Sáng 4/10, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức (4/10/1988 - 4/10/2018) .
Chào đời ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với hình hài khác người bình thường, Nguyễn Việt và Nguyễn Đức đã trải qua những năm đầu đời đầy đau đớn, mệt mỏi khi dính nhau ở phần bụng, cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và trọng lượng chỉ 2,2 kg. Hai anh em bị ảnh hưởng chất độc da cam. |
Đây là ca mổ kéo dài hơn hai tháng, đi vào lịch sử y học thế giới. Ca mổ tách rời Việt - Đức không chỉ là thành tựu về mặt y học, mà còn là ca mổ quy tụ trí tuệ, tình người...
Năm 1988, hơn 70 giáo sư, bác sĩ hàng đầu trong nước và bác sĩ đến từ Nhật Bản do giáo sư, bác sĩ Trần Đông A làm trưởng kíp mổ, đã khiến cả thế giới chú ý khi cùng thực hiện cuộc phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức. 30 năm, tiếng vang dẫn chưa dừng lại.
|
Thời gian vùn vụt trôi, Giáo sư bác sĩ (GS-BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng giờ đã thêm 30 tuổi. Bà nhớ lại: “Chỉ một ngày sau khi ca mổ thành công, người dân khắp nơi từ TP.HCM, Hậu Giang, Bình Trị Thiên, Cà Mau, Bạc Liêu... đổ về Bệnh viện Từ Dũ, tấp nập như đi hội để thăm ê-kíp mổ và hai cháu Việt - Đức.
Có em nhỏ ôm cả con heo đất dành dụm của mình để tặng Việt - Đức. Danh sách các nhà hảo tâm ở Bệnh viện Từ Dũ dài thêm từng phút với tặng phẩm, tiền bạc của bà con, trong đó có cả tiền của các phóng viên truyền hình Nhật Bản”.
|
|
Sáng nay, 4/10, sau 30 năm ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức thành công, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong êkíp phẫu thuật năm xưa đã đến TP.HCM ôn lại kỷ niệm, chúc mừng sự thành công của y học Việt Nam. |
|
Hơn 30 năm trước, khi Việt - Đức được 3 tháng tuổi, hai anh em được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội điều trị theo ý kiến của cố GS Tôn Thất Tùng. Đầu tháng 12/1982 hai bé được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ. Với dị tật của mình, Việt - Đức khiến giới y học phải đau đầu trong cuộc chiến tách rời.
Năm 1983, GS Fujimoto Bunro người Nhật đến thăm Việt - Đức. Về Nhật, ông phát động phong trào quyên góp và thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt - Đức). Nhiều cuộc quyên góp cho hai cháu được thực hiện, có người Nhật khi ấy đã viết rằng, có lẽ một nửa dân chúng Nhật biết về cặp song sinh Việt - Đức.
|
|
Vì sự sống của cặp song sinh, UBND TP.HCM cho phép giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ lúc bấy giờ) kêu gọi sự giúp đỡ của ngành y tế thế giới trong trường hợp mổ cấp cứu.
Ngày 22/5/1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê. Với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, y bác sĩ Nhật, Việt - Đức được đưa sang Tokyo. Ngành y tế Nhật tập trung các bác sĩ nhi giỏi nhất của Tokyo về hội chẩn. Sau 4 tháng 10 ngày chữa trị, ngày 29/10/1986 trở về Việt Nam, Việt khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác.
|
|
Đầu năm 1988, Bệnh viện Từ Dũ đề nghị Sở Y tế TP.HCM cho mổ tách hai cháu. Êkíp mổ bao gồm các bác sĩ chuyên gia hàng đầu tại TP.HCM được thành lập: Viện sĩ - TS Dương Quang Trung, GS-BS Trần Đông A, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GS-BS Trần Thành Trai, GS-BS Văn Tần, GS-BS Trần Văn Bình, TS Nguyễn Tịnh Hiền, TS Vũ Lê Chuyên, TS Nguyễn Thị Tố Như... cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế lên đến hơn 100 người. |
|
Gần 1 năm chuẩn bị với vô số cuộc hội chẩn, ngày 4/10/1988, hơn 70 giáo sư, bác sĩ trong nước và các bác sĩ đến từ Nhật Bản do GS-BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ đã cùng thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 17 tiếng đồng hồ. Ê kíp phải bóc tách dây thần kinh, tách nội tạng, hậu môn, bàng quang… của Việt - Đức. Khi BS Lê Kính và BS Võ Văn Thành thực hiện đục thành xương, GS Trần Đông A đưa ngón tay mình vào dẫn đường, để nếu trượt thì sẽ đục vào ngón tay chứ không làm tổn thương các phần quan trọng ở cơ thể hai bé. |
|
“Sau phẫu thuật, êkíp không vội về mà đứng đợi cặp song sinh như đợi phút giây con của mình chào đời. Lúc Nguyễn Đức hé mở mắt, BS Dương Quang Trung nghẹn ngào hỏi: “Con à, con có được nghe không?”, Đức từ từ quay sang bác sĩ Trung, cả êkíp reo lên: “Sống rồi!”. GS-BS Trần Đông A nhớ như in ca phẫu thuật quan trọng nhất trong cuộc đời y học đầy vinh quang của ông và đồng nghiệp. |
|
Thành công này gây sự chú ý đối với cả thế giới. Ca phẫu thuật được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Thành công của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức không chỉ tái sinh cuộc đời Đức, mà còn đánh dấu mốc son trong y học Việt Nam. 30 năm qua, cả thế giới không ít lần nhắc về ca phẫu thuật đầy trí tuệ, tình người này. |
|
Sau ca mổ, vì nhiều biến chứng trước đó, Việt phải sống đời sống thực vật, Đức khỏe mạnh và bắt đầu sống cuộc sống mới. Cả hai sống trong tình thương, sự chăm sóc của các y, bác sĩ, y tá, bảo mẫu... trong Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Sau thời gian học tập, Đức được tạo điều kiện về công tác tại đây. |
|
Không chỉ các bác sĩ, cả trong và ngoài nước, bất kỳ ai biết đến cuộc phẫu thuật cũng khâm phục và đồng hành với cuộc sống của anh em Việt - Đức về tinh thần lẫn vật chất. |
|
Người dân Nhật Bản cũng như người dân nhiều nơi trên thế giới chúc mừng cho thành công của y học Việt Nam. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng gặp không ít áp lực khi giới y học thường xuyên chú ý đến cuộc sống sau khi tách rời của Việt và Đức. |
|
Trong một lần tham gia từ thiện, anh Nguyễn Đức gặp chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, từ cảm thông, chia sẻ, hai người yêu nhau và tổ chức đám cưới vào cuối năm 2006. |
|
Sau khi có vợ, Đức bị hiếm muộn do nghẽn ống dẫn tinh. Các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để Đức thỏa khát khao làm cha của mình. Năm 2008, vợ chồng anh vỡ òa đón nhận cặp sinh đôi một trai một gái từ bác sĩ. Nhờ y học, Đức không chỉ lấy lại cuộc đời mình, mà còn có được hạnh phúc trọn vẹn. |
|
Anh Đức cho biết, anh không chỉ sống cho riêng mình, mà còn phải sống tiếp phần đời của anh Việt, và thực hiện những hoạt động từ thiện không mệt mỏi để góp phần cho cuộc sống tươi đẹp hơn. "Năm 2012 câu lạc bộ từ thiện được thành lập để tôi có thể giúp đỡ nhiều người hơn, trong bất hạnh tôi may mắn gặp được nhiều người tốt để bây giờ có cuộc sống hạnh phúc. Tôi muốn những người đang khó khăn cũng sẽ như tôi, được giúp đỡ và sống thật vui vẻ", anh Đức nói. |
|
Do tình trạng dị tật bẩm sinh của hệ tiết niệu diễn tiến phức tạp theo thời gian, năm 2017, anh Nguyễn Đức được Bệnh viện Bình Dân TP.HCM phẫu thuật. Nếu không được phẫu thuật tạo hình, anh Nguyễn Đức phải đeo ống thông dẫn lưu nước tiểu suốt đời và gặp nguy cơ biến chứng trên chức năng của thận. Trước đó, cũng tại bệnh viện này, anh Nguyễn Đức đã được mổ mở thận ra da tối thiểu bằng ống thông nhỏ để điều trị thận ứ nước nhiễm trùng trên thận độc nhất. |
|
Tại lễ kỷ niệm, anh Đức xúc động: "Tôi rất nhớ anh Việt và mẹ nuôi. Trong tâm trí, khi tôi thành công, khi tôi hạnh phúc, tôi đều nhớ về anh ấy, tôi luôn có một phần của anh ấy. Anh Việt rất dũng cảm. 30 năm trôi qua thật nhanh, tôi đang có cuộc sống rất hạnh phúc với người vợ chu đáo, tận tụy và hai đứa con thật dễ thương. Tôi phải sống tốt hơn nữa để đền đáp ân tình mà các bác sĩ đã dành cho tôi". |
Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - cho biết: "Niềm vui này như mới ngày hôm qua. Điều này không chỉ mang ý nghĩa về thành tựu của y học Việt Nam, mà còn là ý nghĩa với cả cuộc đời Đức. Đức tự lập, tự chủ, sống tươi vui cùng gia đình và đi từ thiện rất nhiều. Điều đó như ngọn lửa ấm áp cho tất cả mọi người. Hạnh phúc hơn nữa khi những y, bác sĩ của Việt Nam và Nhật Bản trong êkíp năm xưa, sau 30 năm chúng tôi còn được gặp lại nhau".
Ảnh tư liệu từ nhiều nguồn
Phạm An