357 cơ sở giáo dục TPHCM "vượt khó" đạt chuẩn quốc gia

28/05/2023 - 16:16

PNO - TPHCM hiện có 357 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm gần 11,3%) dù gặp nhiều áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất, trường lớp.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia là yêu cầu trọng tâm được Bộ GD-ĐT, UBND TPHCM đặt ra cho ngành giáo dục TPHCM. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy TPHCM gặp rất nhiều rào cản khi xây dựng trường chuẩn quốc gia do áp lực về sĩ số học sinh, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp.

Tính đến nay, TPHCM có tổng cộng 357 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia cả trong và ngoài công lập trên tổng số 3.160 trường, điểm trường toàn thành phố. Trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non là 233 trường, tiểu học là 46 trường; THCS có 56 trường; THPT có 22 trường.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong một hoạt động thể thao tại trường
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong một hoạt động thể thao tại trường

Ông Võ Thiện Cang - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ, áp lực về sĩ số học sinh, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp là rào cản lớn của TPHCM khi xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Có trường đạt điều kiện về số lớp học, cơ sở vật chất thì lại bị quá tải về sĩ số học sinh; Có trường sĩ số lớp chỉ vượt khoảng 2-3 học sinh/lớp cũng không thể được xếp chuẩn quốc gia; Trường đạt điều kiện về sĩ số học sinh/lớp lại gặp khó ở tiêu chí về số lớp học… Do vậy, để một trường đạt được kiểm định, công nhận trường chuẩn quốc gia là nỗ lực rất lớn của nhà trường, địa phương.

“Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cần phải có chiến lược dài hơi trong vòng vài năm để từ đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như giảm tải về sĩ số học sinh, số lớp học trong trường, tiệm cận dần với các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Trong điều kiện các quận, huyện đều gặp áp lực về sĩ số học sinh thì đây là bài toán khó, đòi hỏi từng địa phương phải có chiến lược, đặt ra từng mục tiêu trong mỗi giai đoạn. Khi đạt được chuẩn quốc gia sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục”- ông Võ Thiện Cang nhìn nhận.

Là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cô Vũ Đỗ Thuý Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3) - chia sẻ, trường đã xây dựng kế hoạch 5 năm thành 2 giai đoạn, với lộ trình cụ thể từng giai đoạn. Trường chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để đội ngũ, nhân viên và phụ huynh hiểu, nắm được tính cần thiết khi phấn đấu xây dựng chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2, nhất là trong bối cảnh giáo dục hiện nay để đội ngũ đồng thuận, chia sẻ, phụ huynh an tâm, hỗ trợ… 

TPHCM tăng trung bình mỗi năm trên 20.000 học sinh, là khó khăn lớn khi xây dựng trường chuẩn quốc gia
TPHCM tăng trung bình mỗi năm trên 20.000 học sinh, là khó khăn lớn khi xây dựng trường chuẩn quốc gia

Ở bậc THPT, Trường THPT Lê Quý Đôn là đơn vị duy nhất toàn thành phố đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, trường chuẩn quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường, song ngay từ đầu cũng đòi hỏi cao về các điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Trong điều kiện đổi mới giáo dục, nhà trường khống chế sĩ số cũng như trang bị cơ sở vật chất, song song nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy.

“Để làm được phải có sự đồng thuận cao từ cả nhà trường, đội ngũ và cha mẹ học sinh, chung tay với các mục tiêu mà nhà trường đặt ra…”- cô Bùi Minh Tâm nhấn mạnh.

Quy định định mức đất chưa phù hợp với đặc thù TPHCM

Theo quy định của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học là: mầm non từ 10-12m2/học sinh; tiểu học, THCS từ 8-10m2/học sinh; THPT 10m2/học sinh.

Chỉ tiêu trên được quy định để xem xét điều kiện đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, xét đạt tiêu chí trường chuẩn các cấp độ đối với các công trình trường học hiện hữu và là cơ sở để tính phương án quy mô đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới trường lớp…

Quy định về định mức đất bình quân/học sinh hiện nay quá cao so với đặc thù TPHCM
Quy định về định mức đất bình quân/học sinh hiện nay quá cao so với đặc thù TPHCM

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - định mức trên là khá cao so với đặc thù của TPHCM, đã tạo không ít khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay trên địa bàn thành phố.

“Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố hiện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý, chất lượng giảng dạy. Điều kiện về sân chơi, bãi tập đều bị co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học…, là những khó khăn khi thành phố xây dựng trường chuẩn quốc gia…” - ông Hiếu nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị UBND TP kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ sửa đổi từ diện tích tối thiểu thành diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời thành phố có cơ chế giải pháp đặc thù, ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa…

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI