36 giây và sự ngụy ngôn!

28/03/2018 - 06:54

PNO - Đã tắc trách, thiếu hiểu biết, không làm tròn công việc được giao phó lại còn khua môi lấp liếm, đổ lỗi. Đó là một dạng của ngụy ngôn duyệt phim.

Tại hội nghị Nấm học châu Á 2017 do Hội Sinh học và Công nghệ sinh học TP.HCM cùng Hiệp hội Nấm học châu Á tổ chức vào tháng 10/2017, có hai nhà khoa học trẻ đến từ Trung Quốc. Trước giờ báo cáo tham luận, ban tổ chức xem qua các bản trình chiếu và phát hiện: trong bảng khảo sát vùng thử nghiệm các giống nấm tại Trung Quốc, hai nhà khoa học này đã “vô tình” lèn “đường lưỡi bò” vào, mặc nhiên xem là thuộc lãnh thổ của họ. Lập tức, đường vẽ phi lý này bị loại bỏ trước khi đăng đàn báo cáo.

36 giay va su nguy ngon!
 

Ngay trong khoa học, họ vẫn sẵn sàng khuất lấp sự trung thực lịch sử để ngụy tạo và truyền bá một hình ảnh địa - chính trị sai lệch, không tuân theo luật định; thì nói gì đến trong điện ảnh - nơi ống kính và sự phô diễn hình ảnh về sức mạnh quân sự là chủ đích của một thái độ và tư tưởng ngông cuồng độc chiếm Biển Đông - lại không là “ẩn ý sâu sắc” - như lời thú nhận trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đăng tải ngày 28/2, khi nói về bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ.

Mà có ẩn ý gì cho cam, có sâu sắc gì cho lắm. Nó lồ lộ ra đó thôi, nó khoe mẽ và thách thức. 36 giây để miêu tả cảnh tàu chiến của hải quân Trung Quốc giương oai trên Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải), “trục xuất tàu lạ nước ngoài tự ý xâm nhập vào khu vực quần đảo Nam Sa (thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các đảo đá liên quan: hãy lập tức rời khỏi đây” - cũng là bài viết đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 28/2.

Đáp trả, sáng 26/3, bà Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam Lý Phương Dung thì cho rằng, chẳng qua là công luận “suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận”.

Chiều 26/3, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam, trong thông cáo báo chí cũng đã kết luận 36 giây ấy với “những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.

Vậy xin hỏi, căn cứ nào để những nhà làm phim Trung Quốc xác định lãnh hải Trung Quốc và đường tiếp giáp lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông để dàn dựng những cảnh quay trong 36 giây cuối đó? Chiều rộng không quá 12 hải lý (tương đương 22,2km) tính từ thềm lục địa (lãnh hải) và tiếp thêm 12 hải lý ra phía biển (đường tiếp giáp lãnh hải), họ đã và đang tính trên căn cứ đường cơ sở nào?

Nếu đã là khu vực Biển Đông, theo phân tích của giáo sư - Thiếu tướng Lê Văn Cương thì Luật Biển quốc tế “quy định rõ các tàu thuyền nước ngoài được quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải và thường lưu thông theo tuyến phân luồng giao thông hàng hải do nước ven biển quy định. Do đó, nếu như tàu hải quân Trung Quốc mà xua đuổi tàu lạ tiến vào lãnh hải Trung Quốc thì sẽ vi phạm Luật Biển quốc tế nếu như những tàu này chỉ qua lại bình thường không gây hại”.

Sau những màn rượt đuổi, bắn phá theo kiểu của một bộ phim “bom tấn” châu Á, từ phim trường trên bộ, 36 giây cuối cùng là phim trường trên biển, với cái kết dụng ý thổi bùng tinh thần vị quốc vong thân và phô trương sức mạnh quân sự trên biển - như tiếp nối cho chiến dịch tuyên truyền tham vọng soán biển của một Trung Hoa lục địa.

Chả nhẽ, những nhà làm phim, bình phim và chịu trách nhiệm lọc duyệt phim của Việt Nam, trong 36 giây, không nhìn ra cái thâm ý lồ lộ ấy? Phim ảnh nghệ thuật vốn chứa đựng tính liên tưởng, tính tư tưởng và dĩ nhiên, sức mạnh truyền bá những thông điệp về con người, về cuộc sống, trong trường hợp của Điệp vụ Biển Đỏ là về sức mạnh Trung Quốc, là cái dân tộc tính bá cường trên biển (qua 36 giây) - mà nhân dân Việt Nam đủ tình yêu và niềm tự hào dân tộc, đủ ý thức về chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm mà suy luận chứ không hề “suy diễn”, mà lên tiếng để bảo vệ quyền chủ quyền dân tộc một cách khách quan chứ không hề “chủ quan”, thưa bà Lý Cục phó!

Tôi đã đến Trường Sa. Ở đấy, mỗi ngọn sóng, mỗi cọc nhọn Bạch Đằng là một lá chắn thép để bảo vệ từng giây từng khắc trước tai mắt, dòm ngó và tham vọng của các thế lực ngoại bang. Cái thực tế ấy không hề ảo ảnh như… phim, mà ngay cả phim (Trung Quốc), ảo như thật, thật mà xảo.

Đang thật chứ nào phim, mới trung tuần tháng Ba này, Trung Quốc đơn phương đưa ra quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bao gồm một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có hiệu lực từ 12g ngày 1/5 đến 12g ngày 16/8. Gần 20 năm nay, kể từ năm 1999, năm nào mà Trung Quốc chả tự ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Phô trương và lớn giọng xua đuổi tàu bè của các nước ra khỏi vùng lãnh hải không thuộc về chủ quyền của mình, lại còn giương lá cờ dân tộc để cổ xúy cho hành vi ngang ngược xâm chiếm chủ quyền của một dân tộc khác. Đó là một biểu hiện của ngụy quân tử làm phim.

Đã tắc trách, thiếu hiểu biết, không làm tròn công việc được giao phó lại còn khua môi lấp liếm, đổ lỗi. Đó là một dạng của ngụy ngôn duyệt phim. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI