30 năm theo dấu gốm cổ Nam Trung bộ

16/10/2021 - 14:17

PNO - Gốm Nam Trung bộ - tác phẩm được phát hành sau gần 30 năm sưu tầm, nghiên cứu cổ vật của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng.

Gốm cổ Nam Trung bộ (nhà xuất bản Đà Nẵng) chính thức ra mắt vào tháng 10/2021 nhưng cuốn sách đã được nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng ấp ủ từ thập niên 1990. Đó là giai đoạn ông cùng các nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật và làm công tác bảo tồn di sản văn hóa tham gia các chuyến khảo sát, nghiên cứu tại làng gốm cổ Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Gốm Nam Trung Bộ bổ sung vào dòng sách nghiên cứu gốm cổ
Gốm Nam Trung Bộ bổ sung vào dòng sách nghiên cứu gốm cổ nhiều tư liệu quý

“Do công việc bận rộn nên nhiều năm về sau tôi vẫn chưa thực hiện được cuốn sách. Một lần, mang ý định chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc - tác giả của nhiều công trình về Phật giáo và di sản văn hóa – được ông động viên và mong muốn cùng hợp tác nghiên cứu. Vậy là chúng tôi thống nhất về đề cương, hình thức trình bày và bắt tay vào công việc” – nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng bày tỏ.

Hai tác giả đã lên đường điền dã khắp các làng nghề miền Trung để có được phác thảo về dòng gốm Nam Trung Bộ từ gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Quảng Đức (Phú Yên), gốm Lư Cấm (Khánh Hòa), gốm Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận)...Không chỉ là công trình nghiên cứu gốm cổ mà Gốm Nam Trung Bộ còn kể câu chuyện của làng nghề qua những biến động thăng trầm. 

Cuốn sách có nhiều hình ảnh, thông tin chi tiết về các dòng gốm cổ miền Trung
Cuốn sách có nhiều hình ảnh, thông tin chi tiết về các dòng gốm cổ miền Trung

Gốm cổ Nam Trung Bộ trở thành di sản văn hóa và được gìn giữ qua các thế hệ nghệ nhân làng gốm. Mỗi câu chuyện về gốm cổ đều gắn với lịch sử trăm năm và mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất. Chỉ riêng với gốm Quảng Đức (Phú Yên) đã thấy một “hành trình gốm cổ” bắt đầu từ thế kỷ XIII.

Nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng nhận định gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV dưới vương triều Vijaya Chămpa.

“Gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng. Các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức cho biết triều Nguyễn đã từng giao quan Tuần Vũ ở sông Cầu cho người đặt làm những chậu hoa lớn bằng đất nung với đề tài trang trí đắp nổi như: long - lân - quy - phụng, bát tiên quá hải, ngư tiều canh mục… để đưa về kinh đô Huế" - nhà nghiên cứu Trần Thanh Hưng cho biết.

Công trình nghiên cứu có ý nghĩa tri ân vùng đất Nam Trung Bộ của hai nhà nghiên cứu
Công trình nghiên cứu có ý nghĩa tri ân vùng đất Nam Trung Bộ của hai nhà nghiên cứu

Những khảo sát và ghi chép tỉ mỉ của hai nhà nghiên cứu trong cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho các nhà sưu tập, những người quan tâm đến cổ vật. Gốm cổ Nam Trung Bộ cũng là tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc. Dù tuổi đã cao (ông sinh năm 1937) nhưng trong quá trình làm sách, lúc nào ông cũng sẵn sàng lên đường tìm đến các làng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân tại nhiều tỉnh thành.

Cả hai nhà nghiên cứu đều bày tỏ, công trình có ý nghĩa tri ân dải đất Nam Trung Bộ và lưu giữ lại những giá trị quý giá về gốm cổ trước khi làng nghề có thể bị mai một. Gốm cổ Nam Trung Bộ bổ sung vào dòng sách nghiên cứu gốm sứ với sự mở rộng phạm vi nghiên cứu ở khu vực miền Trung. Trước đó, cụ Vương Hồng Sển từng có những công trình nghiên cứu đã được xuất bản thành sách: Gốm Lái Thiêu, Gốm Cây Mai Gốm Sài Gòn.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI