38.000 trẻ TP.HCM dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi

08/11/2013 - 07:19

PNO - Dù tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở TP.HCM bị suy dinh dưỡng thấp hơn nhiều so với cả nước nhưng số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng lại rất lớn do TP.HCM có tới nửa triệu trẻ em ở độ tuổi này.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM - cho biết như vậy tại hội nghị xây dựng kế hoạch chương trình phòng chống suy dinh dưỡng tại TP.HCM năm 2014 do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức sáng 7/11.

Ít trẻ bú sữa mẹ

Theo bác sĩ Ngọc Thông, tuy tỉ lệ suy dinh dưỡng các thể của trẻ em dưới 5 tuổi ở TP.HCM thấp hơn trung bình của cả nước nhưng hiện TP.HCM có đến 450.000-500.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Với tỉ lệ 5,3%/nửa triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thể cân nặng thì tương đương với 26.500 trẻ. Tương tự, với tỉ lệ 7,6%/nửa triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao so với tuổi), tương đương với 38.000 trẻ là con số rất lớn. Đặc biệt, dù được tuyên truyền, khuyến cáo rất nhiều về việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng tỉ lệ trẻ em ở TP.HCM được bú mẹ rất thấp. Cụ thể, năm 2012 tỉ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn chưa tới 1%, 9 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ đạt 17%! Tỉ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ trong vòng một giờ sau sinh năm 2012 chỉ đạt 27% (giảm 5% so với 2010) và chỉ bằng gần 50% mức trung bình của cả nước.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi theo khu vực có sự phân hóa rất rõ rệt. Cụ thể trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở khu vực nội thành thấp hơn gần một nửa so với ngoại thành (3,4% và 6,2%); ở thể suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nội thành là 5,4%, còn ngoại thành là 10,9%. Bác sĩ Ngọc Diệp cũng lưu ý còn hơn 31% học sinh tiểu học chưa có thói quen uống sữa thường xuyên; các em ăn rất ít rau, lượng rau ăn trung bình mới đạt 30% nhu cầu khuyến nghị; lượng trái cây ăn trung bình mới đạt 50% nhu cầu khuyến nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin rằng chín tháng năm 2013 bệnh viện tiếp nhận 37.559 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, trong đó có 7.479 trẻ bị suy dinh dưỡng (tỉ lệ 16%). Tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và rất nặng chiếm gần 18%.

Nhiều biện pháp can thiệp

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, năm 2012 - 2013, theo bác sĩ Ngọc Thông, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp như: giáo dục truyền thông kết hợp thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và người chăm sóc trẻ, chế biến món ăn cho trẻ đầy đủ và cân đối... Ngoài ra, chương trình còn thực hiện bổ sung viên sắt, acid folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại xã, phường; bổ sung vitamin A cho trẻ 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh, tẩy giun cho trẻ từ 2-5 tuổi...

Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM cũng góp sức vào chương trình phòng chống suy dinh dưỡng của TP bằng việc lồng ghép chương trình vào các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội để công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em đạt hiệu quả tốt hơn. Cụ thể Hội Liên hiệp phụ nữ TP đã chỉ đạo hội phụ nữ 24 quận, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng trong các đối tượng theo mô hình câu lạc bộ như Câu lạc bộ Nuôi con bằng sữa mẹ, Câu lạc bộ Phòng chống suy dinh dưỡng. Đồng thời truyền thông bằng nhiều hình thức dễ hiểu, thiết thực đến người dân bằng nhiều chủ đề khác nhau như chăm sóc con từ trong bụng mẹ, sữa mẹ, dinh dưỡng khi mang thai, tầm vóc và phát triển, vi chất dinh dưỡng...

Năm 2014, Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng TP.HCM đã đề ra mục tiêu duy trì tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 8% cùng nhiều mục tiêu khác như tỉ lệ trẻ 3-36 tháng tuổi được uống vitamin A đạt trên 98%, tỉ lệ phụ nữ mang thai trong diện quản lý có uống bổ sung viên sắt lúc thai kỳ đạt trên 80%...

Báo cáo hoạt động dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em năm 2012 và chín tháng đầu năm 2013, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông cho biết: năm 2012, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm còn 5,3%, trong khi cả nước là 16,2%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao so với tuổi) giảm còn 7,6%, trong khi cả nước là 26,7%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng/chiều cao là 3,5%, còn cả nước là 6,7%. Trong đó, tỉ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân tăng cao nhất ở độ tuổi từ 12-17 tháng tuổi.

Theo LÊ THANH HÀ (Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI