Với 300 triệu đồng, tôi có cơ hội đầu tư một shop quần áo nhỏ, thu nhập ổn định, trong khi công việc chính hiện tại là giáo viên ở một trường quốc tế. Câu chuyện làm sao để có số tiền ban đầu ấy với cô gái con nhà nghèo, lại nhút nhát như tôi là cả một nỗ lực.
Ảnh: Phùng Huy
Đồng ý mức lương 1,8 triệu/tháng
Năm 2008, tôi là sinh viên năm 2 Đại học Sư phạm. Ngoài tiền đóng học phí, hàng tháng má tôi vẫn gửi cho tôi hai triệu đồng. Trong mắt bạn bè, tôi là tiểu thư… con nhà nghèo. Tôi sợ đi xin việc, đơn giản chỉ vì sợ người ta hỏi nhiều, sợ bị bắt nạt. Tôi là đứa duy nhất trong phòng trọ chưa có việc làm thêm. Một buổi sáng thứ Bảy, em trai tôi khi ấy học năm nhất Đại học Sư phạm kỹ thuật nhắn tin cho biết đang nằm ở bệnh viện Thủ Đức và không quên dặn “má đang kẹt tiền, chị Hai đừng nói cho ba má biết”. Tôi đón hai tuyến xe buýt xuống thăm em. Cô y tá trực bảo em tôi bị suy nhược cơ thể. Em vừa đi học vừa làm nhân viên quán internet gần trường. Công việc ở quán internet từ 20g đến 2g sáng, trưa thì em làm thêm hai tiếng rửa chén cho quán cơm. Với thu nhập ấy, em tôi đã có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt.
Trên đường về lại nhà trọ vào sáng sớm đầu tuần, tôi nhìn thấy dòng tin tuyển dụng của một hãng xe khách nhỏ “tuyển nhân viên tổng đài, xếp lịch xe ca chiều tối. Ưu tiên nữ”.
Sợ chậm chân, tôi chạy như bay về nhà trọ thay đồ, khoác ba lô rồi đạp xe ra đợi sẵn. 7g sáng, văn phòng nhà xe mở cửa. Tôi may mắn gặp ngay chị giám đốc. Chị nói: “Công việc là trực tổng đài khách gọi đặt xe và xếp lịch cho tài xế, nhận hàng, bưu phẩm khách chuyển đi. Làm ngày lễ thì được tính lương gấp đôi”. Tôi hỏi lại: “Dạ lương bao nhiêu một tháng vậy chị?”. “1,8 triệu, nhà xe bao cơm tối”. Tôi trả lời: “Em làm được, chị không cần tính thêm lương ngày lễ cho em đâu”. Tôi bắt đầu công việc ngay chiều hôm ấy.
Các bạn chung phòng trọ nói ngày làm chín tiếng thì lương như vậy là hơi thấp, nhưng tôi không bận tâm. Cơ bản hàng tháng tôi cần 500.000đ tiền nhà trọ, điện nước, 900.000đ tiền ăn (ba người nấu cơm chung, mà đi làm tôi sẽ không ăn tối ở phòng trọ), tôi vẫn còn 400.000đ cho các chi tiêu khác. Quan trọng là lúc tôi cần việc nhất, tôi đã có được công việc đem lại mức thu nhập phù hợp. Tiếp xúc nhiều người mỗi ngày ở nhà xe giúp tôi dạn dĩ và có nhiều kỹ năng giao tiếp hơn.
Năm 2010, tốt nghiệp cử nhân loại khá, tôi loay hoay với suy nghĩ sẽ về quê hay bám trụ lại Sài Gòn. Nếu về quê đợi xin việc, tôi chẳng khác gì gánh nặng cho gia đình vì ba má đã lớn tuổi, lại còn đang nuôi đứa em út học cấp III. Gọi điện về tâm sự với ba, ba nói: “Về đi, má bay bán mấy công đất xin việc cho, nghe nói sắp có đợt thi tuyển công chức đó”.
Câu nói của ba khiến nước mắt tôi chảy dài trong lúc đạp xe về lại nhà trọ trong hẻm nhỏ trên đường Cao Thắng. Cả đêm hôm ấy tôi không chợp mắt được. Phần vì cảm giác nếu về quê sẽ tiếc nuối thành phố này, phần vì nếu ở lại với mức lương 2,5 triệu/tháng ở nhà xe (đã tăng lương) thì sẽ kéo dài đến bao giờ. Tôi cần tìm một công việc mới, một công việc sẽ trở thành nghề.
Tôi đã thành công từ việc kinh doanh bàn ghế phục vụ cà phê
Và từ chối lương 5 triệu một tháng
Vì không có hộ khẩu thành phố, tôi gửi đơn xin việc đến các công ty môi giới nhân sự, trường trung học tư thục. Một trường tư gọi tôi lên phỏng vấn, đưa ra lý do tôi chưa có kinh nghiệm nên đề nghị ký hợp đồng sáu tháng, sau một năm sẽ ký hợp đồng lao động chính thức, lương tháng năm triệu và phụ cấp các khoản 500.000đ.
Sau mấy phút suy nghĩ, cuối cùng tôi đã từ chối vì cảm giác “thiếu an toàn”. Xét về hiệu quả chi tiêu, mức thu nhập năm triệu một tháng ở thành phố khi đó có lẽ không lớn hơn so với thu nhập 1,8 triệu cách đây hai năm bao nhiêu do trượt giá. Tôi cần định hướng cho tương lai thay vì giải pháp tạm thời. Thêm một số lần khác đi phỏng vấn không vừa ý, tôi quyết định duy trì công việc ở nhà xe. Thời gian buổi sáng tôi tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, nói chuyện với khách du lịch nước ngoài tại công viên 23/9 hoặc đọc sách báo nói về định hướng nghề nghiệp, tương lai. Tôi đặc biệt yêu thích những câu chuyện khởi nghiệp. Trong mắt bạn bè, giờ tôi không chỉ là một đứa con nhà nghèo nữa mà còn… bị hâm.
Tham gia các câu lạc bộ, tôi có rất nhiều bạn mới, kể cả bạn người nước ngoài. Thỉnh thoảng, tôi nhận làm hướng dẫn viên du lịch. Dù không phải làm dịch vụ nhưng thường một nhóm khách nước ngoài ba-bốn người trả cho tôi 10-15 USD sau một buổi sáng giới thiệu các địa điểm tham quan ở trung tâm thành phố. Hầu như tháng nào hướng dẫn viên không chuyên như tôi cũng có ít nhất năm lịch hẹn. Điều mà khách du lịch mang lại cho tôi không chỉ là tiền, họ còn giúp tôi thích nghi được với vận tốc nói “nhanh như gió”, thứ mà tôi không thể học trước đó ở nhà trường.
Lúc này, trào lưu kinh doanh các quán cà phê Take Away bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Đi đâu người ta cũng nói về mô hình cà phê rang xay giá rẻ hơn gấp đôi, gấp ba, so với các quán cà phê kiểu cũ. Có gần chục triệu đồng tiết kiệm suốt hai năm trời, tôi còn định rủ bạn hùn vốn mở quán. Tuy nhiên, may mắn là bạn bè tôi ít người “quyết đoán” nên dự định đó đã không thực hiện. Dù vậy, tôi vẫn hàng ngày nhìn vào quán cà phê Take Away hay hay, lạ lạ gần nhà xe để tìm ra điều gì đó cho riêng mình.
Nhìn những bộ bàn ghế nhỏ nhắn trong quán, tôi nghĩ chúng được đóng từ những thanh gỗ vứt đi. Những xưởng gỗ gần nhà tôi ở quê thậm chí còn bán với giá rẻ bèo cho các lò rượu mua về làm củi. Tôi bèn tìm đến những cửa hàng chuyên bán bàn ghế để hỏi giá, sau đó nhờ bạn chụp vài mẫu bàn ghế ở các quán, đem ảnh về quê. Đúng như tôi dự đoán, chi phí sản xuất ở thành phố cao và cạnh tranh nhiều dẫn đến giá bàn ghế cao hơn ở tỉnh từ 15-20%, thậm chí 30%.
Sau khi tìm hiểu hai xưởng gỗ và một xưởng mộc gần nhà, tôi quay lại thành phố và tìm đến các địa chỉ đang cho thuê mặt bằng làm quán cà phê. Tôi để lại các mẩu rao bằng nửa tờ giấy A4 nội dung “Cung cấp bàn ghế cà phê Take Away giá rẻ”. Sau khoảng 30 địa điểm như thế, tôi bắt đầu có đơn hàng đầu tiên.
Ngay sáng hôm sau, tôi đón xe về xưởng gỗ ở Tân Uyên, Bình Dương chọn mua theo các loại kích cỡ, bên bán gỗ chở sang xưởng mộc. Tôi còn nhớ số tiền tiết kiệm khi ấy đủ để mua gỗ và trả tiền vận chuyển bàn ghế theo xe tải người quen đến Hàng Xanh, một nửa tiền công đóng bàn ghế tôi phải xin khất lại hai ngày sau khi lấy hàng. Từ Hàng Xanh vào quận 3, tôi phải thuê hai xe ba gác máy chở. Sau đơn hàng đầu đời ấy, trừ tất cả chi phí, tôi kiếm được hai triệu đồng, gần bằng cả tháng lương hiện tại. Tôi vẫn tiếp tục công việc ở nhà xe.
Biết tôi có thể cung cấp các loại bàn ghế này, nhiều khách hàng của nhà xe sau đó đã trở thành khách hàng của tôi khi họ hoặc người quen mở quán. Vui nhất là hai đơn hàng lớn nhất của tôi lại đến từ chị giám đốc. Chị giới thiệu cho tôi hai người bạn của chị mua gần 100 bộ. Ngoài nhận đóng bàn ghế, tôi còn nhận mua đi bán lại bàn ghế cũ.
Trong bối cảnh hàng ngàn quán cà phê Take Away xuất hiện, công việc mua bán của tôi phát triển rất tốt và gần như không gặp phải sự cạnh tranh nào. Từ năm 2011 đến cuối năm 2013, tôi kiếm được gần 300 triệu. Nhiều khách hàng sau này tâm sự, họ không chỉ mua hàng của tôi do giá rẻ hơn mà trước đó họ được nghe thông tin giới thiệu tốt từ bạn bè. Lúc mua bán, giao hàng, tôi rất cẩn thận, sẵn sàng nhận lỗi về mình khi nghe phản hồi không tốt. Sau khi giao hàng, tôi vẫn giữ thói quen gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm xem những người mua bàn ghế của tôi kinh doanh có tốt không. Với tôi, đó không chỉ là chuyện quan tâm họ mà còn là để bản thân tôi được học hỏi, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm.
Với số tiền 300 triệu đồng, tôi đã có vốn mở một cửa hàng quần áo trẻ em trên đường Lê Văn Sỹ. Sau hơn một năm, lợi nhuận hiện nay từ 10-15 triệu một tháng, cuộc sống với tôi khá ổn định. Hiện tôi đang là giáo viên trường quốc tế. Không ít lần tôi tự đặt ra hai giả thiết: nếu tôi không đồng ý làm việc ở nhà xe ấy và tôi đồng ý dạy ở trường tư thục ấy thì sao? May mắn là tôi biết mình cần bao nhiêu trước khi nghĩ về tiền. Cũng nhờ điều này, tôi đã thoát khỏi thất bại trong lúc kinh doanh bàn ghế.
Từ cuối năm 2013, khi cà phê Take Away bắt đầu “tháo chạy”, nhiều người kinh doanh bàn ghế không kịp nhận ra. Họ từ những người mua đi bán lại nhỏ lẻ đã đặt hàng cả trăm bộ rồi thuê kho trữ hàng bán dần nhằm kiếm lời. Thấy hàng “đi” chậm, họ còn bỏ tiền đăng tin rao bán tràn lan trên các báo để cứu vãn tình thế, nhưng, mọi cách giải cứu đã không thể thành công.
QUỐC QUANG
(Viết lại từ lời kể của Nguyễn Thị Minh, SN 1988, ngụ P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Bạn đọc tham gia viết cho mục “Kiếm tiền ở Sài Gòn” xin mời gửi bài về địa chỉ email: bandocphunu@gmail.com