PNO - PNO - Không phải nỗi thất vọng, chí ít về doanh thu khi vẫn "trỗi dậy" thống trị các rạp chiếu, nhưng 300: Đế chế trỗi dậy đã không thể vượt qua cái bóng của 300 phần trước và còn bị so sánh với những bộ phim truyền hình 18+...
edf40wrjww2tblPage:Content
Khó có thể nói 300: Rise of an empire là phần tiền truyện hay hậu truyện của 300 chiến binh lừng lẫy năm 2007. Đó là một câu chuyện diễn biến song song về thời gian với 300, xen lẫn hồi tưởng về quá khứ của các nhân vật. Qua lời kể của hoàng hậu Gorgo, người quả phụ của vua Leonidas I, khán giả gặp gỡ một người anh hùng khác: Themistocles, người đã "kết hôn" với nền cộng hoà và hạm đội Hy Lạp, với lý tưởng chiến đấu và tự do cả đời đeo đuổi. Trong khi vua Leonidas I xứ Sparta dẫn 300 chiến binh của mình xuất chinh chống lại Xerxes - "thần vương" Ba Tư trên cạn, thì Themistocles cũng đang nỗ lực tập hợp hạm đội các thành bang Hy Lạp đối đầu với nữ tướng Artemisia trên biển.
Câu chuyện của phần 2 lý giải hành trình của hoàng tử Xerxes, từ đứa con bất lực nhìn vua cha Darius đại đế bị Themistocles bắn chết, đến lột xác thành "thần vương" huyền thoại. Cũng là hành trình của Themistocles kêu gọi thống nhất các thành bang Hy Lạp chống lại kẻ thù, đồng thời sửa chữa sai lầm cá nhân đã không giết Xerxes khi có thể. Và là hành trình của Artemisia, xuất thân là một người Hy Lạp, mà cả gia đình lại bị chính đồng bào hãm hại. Mang trong mình đầy hận thù, sau khi được người Ba Tư cứu vớt, Artemisia đã quyết nhấn chìm vùng đất cô sinh ra...
Có phần lấn lướt những gã đàn ông khoe cơ bụng sáu múi, gào thét và đâm chém, Eva Green - nữ minh tinh người Pháp được ưu ái nhiều đất diễn để thể hiện một nhân vật nội tâm phức tạp và đánh kiếm siêu phàm. Hoá thân thành một phụ nữ vẫy vùng thống trị trong thế giới đàn ông - bên cạnh ngạo mạn vẫn là cô đơn và khao khát cả tình nhân lẫn đối thủ xứng tầm, diễn xuất cường điệu của Eva Green trở nên phù hợp. Thế mạnh của cô: bộ ngực căng tròn và sẵn sàng... khoe cũng được đạo diễn tận dụng. Một cảnh sex trần trụi dài hơn 3 phút giữa Artemisia (Eva Green) và Themistocles (Sullivan Stapleton) đã bị cắt khi trình chiếu tại một số nước, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong cảnh ấy, cùng những màn slow-motion (quay chậm, đặc tả cận cảnh) máu chảy đầu rơi kế thừa từ 300, bộ phim đã bộc lộ thế kẹt của mình giữa người anh nổi tiếng và những gã đàn em truyền hình mới nổi.
Nếu đã từng xem cận cảnh một chiến binh bị chém đầu trong 300 ngày nào, rồi chứng kiến Spartacus bản phim truyền hình dùng kiếm xẻ bụng và vạt não đối thủ, thì cảm giác kinh hoàng, lợm giọng, sửng sốt không thể nguyên vẹn khi 300: Rise of an empire ra rạp. Những màn chiến đấu, dù công nghệ đã phát triển hơn hẳn, hình ảnh được xử lý 3D mượt mà để hạn chế tối đa cảm giác giả tạo, nhưng không còn yếu tố tiên phong hay bất ngờ như phần đầu.
Nếu màn ái ân được quay đầy cởi mở giữa vợ chồng vua Leonidas ở 300 còn mang âm hưởng thi vị, thì cuộc truy hoan giữa hai chiến tướng trong Đế chế trỗi dậy được chính nữ diễn viên Eva Green thú nhận về mức độ "bầm dập": "Chúng tôi (cô và bạn diễn Suliivan Stapleton - NV) gần như phải giết nhau trong cảnh ấy!". Cảnh nóng đó không mấy lãng mạn cho bộ phim mang chất hùng ca, song thú vị trong cách miêu tả cuộc vật lộn giữa hai đối thủ ở một "chiến trường" khác.
Cuộc truy hoan trong 300: Rise of an rise
... và những hình ảnh "bỏng mắt" trong phim truyền hình Spartacus
Nhưng một số nhà phê bình đã so sánh đẳng cấp bộ phim với game đồ hoạ và phim trên trên truyền hình cáp. Sự so sánh ấy cũng dễ hiểu: Từ thời Rome đến Spartacus, Games of Thrones, Da Vinci's Demons... , phim truyền hình 18+ tập trung vào sex và bạo lực ngày càng "nặng đô". Trong khi đó, 300: Rise of an empire không thể "dã man" bằng, nhiều nơi còn bị cắt xén những cảnh "nóng" và máu me nhất. Các kênh Starz, HBO, Fox... lấy cảm hứng từ 300, đã khai thác say sưa những âm mưu, phân tranh và chiến đấu bối cảnh cổ đại; với những gã đàn ông và những ả đàn bà có thể lao vào nhau với hết thảy đam mê cuồng dại nhất rồi sau đó... giết nhau quyết liệt hơn!
Cố gắng kể một câu chuyện sử thi mạch lạc, xây dựng đại cảnh đụng độ giữa hai hạm đội hoàng tráng, âm nhạc sử dụng khá tinh tế trong một bộ phim cần nhiều ồn ào và mạnh mẽ... song 300: Rise of an empire chẳng có mấy đột phá. Dẫu thành công của phần trước là áp lực, thì phim cũng sẽ không "trỗi dậy" mạnh mẽ đến vậy nếu không gắn con số 300 trước tên phim.
300: Đế chế trỗi dậy đang tiếp tục hiện diện trong top 10 các phim ăn khách nhất khu vực Bắc Mỹ tuần qua. Dù điểm phê bình không cao (hiện đạt 42 trên 100% tại trang tổng hợp phê bình uy tín Rotten Tomatoes), nhưng phần đông khán giả vẫn ủng hộ bộ phim, không màng tới chỉ trích về các lỗi phi logic so với phần đầu và sai lệch lịch sử (như hoàng hậu Gorgo bị ức hiếp phần trước bỗng vụt thành một nữ chiến binh oai dũng, hoặc sự thật Darius không hề có mặt tại trận Marathon để hứng tên...). Với tình hình lợi nhuận khả quan, một phần 3 để nhân vật Xerxes mờ nhạt toả sáng hơn thực sự khả thi.
Từ độ ăn khách của 300: Rise of an empire, cùng thống kê trong vài năm qua cho thấy các chương trình truyền hình thực tế đã nhường bước cho phim truyền hình 18+ hốt bạc về cho nhà đài, có thể thấy xu hướng dòng phim "nóng và đánh" đang có vị thế ra sao.
Phim đang chiếu tại các rạp Việt Nam, từ ngày 21/3.