30 năm “nắn” những phận đời

18/09/2024 - 05:58

PNO - Gặp lại Nguyễn Hoài Nam - đứa con tội nghiệp ngày nào đã trưởng thành và rời mái ấm cách đây 18 năm, bà Trần Y Quân - thành viên Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM - nắm lấy tay anh hỏi đủ thứ chuyện. Cứ thêm 1 người bước vào mái ấm Bà Chiểu, bà Quân lại khoe: “Nam, kỹ sư nhà ta đây! Nay ổn lắm rồi!”.

Mái ấm yêu thương

Dù đã 36 tuổi, là cha của 2 đứa trẻ, nhưng khi trở về mái nhà chung, Nam thấy mình như được “rũ bỏ” vai trụ cột gia đình để có những giây phút làm một đứa trẻ, được các bà, các mẹ, các thầy cô quan tâm, hỏi han đủ điều. Ký ức của 25 năm trước ùa về, khiến Nam rưng rưng.

Năm 1999, khi anh đang học lớp Năm, ngôi nhà nhỏ là nơi tá túc của nhiều thế hệ trong một gia đình đông người, cũng là cái sạp ở chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1) - sinh kế duy nhất của mẹ con Nam - bị cháy trong đêm. Gia cảnh đã khó khăn, lại rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, khiến mẹ Nam túng quẫn, sa chân vào con đường buôn bán ma túy. Nhà cháy từ tháng Tư thì cuối tháng Năm, mẹ Nam bị bắt.

Nam và đứa em gái 3 tuổi bơ vơ, không nơi nương tựa. 2 anh em sau đó được bà cô (chị em gái của ông ngoại) đưa về mái ấm Quán cơm xã hội trên đường Chương Dương, quận 1. Ở được 4 năm thì toàn khu vực bị giải tỏa, Nam được gửi đến mái ấm Tân Bình (mái ấm dành cho các em nam), còn em gái được gửi đến mái ấm Hướng Dương (mái ấm dành cho các em nữ).

Các bà, các dì của Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM và các thầy cô trong vòng tay của những đứa con trưởng thành trong ngày hội ngộ
Các bà, các dì của Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM và các thầy cô trong vòng tay của những đứa con trưởng thành trong ngày hội ngộ

“Biến cố xảy ra khi tôi còn quá nhỏ, chưa có “sức đề kháng” với cuộc sống bên ngoài. Cảm giác không gia đình, không có bất kỳ chỗ dựa nào khiến tôi rơi vào trạng thái vô định đến mức từng nghĩ rằng, thôi thì lên sân thượng nhảy xuống là xong. May mắn là thời gian về mái ấm, tôi có bạn bè đồng cảnh ngộ, có các thầy cô luôn nhắc nhở tôi vẫn còn đứa em gái nhỏ và mẹ cũng sẽ về. Cảm giác ấm áp từ mái nhà chung khiến tôi tạm quên đi nỗi buồn để tập trung vào việc học và có được ngày hôm nay” - anh Nam nhớ lại.

Ở mái ấm Tân Bình, Nam được nuôi dưỡng, theo dõi, bảo ban học hành. Năm 2006, anh đậu Trường đại học Nông Lâm và cũng là đứa trẻ đầu tiên của mái ấm này vào đại học. Học hết học kỳ đầu của năm nhất đại học, Nam nhận tin mẹ mãn hạn tù trở về tìm con sau 9 năm thụ án. Kể từ đó, anh rời mái ấm Tân Bình, về sống cùng mẹ trong 1 căn phòng trọ ở Thủ Đức.

Mẹ Nam buôn gánh bán bưng, còn anh làm gia sư để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 2010, tốt nghiệp đại học, anh trở thành kỹ sư ngành chế biến thủy sản. Đến nay, sau nhiều năm tích cóp, anh đã mở được một cơ sở phân phối thực phẩm nho nhỏ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Anh cho biết, gia đình nhỏ của anh hiện ổn định, hạnh phúc. Em gái anh cũng đã tốt nghiệp đại học, rời mái ấm và xây dựng gia đình.

Ngày trở lại mái ấm, chị Nguyễn Thị Tiền (33 tuổi) hết cười lại khóc. Cười khi những người bạn, người em từng sống chung một mái nhà ai cũng có gia đình riêng, ổn định. Khóc khi lời dặn dò, gửi gắm của các mẹ từ mái ấm gợi nhắc lại quãng thời gian đầy khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm.

Ngày đó, theo lời hứa của một người quen, cô gái 16 tuổi là Tiền đã rời quê hương Quảng Bình vào TPHCM giúp việc nhà để được đi học. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như hình dung ban đầu. Tiền nghỉ việc và xin vào mái ấm Bà Chiểu, được các thầy cô sắp xếp để có thể theo học lớp Mười ở trường nghề.

Khát khao được đi học, nhưng khi đối diện với việc học, Tiền chới với. Kiến thức lỏng lẻo suốt 4 năm bổ túc văn hóa khiến cô không tiếp thu nổi những bài học lớp Mười. Tiền ngày càng sợ hãi việc học và năm lần bảy lượt đòi bỏ cuộc. Thế nhưng, các mẹ ở mái ấm vẫn kiên nhẫn động viên, tìm thầy cô về dạy kèm giúp Tiền theo kịp bạn bè.

3 năm với rất nhiều nỗ lực, Tiền cũng tốt nghiệp cấp III và có tấm bằng nghề. Thấy mình đủ trưởng thành, Tiền rời mái ấm để xây dựng cho mình cuộc sống riêng, rồi vừa đi làm, vừa học liên thông lên đại học.

Hiện nay, Tiền đã có 2 con nhỏ. Thời gian ở nhà chăm con, Tiền học thêm tiếng Anh và bồi dưỡng kỹ năng sư phạm với dự định chuyển hướng sang đào tạo kỹ năng sống. Cô nói về cuộc sống hiện tại: “Tôi may mắn có một người chồng luôn yêu thương và trân trọng mình. Bình thường, chúng tôi đi đâu cũng có nhau. Anh cũng thường xuyên cùng tôi về thăm mái ấm, thăm các bà, các mẹ ở đây”.

“Như con tàu chở chúng con qua sóng gió…”

Sáng 16/9, mặc cơn mưa tầm tã đang trút xuống, gần 60 con người trưởng thành - những người từng là những đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các mái ấm do Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM bảo trợ - vui mừng, xúc động khi được cùng nhau hội ngộ tại mái ấm Bà Chiểu. Mỗi người đều có câu chuyện riêng, nhưng điểm chung của họ là những ký ức mến yêu, ngọt ngào trong những tháng năm sống tại mái ấm.

Đó là những đứa trẻ đường phố sống bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số… bước vào mái ấm với những lo âu. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của các cô, các thầy, tình thương yêu của các bà, các dì ở Hội Phụ nữ Từ thiện, các em đã dần hòa nhập và trở thành một phần của gia đình mái ấm. Các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, thương yêu, được học hành và cùng nhau lớn lên.

“Như con tàu chở chúng con qua sóng gió, cảm ơn các má đã vất vả và luôn yêu thương, dành tình cảm cho chúng con. Má ơi, ngày nhỏ má chở chúng con đi học, giờ tụi con trưởng thành rồi, con muốn về chở má đi chơi!” - lời bộc bạch của Nguyễn Thị Mai - cô gái được nuôi dưỡng, trưởng thành từ mái ấm Bà Chiểu - trong ngày trở về khiến bao người xúc động rơi nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Mai (thứ hai từ trái sang) cùng chồng và 2 con trò chuyện với 2 “người mẹ” tại mái ấm Bà Chiểu trong ngày về thăm
Chị Nguyễn Thị Mai (thứ hai từ trái sang) cùng chồng và 2 con trò chuyện với 2 “người mẹ” tại mái ấm Bà Chiểu trong ngày về thăm

Gặp lại những “đứa con” của mình khi chúng về thăm nhà với việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM - rưng rưng nhớ lại quãng đường gần 30 năm từ những ngày đầu. Từ khi thành lập, các mái ấm đã nuôi dạy, chăm lo cho 150 trẻ, đến nay còn 117 trẻ.

Trong gần 30 năm qua, hơn 800 trẻ đã được nuôi dưỡng, trưởng thành từ mái ấm. Với bà Nguyễn Thị Huệ, thành công của những đứa trẻ đã trưởng thành từ mái ấm là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính các em, là sự quan tâm dạy dỗ tận tình, chăm sóc chu đáo của những giáo dục viên, các cô thầy.

Bên cạnh đó, các bà, các dì, các chị trong Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM luôn cố gắng tạo cho các em sự bình an, điều kiện sống tốt nhất dưới sự hỗ trợ ân cần, bền bỉ của những nhà hảo tâm.

“Mừng khi thấy các con đã trưởng thành, vào đời và đã có những thành quả tốt. Mong các con hãy luôn là những công dân tử tế. Cảm ơn những chàng rể, nàng dâu của mái ấm đã yêu thương, gắn bó với những đứa con của các mẹ. Mong các con hãy giữ gìn hạnh phúc của mình, yêu thương, chăm sóc cho nhau nhiều hơn nữa” - bà Nguyễn Thị Huệ gửi gắm.

Ngày 15/9 vừa qua, Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM đã tổ chức buổi họp mặt giao lưu “Các thế hệ trẻ trưởng thành” từ các mái ấm của hội. Sự kiện hướng đến kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM (19/10/1989 - 19/10/2024).

Thành lập từ năm 1989 đến nay, Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM đã chăm lo, bảo trợ về tài chính cho 7 mái ấm, bao gồm: mái ấm Ánh Sáng (thành lập năm 1994), mái ấm Bà Chiểu (năm 1996), mái ấm Hướng Dương (năm 1998), mái ấm Bình Minh (1998), mái ấm Ga Sài Gòn (2005), mái ấm Hoa Sen (năm 2007), mái ấm Tân Bình (năm 2011).

Đến nay, nhiều trẻ được chăm sóc, nuôi dạy trong các mái ấm đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng, ổn định, nuôi dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI