Từ sáng sớm 4/11 bão Damrey (cơn bão số 12) đã đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh cấp 12 với phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
|
Cơn bão số 12 làm 20 người chết, 17 người mất tích |
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão, đến 17h30 chiều nay, cơn bão đã làm 20 người chết. Trong đó, tỉnh Khánh Hoà có đến 12 người thiệt mạng, Bình Định 2 người và 3 người ở Lâm Đồng. Ngoài ra, 17 người vẫn mất tích, trong đó, Bình Định 14 người, Phú Yên 1 người, Khánh Hòa: 2 người.
Về thiệt hại tài sản, cơn bão làm hơn 500 căn nhà sập, khoảng 23.000 căn bị tốc mái, hư hỏng. Hai tàu của tỉnh Bình Định thả neo trong vùng nguy hiểm hiện vẫn chưa liên lạc được.
|
Cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong 2o0 năm qua tại khu vực Nam Trung Bộ đã làm hơn 500 căn nhà sập, khoảng 23.000 căn bị tốc mái, hư hỏng. |
Đến 16h hôm nay, sự cố lưới điện trung hạ thế gây mất điện toàn tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà; tỉnh Bình Định chỉ có huyện Tam Quan còn điện; Đắk Lắk mất điện ở 3 huyện...
Giao thông đường bộ, đường sắt cũng bị ảnh hưởng do bão Damrey. Quốc lộ 1D tỉnh Bình Định bị sạt lở ta luy 10 vị trí với diện tích lên tới 700 m3. Tại Km 1404+100 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam cũng sạt taluy lấp mặt đường giao thông gây tắc hoàn toàn.
Cơ quan chức năng cho hay, hàng chục tàu khách liên tỉnh, nội tỉnh đã phải dừng tại các ga để tránh trú bão. Hành khách được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và đảm bảo an toàn.
Chiều tối 4/11, ông Huỳnh Bài – Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bão Damrey gây mưa lớn và kèm theo gió giật mạnh làm một người chết và 2 người bị thương nhẹ cùng hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái.
|
Nhiều nhà dân bị gió quét đổ nghiêng. |
Ông Bài thông tin thêm: “Hiện có 720 ngôi nhà bị sập tốc mái, bị sập, trong đó có 108 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Một số vùng dân di cư, do nước suối dân cao, chưa tiếp cận vùng bị cô lập. Trời vẫn đang còn mưa, khả năng nước đập sẽ dâng cao. Các lực lượng sẵn sàng ứng cứu để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi có tình huấn xấu xảy ra”.
|
Nước lũ dâng cao tại Krông Bông. |
Tại Lâm Đồng, chiều cùng ngày, theo ông Phạm Triều - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, tính đến chiều nay, mưa bão đã làm cho 2 người thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi. Hai nạn nhân là bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) và Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk).
Nguyên nhân ban đầu khiến hai nạn nhân tử vong được xác định là do hai người đóng cửa ở trong nhà nên khi nước lũ đột ngột dâng cao khiến ngôi nhà bị cuốn trôi dẫn đến tử vong. Không chỉ vậy, huyện Lạc Dương còn có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 50ha hoa màu bị ngập.
|
Nhiều căn nhà tan hoang do gió bão. |
Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng mưa lớn khiến các dòng suối lớn ở thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ ở đoạn đường trên Quốc lộ 25 khiến giao thông bị chia cắt tại đoạn qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Hiện, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã yêu cầu lực lượng CSGT và các lực lượng khác sử dụng xe cảnh sát đưa người dân và phương tiện đi qua đoạn đường bị ngập.
Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu bộ GTVT, Quốc phòng, NN&PTNT và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng khẩn trương, tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, trôi dạt trên biển, nhất là các thuyền viên, ngư dân mất tích ở vùng biển Quy Nhơn, Bình Định.
|
Một chiếc tàu trôi dạt vào bờ biển Quy Nhơn |
Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh có liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với gia đình có người bị nạn và chỉ đạo cơ quan y tế sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc sức khỏe chu đáo đối với những người bị thương và tổ chức tốt việc giải quyết, khắc phục hậu quả sau cơn bão.
|
Phương Nguyên - Văn Nguyên