376 giáo viên bất ngờ bị "mất việc": UBND Huyện Vĩnh Lộc lên tiếng

07/07/2016 - 15:41

PNO - "Nói là các thầy cô phản ứng lại thì hơi quá, chỉ là có nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho nền giáo dục nước nhà thôi", ông Thanh cho biết.

Huyện làm theo chỉ đạo

Liên quan đến vụ việc 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) bỗng nhiên phải lâm vào cảnh trớ trêu thất nghiệp khi vừa được UBND huyện thông báo sẽ ngừng ký hợp đồng lao động, sáng 7/7/2016, trao đổi với PV báo Phụ nữ TP. HCM, ông Lê Duy Thanh - Đại diện phát ngôn UBND huyện Vĩnh Lộc đã chính thức lên tiếng về vụ việc này.

Theo ông Thanh, việc bỗng nhiên dừng ký hợp đồng với 376 giáo viên này không phải do huyện tự cắt hợp đồng của các thầy cô ấy, cũng không phải các cô ấy làm việc không tốt.

Mà do: "Thực hiện tinh giảm biên chế theo nghị định 39 của chính phủ, sau đó tỉnh ủy Thanh Hóa cũng ra kế hoạch số 14 về việc chấm dứt không ký lại hợp đồng lao động đối với các thầy cô đã hết hạn hợp đồng lao động", vì vậy, ủy ban huyện cũng đã thực hiện việc này, ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, nói là "chấm dứt - tức là tạm dừng không ký lại hợp đồng đối với những đối tượng đã hết hợp đồng, còn những đối tượng chưa hết hợp đồng thì vẫn làm việc bình thường cho đến khi hết hợp đồng", ông Thanh nói.

376 giao vien bat ngo bi
Hàng trăm giáo viên trẻ, tâm huyết bỗng chốc thất nghiệp (Ảnh: Lao động).

Được biết, phía UBND huyện Vĩnh Lộc đang lên kế hoạch để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người lao động bị dừng ký tiếp hợp đồng này trong thời gian tìm việc mới. Mặt khác, huyện đang rà soát các môn còn thiếu giáo viên để trình xin tỉnh cho phép ký hợp đồng với những giáo viên phù hợp trở lại với nghề.

Thế nhưng, công việc mới theo sự hỗ trợ, sắp xếp lại của huyện có thực sự phù hợp với chuyên ngành, kiến thức của các thầy cô? Với công việc mới này, các thầy cô có thực sự thích, và đam mê không?

Về điều này, ông Thanh cho hay: "Các thầy cô bị nghỉ việc có thích công việc mới của mình không thì cái này chúng tôi không thể trả lời được, vì mỗi người mỗi công việc mới, mỗi người có một sở thích... Chúng tôi cũng có giới thiệu đến các công ty, các doanh nghiệp phù hợp với công việc của người ta. Tức là mình định hướng cho người ta về những chỗ ấy để làm sau khi không làm cho nhà nước nữa theo như kế hoạch của tỉnh... chứ còn hỏi có thích hay không thì cái này chúng tôi không thể trả lời được."

Các giáo viên không phải quá khó khăn!?

Được biết, sau khi nhận được thông báo này, 376 giáo viên (đang dạy ở các cấp bậc mầm non, cấp 1, cấp 2 trên địa bàn huyện) đã rất sốc, hoang mang. Họ là những người đã có nhiều năm công tác, cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên đã có thâm niên đứng trên bục giảng 9-12 năm và rất yêu nghề.

Thông báo của lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc bất ngờ đẩy họ vào tình cảnh trớ trêu, không chỉ khó khăn về kinh tế, đảo lộn cuộc sống gia đình mà hàng trăm giáo viên lâm vào khủng hoảng tâm lý.

Thế nhưng, khi trao đổi với đại diện UBND huyện, ông Thanh lại cho rằng: "Những người lao động hợp đồng vừa nghỉ việc nhìn chung hoàn cảnh cũng bình thường thôi, không đến mức khó khăn quá hay hộ nghèo thì không có đâu".

Về phản ứng của các thầy cô trước thông báo này, ông Thanh cho hay huyện cũng tổ chức rất nhiều hội nghị, phía ngành giáo dục cũng có những động viên, thăm hỏi các thầy cô để các cô được biết trước đó, rồi cũng có những chính sách hỗ trợ, định hướng việc làm cho các thầy cô.

"Về căn bản các cô cũng hiểu đây là chủ trương của tỉnh, về huyện thì chúng tôi cũng rất trân trọng đóng các thầy cô, trong thời gian thầy cô giảng dạy, công tác ở nơi đây.

Nói là các thầy cô phản ứng lại thì hơi quá, nhưng các thầy cô cũng có thông tin trao đổi lại với cơ quan, hôm họp các thầy cô chỉ là có nguyện vọng đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà thôi, chứ không có gì gay gắt cả", đại diện phát ngôn huyện Vĩnh Lộc cho biết.

Lam Thanh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI