“Bác vẫn còn đâu đó…”
Giáo sư, nhà văn Trình Quang Phú vừa có buổi ra mắt truyện ký Theo dấu chân Người (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tại TPHCM. Tác phẩm ghi lại hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác ở xứ người. Sau các tựa sách về Bác đã viết trước đó (Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến và Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng), giáo sư Trình Quang Phú tiếp tục lần theo bước chân Người bôn ba “giữa trời Tây tuyết trắng”, năm tháng hoạt động cách mạng ở Liên Xô, Trung Quốc… và trở về Việt Nam.
Cuộc hành trình ấy bắt đầu từ ngày Bác lên con tàu Amiral Latouche Tréville và đến cảng Marseille (miền Nam nước Pháp). Câu chuyện Bác xin làm thủy thủ, làm vườn, rồi làm bánh, đi quét tuyết… trên đất khách đều đã được sử sách ghi chép lại. Với thể loại truyện ký, nhà văn được sáng tạo và kết nối bằng những cuộc đối thoại, qua đó toát lên ý chí và phẩm cách cao đẹp của Người.
|
Tác phẩm Theo dấu chân Người |
Dù đến bất cứ nơi đâu, trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt như thế nào, người thanh niên mang tên Nguyễn Văn Ba ngày ấy không bao giờ ngừng học. Tác giả Mary Billingsley từng viết: “Ngày ấy, người thợ làm bánh với chí tiến thủ mạnh mẽ đã đạp trên tuyết giá lạnh giữa mùa đông ở thành phố cực Bắc để ngày ngày đến trường MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, sau này là Đại học MIT - PV) gần bờ sông Charler”. Một con người giản dị, chấp nhận mọi gian khổ, kiên định trên con đường tìm đường giải phóng dân tộc. Cốt cách và tinh thần, tư tưởng vĩ đại ấy thể hiện trong những việc mà Bác đã làm, những lời Bác đã nói, những nơi Bác chọn đến. Những người tiếp xúc với “anh Ba” ngày ấy đều cảm nhận được chí lớn và tấm lòng của chàng trai đất Việt.
Giáo sư Trình Quang Phú nói, khi ông đến thăm nơi Bác từng sống và làm việc, đã luôn có cảm nhận như thể “Bác vẫn còn đâu đó”, trong căn phòng nhỏ 10m2 ở Paris, trong công viên Luxembourg hay thư viện Sainte-Geneviève… Và người đọc, qua từng trang sách, cũng như được theo chân Bác đi suốt hành trình đằng đẵng, với rất nhiều cảm xúc. “Giữa mùa xuân, hoa dương tử kinh nở tím hồng cả một vùng đồi gợi cho chúng tôi nhiều liên tưởng đến sự kiên trung, bất khuất vượt qua muôn trùng gian khó, ngàn cân treo sợi tóc của Bác Hồ kính yêu trong những ngày ở Hồng Kông. Tôi hái một bông hoa để ngắm kỹ năm cánh hoa mềm mại uốn cong những đường vân rực rỡ…” - trích Theo dấu chân Người. Đó cũng là trang viết hiếm hoi tác giả dùng ngôi thứ nhất để bày tỏ cảm xúc của riêng mình. Giáo sư Trình Quang Phú nói, ông ấn tượng với loài hoa này vì ý nghĩa tượng trưng cho tất cả: sự kiên cường, chiến thắng, thủy chung, trường tồn… Như tinh thần của Bác.
Một hành trình bền bỉ và can đảm
Để có thể tái dựng chân dung Bác một cách chân thực, tác giả đã đi qua các quốc gia Bác từng đi; tìm tòi, sưu tập tư liệu và dày công nghiên cứu, ghi chép và đối chiếu. “Có lẽ điều xúc động và thôi thúc tôi viết về Bác là cả thế giới dù thể chế chính trị nào, họ cũng đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác”. Ngày tìm mọi cách cứu Tống Văn Sơ - tên Bác sử dụng khi hoạt động ở Hồng Kông - luật sư Loseby đã nói: “Bằng mọi giá phải cứu được Tống Văn Sơ. Tống Văn Sơ là nhân vật quyết định cho vận mệnh của dân tộc An Nam”.
|
Giáo sư-nhà văn Trình Quang Phú miệt mài với việc nghiên cứu khoa học và viết sách. Nguồn ảnh: internet |
Tấm lòng, tinh thần, ý chí, cốt cách và tầm vóc vĩ đại của Bác là phẩm cách sáng ngời mà ở bất kỳ đâu, bạn bè quốc tế cũng có thể cảm nhận được. Theo dấu chân Người cũng là hành trình lý giải vì sao người thanh niên ngày ấy giản dị, đơn độc rời bến cảng Nhà Rồng nhưng đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ, trân trọng và yêu thương, kính phục. Theo dấu chân Người còn là hành trình bền bỉ và can đảm của tác giả khi chọn viết về vị lãnh tụ của dân tộc từ nguồn thông tin, tư liệu, địa chỉ lưu dấu đều ở nước ngoài.
“Năm 1996, khi tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng in lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học, tôi mang sách đến tặng đồng chí Phạm Văn Đồng mà tôi vẫn thường gọi một cách thân thương là: chú Tô. Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tôi: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng hấp dẫn đó cháu. Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản đến lần thứ 22, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được lời hứa với chú Tô” - giáo sư Trình Quang Phú tâm tình. Bây giờ, ông viết Theo dấu chân Người ở tuổi 84, cũng là hoàn thành tâm nguyện trao gửi của người đã đi xa.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - người từng đồng hành với giáo sư Trình Quang Phú trong một chuyến đi sang Trung Quốc - đã gọi cuộc dấn thân trên trang viết của ông là “một hành trình bền bỉ và can đảm”. Vì viết truyện ký về nhân vật có thật đã khó, viết về Bác Hồ lại càng thử thách hơn gấp bội. Nhà văn theo chân Bác từ những không gian lịch sử đến con dốc nhỏ - nơi Người gặp đồng chí Phạm Văn Đồng để bàn việc nước, ở quán ven hồ - nơi Bác từng ăn để hình dung tâm cảnh khi xưa… Tất cả sự cẩn trọng, chăm chút ấy đã mang đến cho Theo dấu chân Người một câu chuyện chân thực, giàu cảm xúc và đầy đặn về hành trình 30 năm Bác Hồ tìm đường cứu nước. “Đọc tác phẩm, thấy hình ảnh Bác hiện lên rất giản dị mà vô cùng vĩ đại” - chia sẻ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, có lẽ cũng là cảm nhận của người đọc khi khép lại cuốn sách này.
Lục Diệp