30 phút chất lượng cho con: Về quê - cuộc huấn luyện “cồng kềnh” mà chất lượng

18/01/2023 - 05:32

PNO - Đưa con về quê, ngoài ý nghĩa lớn lao như thăm ông bà, quê hương… các con và chính tôi không hề nhận ra đó cũng là một cuộc “huấn luyện” đầy chất lượng.

Tôi làm việc ở miền Nam, quê tôi ở một tỉnh miền Bắc không có sân bay. Hằng năm, tôi nghỉ tết sớm hơn chồng nên thường một mình đưa con về quê ăn tết. 

Trong các chuyến đi, con trai tác giả luôn trông chừng em gái
Trong các chuyến đi, con trai tác giả luôn trông chừng em gái

Những người vận chuyển nhí vui vẻ 

Bình thường đã di chuyển mấy chặng tàu xe, mấy năm nay, vận dụng cách tiết kiệm tiền vé máy bay, tôi chọn một thành phố miền Trung hoặc Tây Nguyên để “nối chuyến”, đường về quê thêm vòng vèo. Trung bình, mỗi lượt mẹ con tôi phải “tha” nhau đi 2 chặng máy bay, 4 chặng ô tô và 1 chặng xe lửa, chưa tính các chặng gần phải đi taxi, xe ôm, đi bộ…

Chuyến đi “cồng kềnh” đúng nghĩa đen, với bao nhiêu áo lạnh, đồ đạc khiến tôi sợ hãi. Chưa kể, để đảm bảo công việc trực tết online, tôi còn phải đem theo máy tính và một số phụ kiện khá nặng. Vậy nên, từ khi các con có thể chạy nhảy, tôi đã huấn luyện chúng tự lập để mẹ… dựa.

Không chỉ giúp mẹ, ở sân bay Tân Sơn Nhất tết 2 năm trước, con gái 6 tuổi của tôi vừa tự đeo ba lô, vừa xách đồ giúp một nữ hành khách xếp hàng và lên thang máy bay. Cô ấy đi cùng em bé mới vài tháng tuổi, hành lý cho con mọn rất lôi thôi, vất vả. Sự hỗ trợ của mẹ con tôi đã khiến cô ấy nở được nụ cười sau nhiều phút con quấy khóc trên tay.

Con gái, con trai tác giả đều thích  tự đẩy vali và quản hành lý của mình
Con gái, con trai tác giả đều thích tự đẩy vali và quản hành lý của mình

Từ hồi chưa lập gia đình, tôi đã thích các bài viết so sánh giữa trẻ phương Tây và trẻ Việt Nam. Trên đường phố, trẻ Tây đeo ba lô của mình hoặc tự kéo hành lý. Ngược lại, trẻ Việt cùng độ tuổi thì thậm chí mẹ phải bồng, phải dắt trong khi cha mẹ lỉnh kỉnh đồ đạc, tay xách nách mang. Vì thế, từ tuổi mẫu giáo, trước mỗi chuyến du lịch, con tôi đã biết tự xếp hành lý vào ba lô riêng và tự đeo/xách khi đủ sức. Tôi cũng cho con gửi một phần vào vali của cha mẹ nếu ba lô chật chỗ.

Cha mẹ cũng có thể xách hay cầm giùm khi bé mệt nhưng nhiệm vụ “quản lý tài sản” là của con. “Mất ráng chịu, thiếu đồ ráng chịu” - tôi hay nói với con như vậy và dù đã kiểm đồ giúp con, chúng tôi vẫn có thể thiếu này thiếu kia. Việc xử lý rắc rối không quá khó vì ngày nay, đồ dùng thiết yếu có thể mua ở mọi địa phương.

Đường về quê của mẹ con tác giả luôn đủ các phương tiện: máy bay, xe lửa, xe buýt, taxi, xe ôm…
Đường về quê của mẹ con tác giả luôn đủ các phương tiện: máy bay, xe lửa, xe buýt, taxi, xe ôm…

“Thiếu nhi nghiêm túc" trong phòng chờ 

Khi dạy con, tôi hay “lo xa” nên hình dung trước các tình huống nhằm tránh vết xe đổ. Ở các nhà chờ bến bãi, phòng đợi máy bay, bạn rất dễ gặp cảnh những đứa trẻ la hét, khóc lóc, mở iPad lớn tiếng, chạy nhảy lộn xộn, đòi mua này mua kia… Con tôi thì không vậy. Chúng rất trật tự và thực sự là những “thiếu nhi nghiêm túc”. 

Tôi cũng không nhất thiết phải nắm tay con thật chặt bởi từ khi còn rất nhỏ, các con tôi đã được dạy về kỷ luật.

Chúng sẽ phải luôn quan sát. Nếu có di chuyển, ít nhất cũng phải thấy mẹ trong tầm nhìn, xếp hàng mua sắm đúng lượt, không tự ý rời hàng hay đi đâu không xin phép. Tàu xe ngày tết lộn xộn, đông đúc; nếu trẻ quậy phá, thiếu kỷ luật, không chỉ cha mẹ mệt mỏi mà còn ảnh hưởng tới sự an toàn cho trẻ, cho người xung quanh, phiền tới nhân viên an ninh.

Theo tôi, dạy con kỷ luật là bài học cần thiết số 1 và cũng khó dạy số 1. Cha mẹ không thể đưa lý thuyết và buộc con theo mà phải làm gương, nhắc nhở mỗi ngày. Ví dụ về việc xả rác. Trên xe máy của tôi từ xưa tới nay luôn treo 1 túi nhỏ đựng kiểu rác “bất thình lình” để đem bỏ nơi quy định. 

Lớn lên cùng thói quen tốt của cha mẹ, đương nhiên trẻ sẽ thực hành theo. Con tôi không có thói vứt rác bừa bãi. Nếu không tìm ra thùng rác, chúng sẽ phải tự thu xếp để cất/cầm rác, thậm chí đem rác về nhà, bỏ vào thùng rác gia đình… Trên các hành trình về quê hay du xuân, các con không hề xả một mẩu giấy hay ống hút nào ra môi trường.

Có lần, anh em chúng thay nhau nắm chặt bịch đựng rác trên tuyến đường từ Hội An về Đà Nẵng để bỏ vào thùng rác ở sân bay. 

Ứng xử với rác chỉ là một mục nhỏ trong bộ quy tắc tôi thiết lập thành công nhưng giúp tôi rất nhiều khi đề cập các chuyện khác. Nào là việc tới đâu phải tuân thủ nội quy nơi đó, không làm ồn hàng xóm, tới cơ quan mẹ chơi thì không được làm phiền các đồng nghiệp của mẹ, không viết vẽ bậy hay đùa giỡn ảnh hưởng đến người khác ở nơi công cộng… Nào là các vấn đề giữ lời hứa, đúng hẹn, có trách nhiệm với việc học, việc tự chăm sóc bản thân.

Hỗ trợ con ngồi ngoan, trật tự

Một số bà mẹ nói tôi may mắn vì con tôi ngoan; vì… các con tôi ù lì mới chịu ngồi im, nghe lời… Thực tế, con gái tôi là đứa bé hiếu động, một dạng “thông minh cơ thể”. Bé chạy khá nhanh, thích leo trèo, tính cách có phần liều lĩnh.

Con trai tôi lười vận động hơn em nhưng lại ham tìm hiểu, hay tò mò, táy máy. Trên tàu xe, nhất là xe lửa, có khá nhiều chi tiết kỹ thuật; nếu không sớm nhắc nhở và đưa nguyên tắc, trẻ có thể… phá tự do. Tôi gặp nhiều bé liên tục đóng mở cửa phòng, bật - tắt công tắc đèn đọc sách… gây phiền nhiễu và nguy hiểm nhưng cha mẹ bất lực trong việc nhắc nhở.

Để tránh việc trẻ bị ức chế do phải trật tự ngồi im, tôi cũng hỗ trợ con thiết kế các hoạt động vui vẻ. Con tôi thích đọc sách, tôi cho mang sách theo, giao cho anh nhiệm vụ dắt em khám phá các quầy hàng, kiến trúc của các nhà chờ sân bay, ga tàu, các thiết kế đặc biệt trong những món đồ… 

Trên các chuyến bay, chuyến tàu, phòng đợi, tôi cho các con ít tiền mua món ăn, thức uống và các dịch vụ (tất nhiên phải ngon, bổ, rẻ)… Tôi hỗ trợ gợi chuyện để con cùng giao tiếp với người bán, với hành khách cùng tuổi, với người nước ngoài nào có vẻ muốn tiếp chuyện người bản xứ…

Tôi cũng nhờ con dùng điện thoại quay/chụp những khoảnh khắc đẹp trên hành trình. Khi xe lửa chạy qua các làng mạc, công trình xây dựng độc đáo hay khu công nghiệp mới… tôi tranh thủ nói với con những chuyện liên quan, về tuổi thơ, về ký ức của mẹ. Qua các cánh đồng có bóng con cò, con trâu, tôi cũng tranh thủ giúp con thấy rõ hơn cuộc sống nông thôn, về động thực vật… 

Khi xuống tàu xe, tôi cùng các con xem bản đồ, bàn việc tìm đặt xe ôm hay taxi. Chúng tôi luôn thảo luận các điểm nghỉ, điểm ăn. Bọn trẻ vốn rất nhiều sáng tạo, chúng hay đưa ra những gợi ý thú vị bất ngờ.

Năm nay, lại tới dịp lên lịch trình đi về ngoại. Cả tuần qua, tôi cùng 2 con thảo luận rất nhiều điểm trung chuyển giữa 2 tuyến bay. Đây cũng là cách để các con học cách thiết kế 1 lịch trình hợp lý, vừa túi tiền thay vì tự tôi quyết sẽ nhanh hơn. Nếu chọn Nha Trang hay Đà Lạt (2 điểm này cho tổng mức vé rẻ nhất) thì bất tiện ở chỗ sân bay đều cách thành phố tới 40km với 2 lượt di chuyển ra vào bằng taxi. 

Con trai tôi đã “dạn dày” qua nhiều lần về quê, nói rằng mẹ chỉ cần “phụ trách chính mẹ”, con sẽ lo cho em. Thế là tôi lại cùng các con háo hức trước một hành trình “cồng kềnh” thú vị. 

Hoàng Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI