4 cách ứng xử khi đồng nghiệp trở thành sếp

13/11/2018 - 14:00

PNO - Bất kỳ ai làm việc trong công ty đều biết rằng các tình huống khó xử trong cuộc sống văn phòng dường như vô tận.

Một trong những điều đó là người đồng nghiệp ngang hàng từng cùng ăn trưa, lắng nghe bạn phàn nàn về công việc... bỗng dưng trở thành sếp. Làm thế nào để bạn đối phó chuyên nghiệp trong tình huống này? Dưới đây là các gợi ý về cách ứng xử đúng mực, không ảnh hưởng đến cái tôi cũng như công việc của bạn, hãy cùng tham khảo nhé!

Cập nhật thông tin tuyển dụng nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

Chấp nhận thực tế

Theo Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng Careerlink.vn thì cho dù bạn có cảm giác khó chịu như thế nào, đặc biệt là khi bạn cũng muốn được thăng tiến thì cách hồi đáp duy nhất có thể chấp nhận được là chúc mừng người quản lý mới của bạn một cách lịch sự. Mọi sự bổ nhiệm và đề bạt đều có lý do, chắc hẳn là vì đồng nghiệp của bạn đã làm việc tốt, hoàn thành vượt chỉ tiêu công việc, đồng thời họ cũng thể hiện các kỹ năng lãnh đạo xuất sắc... thì thăng tiến là thành quả xứng đáng họ được nhận. Đây cũng chính là thời điểm để bạn tự vấn lại mình, đánh giá lại các kỹ năng, mức độ cống hiến và để biết rằng phải cố gắng hơn nữa trong công việc. Bạn có thể học hỏi thái độ, cách làm việc mà vị đồng nghiệp vừa lên chức đã thực hiện trong thời gian vừa rồi để rút kinh nghiệm trong tương lai.

Hiểu rằng bạn và họ cần có khoảng cách nhất định

Một điều khác bạn cần làm đó chính là tôn trọng quyền quản lý của họ, dần bỏ thói quen “bằng vai phải lứa” như trước đây. Biết cách kiềm chế cảm xúc, những cử chỉ hành động tự nhiên như ôm vai bá cổ, trêu đùa quá mức… bởi những điều trên đã không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại. Việc bạn chủ động và khéo léo tạo được khoảng cách giữa nhân viên – quản lý thì công việc trở nên hiệu quả, ngoài ra còn giúp người sếp mới của bạn sẽ không còn khó xử khi vẫn đang loay hoay không biết phải ứng xử với bạn như thế nào, đó mới chính là một nhân viên công sở tinh tế và thông minh.

Thể hiện sự hỗ trợ

Chắc hẳn trong những ngày đầu mới lên chức thì người quản lý mới này vẫn còn bỡ ngỡ, chưa thể bắt nhịp một nhanh chóng và vận hành công việc trơn tru. Mặt khác, sếp mới của bạn có thể cũng nhận được sự không phục tùng, thậm chí là cố tình “phá hoại” từ các đồng nghiệp cũ khác. Vì vậy, hãy cho họ biết bạn luôn có mặt để giúp đỡ khi cần thiết. Đây cũng là trách nhiệm của bạn đối với cấp trên của mình. Có được sự phối hợp nhịp nhàng này không chỉ giúp công việc được suôn sẻ, công ty ngày càng phát triển mà còn khiến mọi người ở phòng ban trở nên gắn bó, gần gũi hơn, giúp dần xóa nhòa việc “đồng nghiệp lên làm sếp” và tạo thiện cảm tốt.

Tránh kêu ca, phàn nàn và nói xấu

Thực sự có không ít trường hợp nhiều người thường tỏ ra “ghen ăn tức ở” khi đồng nghiệp của mình lên chức, họ thường tìm mọi cách để nói xấu nhằm hạ bệ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của sếp mới. Vì những người này luôn loay hoay mãi với câu hỏi “Tại sao mình lại không được thăng chức mà anh ta/cô ta lại được?”. Sự phàn nàn và kêu ca sẽ càng khiến bạn trở nên nhỏ nhen và ích kỷ hơn. Thế nên, đừng để bị cuốn vào những điều tiêu cực này. Nếu bạn không thể tự mình nói những lời khen ngợi về người quản lý mới, ít nhất hãy nói điều gì đó như “Tại sao không cho anh ấy/cô ấy cơ hội để chứng minh năng lực trước khi chúng ta đưa ra những lời nhận xét không hay về họ?”

Có một đồng nghiệp trở thành sếp của bạn không bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên điều này có thể quản lý được. Nếu bạn hành động một cách tử tế và chuyên nghiệp, bạn sẽ đặt nền móng cho một mối quan hệ làm việc thành công và ngày càng tốt đẹp.

Yến Nhi

4 cach ung xu khi dong nghiep tro thanh sep
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI