30 suất diễn quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “học tập Bác”

01/11/2023 - 14:09

PNO - Trong năm 2023, sẽ có 30 suất biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu chất lượng cao, có nội dung thiết thực về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM. Nhà hát Kịch TPHCM chịu trách nhiệm kết nối, tổ chức biểu diễn.

Phó giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM Trần Quý Bình
Phó giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM Trần Quý Bình thông tin về đợt biểu diễn, quảng bá.

Phó giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM Trần Quý Bình cho biết, đây là đợt biểu diễn quảng bá đầu tiên được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chỉ đạo nhằm kết nối, phát huy không chỉ các đơn vị nghệ thuật công lập, mà cả các sân khấu xã hội hóa cùng đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng đến với số đông khán giả.

Từ đó, cộng đồng trách nhiệm trong việc tạo không gian nghệ thuật đặc trưng của TPHCM, góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo định hướng.

Theo đó, sẽ có 30 suất diễn cho 6 tác phẩm nghệ thuật (5 suất/tác phẩm), bao gồm: tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Đoàn Văn công Quân khu 7), kịch múa Tổ quốc (Trường Múa TPHCM), vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TPHCM), vở kịch Cánh đồng rực lửa (Sân khấu kịch Quốc Thảo), vở kịch Rặng trâm bầu (Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi), vở kịch thiếu nhi Đại náo long cung (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ).

Trailer giới thiệu 6 tác phẩm được biểu diễn quảng bá đợt này (Nguồn: Nhà hát Kịch TPHCM cung cấp)

Đợt diễn khởi động từ ngày 12/11 với suất diễn đầu tiên của vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung tại Trung tâm văn hóa Quận 8 và kéo dài đến ngày 9/12 với chương trình quảng bá vở kịch múa Tổ quốc tại quận Tân Phú. Các chương trình phục vụ cán bộ, công nhân viên các cơ quan, tổ chức và nhiều địa phương, trường học trên địa bàn TPHCM.

Tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Huỳnh Quang Trí)
Tác phẩm Huyền thoại rừng Sác (biên đạo: Huỳnh Quang Trí) kể về những chiến công huyền thoại của các chiến sĩ "đặc công rừng Sác" qua nghệ thuật múa giàu sức biểu trưng và đầy cảm xúc.
Kịch múa Tổ quốc (biên đạo: NS ƯT Tạ Thùy Chi -
Kịch múa Tổ quốc (biên đạo: NSƯT Tạ Thùy Chi - NSND Hà Thế Dũng - Lương Xuân Thành) khái quát cuộc đấu tranh gian khó của dân tộc từ khi đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc năm 1954, trải qua bao hy sinh, mất mát để đi đến khúc khải hoàn ngày 30/4/1975.
Cuộc hành trình tìm bức chân dung
Vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn) nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam, nhất là các em thiếu nhi, đối với Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh, mà Người luôn là ánh sáng soi đường, hướng đến độc lập, thống nhất.
Vở kịch Cánh đồng rực lửa (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc)
Vở kịch Cánh đồng rực lửa (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) tái hiện lát cắt bi tráng về sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến tại bưng Láng Sấu, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh vào đêm 15/6/1968 khi làm nhiệm vụ tiếp thương, tải đạn trong đợt Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (đợt 2).
Vở kịch Rặng trâm bầu (kịch bản: Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi)
Vở kịch Rặng trâm bầu (kịch bản: Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi) tái hiện nguyên mẫu cuộc đời Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân - Mẹ Việt Nam Anh hùng - Liệt sĩ Đoàn Thị Nghiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cùng cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam gian lao mà anh dũng.
NS ƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ, chủ động giới thiệu một tác phẩm thiếu nhi là vở kịch Đại náo long cung (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) đến với đợt diễn, vì việc xây dựng lớp khán giả kế thừa rất quan trọng trong công cuộc phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI