thêm căng thẳng.

Theo quy định của chính phủ, quân đội Nepal sẽ chịu trách nhiệm quản lý thi thể của các bệnh nhân qua đời vì COVID-19 trên toàn quốc.

Nữ binh sĩ Krishna Kumari, 37 tuổi chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là dọn xác và tôi tự hào về những gì mình đang làm. Công việc đòi hỏi thể chất tốt… và chúng tôi đã chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có khả năng làm những nhiệm vụ khó khăn trong trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả thời kỳ đại dịch”.

Thảo Nguyễn (theo JB, SCMP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI