4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá đe dọa môi trường đất và đại dương mỗi năm

23/07/2019 - 06:00

PNO - Nghiên cứu mới từ Anh đăng trên tạp chí Ecotoxicology and Environmental Safety cảnh báo ảnh hưởng của đầu hàng nghìn tỷ lọc thuốc lá lên sự phát triển của các loại cây cỏ tự nhiên, vốn đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ sinh thái.

Đầu lọc thuốc lá là loại rác con người thải ra nhiều nhất thế giới, với khoảng 4,5 nghìn tỷ sản phẩm trên toàn cầu và chúng mất hơn một thập kỷ để tự phân hủy. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Anglia Ruskin ở Cambridge, Anh chứng minh rằng bộ lọc nhựa từ những điếu thuốc có thể ngăn cỏ và cỏ ba lá phát triển bình thường.

Trong tự nhiên, cỏ ba lá rất quan trọng đối với đời sống loài ong và góp phần hấp thụ ô nhiễm từ khói diesel. Thế nhưng nghiên cứu cho thấy tại khu vực đất chứa đầu lọc thuốc lá, cỏ xuất hiện ít hơn 10%, tương đương khi hạn hán và mật độ hạt cỏ ba lá nảy mầm cũng giảm mạnh.

4,5 nghin ty dau loc thuoc la de doa moi truong dat va dai duong moi nam
Cỏ và cỏ ba lá có giá trị sinh học cao trong tự nhiên. Thế nhưng đầu lọc thuốc lá góp phần khiến cỏ khó phát triển.

Để đi đến kết luận này, nhóm tác giả thêm các bộ lọc thuốc lá dùng một lần và chưa hút vào các chậu chứa 200 hạt cỏ hoặc 150 hạt cỏ ba lá và so sánh chúng với các chậu không chứa nhựa.

Sau ba tuần, số hạt cỏ ba lá được trồng trong các chậu chứa bộ lọc thuốc lá nảy mầm ít hơn 27% so với chậu đối chứng, con số này ở cỏ thường là 10%. Các chồi cỏ ba lá cũng ngắn hơn 28% khi tiếp xúc với các bộ lọc thuốc lá, và các chồi cỏ thu ngắn 13%.

Nhóm cỏ ba lá chỉ mọc khoảng một nửa số rễ bình thường khi xét trên trọng lượng, làm tăng mối lo ngại rác nhựa có thể khiến chúng khó hút nước từ mặt đất.

Không chỉ vậy, phân tích sâu còn cho thấy sự mất cân bằng trong chất diệp lục ở nhóm cây trong chậu chứa đầu lọc. Diệp lục là hóa chất quan trọng cho phép thực vật hấp thụ ánh sáng và thường chỉ suy giảm trong thời gian hạn hán.

Các chuyên gia tin rằng những hóa chất dùng chế tạo đầu lọc thuốc lá bằng nhựa khiến cây trồng “căng thẳng” theo cách tương tự như thiếu nước.

Vì trong thí nghiệm các nhà khoa học cũng sử dụng đầu lọc chưa hút, có thể thấy nhựa chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến cây cỏ chứ không phải độc tố từ thuốc lá.

Tác giả chính, Tiến sĩ Dannielle Green, giảng viên cao cấp về sinh học tại Đại học Anglia Ruskin (ARU), cho biết: “Nhiều người hút thuốc nghĩ rằng đầu lọc thuốc tự nhanh chóng phân hủy và do đó không thực sự coi chúng là rác”.

“Nhưng thực tế, bộ lọc tạo ra từ một loại nhựa sinh học có thể mất nhiều năm, nếu không phải là hàng thập kỷ, để phân rã. Vứt bỏ đầu lọc thuốc lá dường như là một hình thức xả rác được xã hội chấp nhận và chúng ta cần nâng cao nhận thức rằng chúng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường”.

4,5 nghin ty dau loc thuoc la de doa moi truong dat va dai duong moi nam
Dù rất nguy hại đến môi trường, đầu lọc thuốc lá dường như là loại rác thải được xã hội "chấp nhận" vì quá nhỏ và phổ biến.

Ngoài ra, đầu lọc từng được chứng minh gây hại cho sinh vật biển, và còn xuất hiện trong các tổ chim.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Bas Boots, giảng viên sinh học tại Đại học Anglia Ruskin (ARU), cho biết: “Mặc dù vẫn cần thêm nhiều công trình nghiên cứu trước khi có kết luận chính xác, chúng tôi tin rằng thành phần hóa học của bộ lọc gây thiệt hại cho thực vật”.

“Hầu hết các đầu lọc làm từ sợi cellulose acetate, cộng thêm các hóa chất làm cho nhựa dẻo hơn, có thể bị ngấm vào đất và ảnh hưởng xấu đến giai đoạn đầu phát triển của cây”.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI