PNO - Đã 38 năm, nhưng niềm tin vẫn được giữ lửa bằng cái danh vừa hư vừa thực. Bà là nguyên mẫu cô Mẫn của nhà văn Phan Tứ khi ông vào đây, vừa cầm súng, cầm bút trong sự che chở, nuôi nấng của nông dân Tứ Mỹ.
“Mấy năm rồi mày ở đâu mà không thăm tao?”. Mười năm tôi mới quay lại, hồi đó là tháng 4/2009, tôi gặp bà rồi viết “Gặp cô Mẫn trong Mẫn và tôi của Phan Tứ”, in trên Báo Phụ Nữ TP.HCM. “Lâu ghê chưa, hồi đó tao 71 tuổi, giờ 81 rồi”. “Cô vẫn khỏe mà…”. “Khỏe gì, một tháng tao đi Hàn Quốc mấy lần”. Tôi chột dạ. Bà cười ha hả: “Bệnh viện Hàn Quốc dưới Chu Lai đó mày, cô đau miết…”. Bà ngồi trên ghế gỗ trong gian tiếp khách, hỏi vọng ra sân khi tôi bước vào.
Nhà đã sửa khang trang. Lối đi sau hè không còn nữa. Chớm sáng trung du mà trời đã thổi lửa trên những vòm cây. Vẫn nắng như ngày đó tôi gặp. Nắng trên đôi mắt còn tinh nhưng mệt mỏi lắm rồi. Tôi ngó ra sân, ngày đó, theo bà, góc sân có cái hầm, hễ động là ông Phan Tứ vọt xuống, bây giờ là vạt rau xanh ngắt. Người viết đã chết, cây cỏ vẫn xanh, chỉ có nhân vật là héo mòn…
Bà Võ Thị Phận, nguyên mẫu cô Mẫn trong tác phẩm Mẫn và tôi của nhà văn Phan Tứ
Từ năm 1981, lá đơn đầu tiên gửi đi, với niềm tin vững chắc rằng bà không khai báo gì cho giặc khi ở tù, nên sẽ được xem xét chứng nhận người có công. Ba mươi tám năm, sự chờ đợi phập phồng vỡ tan nhưng không biến mất. Lần đó tôi hỏi bà, rằng cô tin vào đâu mà kiện miết, con thấy vô ích, thì bà nói rằng cứ kiện, bởi đó là danh dự không chỉ cho bà mà còn cho con cháu, cả những ai đã từng gửi gắm niềm tin là Đảng không bao giờ bị “bịt mắt”. “Tao tin ở tao”. Tôi nhớ như in câu nói đó. Năm tháng lùi xa, không ít những người nông dân, những người lính một thời ra trận vẫn miệt mài đi tìm Bao Công, họ đòi lẽ phải cho mình khi bị những thế lực u tối chèn ép, bị những kẻ hẹp hòi gièm pha, bức hại. Họ đòi, bởi sứ mệnh, hoài bão, ước mơ cho tự do độc lập của một thời khiến họ chấp nhận cái chết để giành được, còn nguyên đó.
Ba mươi tám năm, bà Võ Thị Phận, ở thôn Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đi đòi công lý. Có lúc tôi nghĩ, nếu bà Phận như bao người vô danh khác, có lẽ đơn thư cũng đã mục nát đâu đó rồi. Đã qua 38 năm, nhưng niềm tin vẫn được giữ lửa bằng cái danh vừa hư vừa thực. Bà là nguyên mẫu cô Mẫn của nhà văn Phan Tứ khi ông vào đây, vừa cầm súng vừa cầm bút trong sự che chở, nuôi nấng của những người nông dân Tứ Mỹ - Kỳ Sanh vùng bán sơn địa này. Có lần tôi nói với một thầy giáo dạy văn rằng, hiện thực chiến tranh trong Mẫn và tôi sẽ là tiếng cười cay đắng với thân phận của cô Mẫn bây giờ. Anh giáo viên sững nhìn tôi. Hãy cắt lớp những số phận hậu chiến, sẽ thấy những người áo vải chân đất bao giờ cũng là kẻ cô đơn, thiệt thòi, lắm người oan khiên ngút trời không giải được.
Ông Phan Tứ chết rồi. Cô Mẫn đi kiện. Kiện miết, nhưng “nước đổ đầu vịt”. Người làm chứng, chỉ huy còn đó. Họ xác tín, bảo lãnh, nhưng thảy không được, chỉ rước thêm bực dọc. “Có ai đi làm cách mạng mà bỏ phiếu không?”. Bà hàng xóm ngồi bên “thọc” một câu chua chát. “Ừ, tao kể mày nghe - bà Phận lên tiếng - xã họp, đề nghị cán bộ dự bỏ phiếu để xem tao có khai chi cho giặc không. Tao nói: tôi phản đối. Tôi đi làm cách mạng, dẫn bộ đội đi đánh, chỉ huy du kích, nuôi cán bộ, không lẽ tôi báo cho dân biết? Khi tôi hoạt động từ năm 1957, có rất nhiều người ở đây chưa đẻ, lấy tư cách gì bỏ phiếu cho tôi?”. Anh Phan Thế Huẫn, con trai bà đã về. Đám tang ông Phan Tứ, anh dự và chít khăn tang, gia đình ông công nhận anh là con ông Phan Tứ. Chuyện tình của mẹ anh và ông, ngoài đời lẫn văn học, nói đã nhiều. Anh đang là giáo viên cấp II trường xã.
“Sao anh biết có tin mới?”. Anh hỏi tôi mà mắt hấp háy. Hỏi rồi anh nói luôn, chuyện rằng, tháng 11/2018, có hai người ở Hà Nội tên là Phan Minh Tuấn và Võ Hồng Sơn, đã lớn tuổi, đọc báo biết chuyện bà. Họ lặng lẽ vào Quảng Nam, nhờ anh Phạm Thông - Chủ tịch Hội Văn nghệ Tam Kỳ - dẫn đường, tìm về Núi Thành. Họ gõ cửa từng nhà những ai quen biết bà thời đó, ghi chép cẩn thận, xong mới lên gặp bà. Phút gặp cô Mẫn, họ khóc giàn giụa. Thế hệ họ ở miền Bắc những năm chiến tranh, nhiều người đã lên đường vào Nam bằng những tác phẩm như thế. Họ kể, đọc báo, cứ nghĩ Mẫn là nhân vật hư cấu, ai ngờ có thật, mà cô Mẫn còn sống, lại oan khiên, bán tín bán nghi nên quyết gặp hỏi cho ra lẽ. Bà kể hết, họ gật, đúng như những nhân chứng đã nói. Phút chia tay, họ nói rằng không dám chắc chắn, nhưng bà hãy viết đơn kêu cứu lần nữa đi. “Ông Võ Hồng Sơn ngồi ghế này đây - anh Huẫn chỉ chỗ anh đang ngồi - mẹ kể đến đâu ổng khóc đến đó”.
Ừ thì viết đơn kêu cứu, như bao lần đã viết. Có thông tin rằng đơn này được Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo xử lý. Thế là tỉnh Quảng Nam họp. Có hai người trong Ban Tổ chức tỉnh ủy tìm đến bà, hỏi lại. Xuống huyện họp. Xã họp. “Giờ thì sao?”. “Hồ sơ xã đã xong, họ thông báo mời mẹ tôi xuống hướng dẫn làm chế độ rồi gửi đi rồi, còn chờ anh à”. “Anh có biết hai ông kia là ai không?”. “Họ không nói, chỉ nói mình là bạn đọc bình thường. Nhưng mà - anh chồm lên, mắt quyết liệt - tôi nói thật với anh, 38 năm kêu kiện, tôi tin lần này mẹ tôi sẽ được trả lại danh dự. Chắc anh biết rồi, tàng thư để lại ghi rõ: Võ Thị Phận là thành phần ngoan cố. Vì cái chữ ngoan cố mà mẹ tôi bị giặc cầm tù thêm 8 tháng nữa. Vậy thì làm chi có chuyện mẹ tôi phản bội khi ở tù mà bao năm rồi người ta cứ nói như vậy để dìm hại bà? Tôi đi dạy, ra đường người ta nói con trai ông Phan Tứ, mẹ là cô Mẫn nhưng Mẫn là điệp viên “hai mang”, khai báo lung tung, phá hoại cách mạng, làm tôi uất ức mấy chục năm rồi, vợ tôi cũng vì lý lịch chồng mà không tiến thân được”. “Tao không cần tiền có công, tiền chế độ ở tù, hãy trả danh dự lại cho tao”, bà Phận gõ tay xuống bàn làm tôi giật mình. Anh Huẫn nói tiếp: “Hai người ở Hà Nội đó, tôi không biết họ là ai, họ cũng không cho biết, nhưng tôi tin họ là Bao Công của gia đình tôi, chính họ giúp cởi bỏ oan khuất cho gia đình tôi”.
Gia đình bà Phận hy vọng sẽ được trả lại danh dự
Tôi điện cho ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, rằng tôi tính nay đã 6 đời bí thư, chủ tịch tỉnh, huyện, bà Phận kiện mòn gót mà không được, là sao? Ông Cường nói ngay là tháng 2/2019, ông đã kết luận rồi và chỉ đạo từ tỉnh xuống xã làm gấp hồ sơ, giải oan, công nhận, giải quyết chế độ người có công cho bà Phận… Chuyện gì đến nó sẽ đến, mong sao lần này Bao Công đâu đó “ném lệnh bài” “cẩu đầu trảm” những trò đen tối tởm lợm, trả ánh sáng về cho bà Phận, và hy vọng một chương mới sẽ đến với cô Mẫn, khi bà đã ở tuổi gần đất xa trời.
Nhưng vẫn đằng đẵng trong tôi câu hỏi, rằng cũng giấy tờ đó, con người đó, vì sao bao nhiêu năm rồi người ta hất lên hất xuống, chà đạp, dè bỉu, thậm chí xúc phạm bà và gia đình? Mấy lần tôi tiếp cận hồ sơ, đều được câu trả lời là xã bỏ phiếu không đồng ý nên tỉnh, huyện cũng chịu. Vậy, vai trò trung ương, tỉnh, huyện ở đâu trước những oan trái rành rành ra đó, không lẽ để xã muốn làm gì thì làm? Đó là gì nếu không phải là thói thờ ơ, vô cảm với lương tri, lẽ phải? Và xã, hàng chục lần họp vẫn bỏ phiếu chống, sao lần này không chống nữa, nếu không phải đây là căn bệnh thâm căn cố đế còn nguyên sau lũy tre làng là thói thù vặt, là “phép vua thua lệ làng”?
Những người giúp bà là ai, chịu, tôi thầm cảm ơn họ, và nếu mai này công lý đến với bà, thì bạn đọc cũng nên cảm ơn họ nếu biết cô Mẫn đã chịu trần ai mấy chục năm bởi danh dự bị bôi bẩn; rằng giữa trang sách và đời thực, thời đã qua nhiều khi như những hồi quang trái nghịch đến nát lòng. Nhưng cũng xin nói rằng luật pháp thực thi không thể bằng sự động lòng của cá nhân nào đó, lẽ phải được công nhận không thể bằng tình cảm riêng tư, mà xem ra chuyện này ở nước mình còn dài dài…
“Cô còn giữ chiếc nhẫn ông Phan Tứ tặng không?”. “Còn chứ”, bà cười rồi đứng lên vào buồng ngủ. Cô con dâu với theo: “Thế mà bao năm giấu không cho ai biết…”. “Nhẫn này mấy chục năm rồi cô hè?”. “57 năm, thằng Huẫn bao nhiêu tuổi thì nó bấy nhiêu năm”. Phút chia tay để đi chiến trường, ông Phan Tứ tặng, bà không chịu, ông giấu bà đeo chiếc nhẫn vào ngón chân anh Huẫn lúc đó mới sinh. Chiếc nhẫn bất động trong lòng tay bà. Bà đeo vào ngón áp út, nhìn chăm chăm rồi đứng lên, mắt như lạc đi…
Chiếc nhẫn mà theo bà Phận là ông Phan Tứ tặng khi chia tay
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.