4 bác sĩ từ TPHCM xuống Tiền Giang khám tư: Sự thấu đáo nào dành cho họ?

06/10/2022 - 12:48

PNO - Họ đã sai khi đi "làm thêm" trong giờ làm việc, nhưng đây là câu chuyện mà nếu chúng ta chỉ nhìn vào yếu tố đó, sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều bác sĩ lẫn người ngoài ngành, trong đó có nhiều người làm công tác quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đều cho rằng chúng ta cần phải có sự nhìn nhận đa chiều hơn trong vụ việc 4 bác sĩ của Bệnh viện TP. Thủ Đức xuống Tiền Giang làm việc trong một phòng khám tư nhân. Trung bình mỗi tuần họ khám ở đó 3 ngày, với mức thù lao 1,5 triệu đồng/ngày (chưa tính thù lao trên mỗi người bệnh mà họ khám trong ngày).

Thu nhập này, đối với các bác sĩ là con số "trong mơ" nếu so với thu nhập tại bệnh viện công mà họ đang công tác. Và vì thế, họ đã "vượt rào". Cả 4 bác sĩ đều nhận lỗi với điều ấy, không biện minh, và chấp nhận những hình thức xử lý dành cho mình. Thế nhưng, liệu ngoài những mệnh lệnh hành chính mà họ phải tuân theo, chúng ta đã thấu đáo chưa nếu chỉ căn cứ vào điều ấy để xử lý? Tôi không tin rằng những con người đang gánh trên vai áp lực và trách nhiệm của một người mang "lời thề Hippocrates" chưa từng ước ao mình có mức thu nhập xứng đáng, để toàn tâm cống hiến cho cộng đồng, cho những lý tưởng mà vì nó họ đã chấp nhận khoảng thời gian học tập dài, đặc thù hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.

Trong câu chuyện kể của mình nhân sự việc 4 bác sĩ này, lãnh đạo một bệnh viện lớn tại TPHCM nhắc về sự "tạo điều kiện" mà ông và đồng nghiệp mình từng nhận được từ cấp trên. Trong một vài ngữ cảnh, tạo điều kiện cũng là "vượt rào", nhưng nó được cân nhắc để không tiềm ẩn bất kỳ nguy cơ nào, ngược lại, nó giúp những y bác sĩ có đời sống đảm bảo về cơm áo gạo tiền. Sự trong sáng, lý tưởng chỉ có thể giữ vững khi họ không bị chi phối bởi tiếng thét gào của cái bụng rỗng! 

Trở về câu chuyện của 4 bác sĩ thuộc Bệnh viện Thủ Đức, họ đã "trốn việc" không phải 1, 2 ngày. Có người đã làm việc 2-3 tháng, có người 5 tháng... mà lãnh đạo bệnh viện không hề hay biết, cũng không xảy ra sự tắc nghẽn nào. Là lãnh đạo tắc trách, hay thực tế họ đã sắp xếp ổn thỏa giữa việc công - tư? Nếu họ có thể thu xếp được công việc của mình tại bệnh viện, vì sao chúng ta không tạo điều kiện để các bác sĩ có đời sống tốt hơn?

Một cách nào đó, sự có mặt của các bác sĩ này tại một phòng khám ở Tiền Giang giúp các bệnh nhân nơi đây không phải mỏi mệt tìm đến "tuyến trên". Sự đổ dồn lên tuyến trên, gây mất cân đối giữa các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới - tuyến trên bấy lâu nay vẫn là bài toán nan giải của ngành y tế, vậy nên tạo điều kiện cho các bác sĩ cũng là "tạo điều kiện" cho ngành vậy!

Chúng ta đã nhìn thấy rất rõ bức tranh của ngành y tế sau đại dịch COVID-19. Như mọi bức tranh của ngành nghề khác trong xã hội, vẫn có những chấm đen ở đâu đó, nhưng trên hết, họ thật sự là những bông hoa giữa cuộc đời này. Những hy sinh, áp lực, tổn thương lẫn trọng trách mà họ phải gánh vác đối với xã hội, cộng đồng hơn bất kỳ ai trong 2 năm vừa qua. Chúng ta đã thấy, cái còn lại là chúng ta làm được gì cho họ?

Vì không tuân thủ những quy định, 4 bác sĩ ấy chắc chắn sẽ nhận hình thức xử phạt nào đó. Nhưng cái sai của họ cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi, cật vấn mà nếu không tìm được đáp án, mãi mãi cái sai này không thể chấm dứt được. 

Thu Không

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyen 09-10-2022 06:29:02

    Không chỉ có 4 bs này mà bất cứ người nào làm việc trong hệ thống công kể cả cơ quan hành chính nhà nước đều từng ước ao mình có mức thu nhập xứng đáng, để toàn tâm cống hiến!!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI