PNO - Năm 1989, sau khi nghỉ hưu ở Hội LHPN TP.HCM, các cô, các dì đã quyết định thành lập Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM, để tiếp tục hành trình hướng đến sự san sẻ, yêu thương, chăm lo cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Không nói nhiều về hoạt động của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM, trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, bà Đoàn Lê Hương - Chủ tịch Hội - dành lời tri ân gửi đến những tấm lòng đã đồng hành trên hành trình nhân ái ấy. Bà nói: “Con số 118,5 tỷ đồng vận động được trong suốt 30 năm qua sẽ không thể có, nếu Hội không nhận được sự ủng hộ đầy tình nghĩa của hàng trăm cá nhân, tập thể, để từ đó, cùng với Hội, trợ giúp cho hàng ngàn người có cuộc sống kém may mắn”.
Gửi ánh mắt biết ơn đến bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - một cá nhân tích cực đóng góp cho hoạt động của Hội với con số 550 triệu đồng, nhưng bà Hương nhận lại cái lắc đầu của người phụ nữ mệnh danh “sống đơn giản”: “Tôi cũng là một hội viên mà!”.
Nhận hoa cám ơn từ bà Đoàn Lê Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ Từ thiện, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (phải) nhớ về những cuộc họp ở trụ sở xập xệ, ái ngại mỗi khi đón khách, nhưng đó không hề là vấn đề đối với những tấm lòng nhân ái
Kể lại hành trình một hội viên của mình, bà Hạnh nhẹ nhàng: “Tôi chỉ là người tiếp bước công tác nghĩa tình của chị em sáng lập Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM. Hội này… chẳng có gì ngoài tấm lòng rộng lớn”. Dấu ấn về Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM trong bà Hạnh sống lại qua câu chuyện những cuộc họp ở trụ sở Hội quá… xập xệ, đến nay vẫn đang trong tình trạng mưa chỗ này, dột chỗ kia, khiến mỗi lần đón khách, loay hoay mãi không có một chỗ tươm tất, đến nỗi cả khách và chủ đều lén giấu ái ngại, nhìn nhau… cười trừ. “Nhưng không sao cả. Đó không phải là vấn đề của Hội mình” - bà Hạnh quyết liệt.
Nở nụ cười thật tươi, bà Hạnh tự hào, vấn đề lớn nhất của Hội chính là làm sao mang ngày càng nhiều tấm lòng đến với những người kém may mắn, khó khăn trong xã hội, đặc biệt là người già, phụ nữ, trẻ em và Hội đã làm được. Trên nền tảng tình thương, sự chia sẻ, công tác ấy của Hội mỗi ngày một lớn mạnh. Không lớn mạnh sao được khi có hội viên, sau mấy ngày bán được vài vại dưa cải, đã lập tức đem gói tiền lẻ xếp gọn đến trao cho Hội, do biết nơi này sắp có chuyến đi xây nhà tình thương cho bà con những vùng còn nghèo khó. Không lớn mạnh sao được khi nơi này còn là điểm gặp gỡ của những người có tấm lòng cao cả. Cách đây 20 năm, cô giáo trẻ Trương Thị Yến hay tin Hội thành lập Mái ấm Bà Chiểu để nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, mồ côi, cơ nhỡ, không chốn nương thân, chị đã không chút đắn đo mà “đầu quân” về Hội.
Chị Yến nhớ về cơ duyên đưa mình đến với Hội: “Ngày đó, khi nghe Hội thông báo cần một giáo viên, tôi nghĩ mình tốt nghiệp sư phạm, đâu nhất thiết phải đứng ở trường lớp chính quy, trên bục giảng mới trở thành nhà giáo. Tôi tin rằng, ở đâu cần đến sự chăm lo, dạy dỗ, coi sóc của mình thì nơi đó chính là bục giảng của mình”.
Thuở đầu, môi trường… trường lớp của Mái ấm Bà Chiểu chỉ với một cô giáo vừa tốt nghiệp đầy những khó khăn. Mỗi ngày, phải đối diện, làm việc với hàng chục đứa trẻ đầy nỗi niềm, thiếu tình thương và luôn muốn giấu đi mặc cảm thân phận trong vỏ bọc nổi loạn, không nghe lời, khiến chị Yến đôi ba lần ngỡ mình đã… nhầm đường, chọn sai. Để rồi, sau 20 năm gắn bó ở cương vị người phụ trách mái ấm, chị Yến kết luận: “Cứ tưởng đó là nơi không phù hợp, nhưng rồi mỗi ngày mỗi tiếp xúc với các em, lại nhận ra, đây rõ ràng là nơi mình thuộc về”.
Cảm giác thân thuộc, thương yêu đó còn đầy lên theo ngày tháng, khi thi thoảng chị Yến lại ngỡ ngàng, rưng rưng đón nhận ân tình từ những người xa lạ; mà chị kể, có khi là một chị bán cháo đẩy xe cháo đi ngang qua mái ấm. Chị nhìn vào, không dưng… la lớn: “Mang chén tô ra đây chị múc cháo cho tụi nhỏ nhà mình ăn sáng!”…
Trong hàng ngàn câu chuyện thấm đẫm ân tình của các hội viên, các Mạnh Thường Quân hàng chục năm đồng hành cùng Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM, không thể quên người phụ nữ tên Trang Hồng Hương. Trong một lần theo chân người bạn đi cùng Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM đến thăm và giúp đỡ, tặng quà cho người già neo đơn cùng các em khuyết tật ở huyện Cần Giờ, bà Hương - chủ nhà hàng Đồi Xanh - trở về với quyết định: sẽ đặt thùng quyên góp ngay tại nhà hàng của mình.
Từ thùng quyên góp này, hơn 10 năm qua, mỗi năm, bà Hương đã mang đến cho Hội hàng trăm triệu đồng để cùng thực hiện các công tác xã hội, như xây cầu, tài trợ học bổng cho trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ… Bà Hương nổi danh là người phụ nữ vì trẻ em khó khăn ở huyện Cần Giờ, khi hễ gom được một khoản tiền, bà lại đến Hội, hỏi có về Cần Giờ thăm các em không.
“Điều khiến tôi rất vui là chuyện chiếc thùng quyên góp đã giúp tôi nhóm lên lửa nhân ái cho nhân viên của mình hay khách khứa ghé qua nhà hàng. Họ rất xúc động với những câu chuyện và hình ảnh tôi mang về từ những chuyến đi cùng Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM chăm lo cho người bất hạnh. Tôi tin rằng, tình yêu thương, sự nâng đỡ nhau trong cuộc sống, nhờ đó sẽ lan tỏa, người này truyền gửi, tiếp động lực cho người kia. Cuộc sống này, qua đó, trở nên tốt đẹp hơn, vơi đi những nhọc nhằn trong từng thân phận” - bà Hương nói.
Câu nói của bà Hương phản hồi trước sự tri ân của Hội, cũng là sự đúc kết sứ mệnh tự trao của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM suốt 30 năm hoạt động và những tháng năm sau này - như Nodar Dumbatze trong cuốn Quy luật của muôn đời đã nói: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử. Tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng…”.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.